1. Ai bắn rơi máy bay?
Các quan chức tình báo Mỹ - người luôn được tiếp cận những thông tin mới nhất xung quanh vụ việc cho biết báo cáo phân tích sơ bộ của tình báo Mỹ kết luận phe ly khai ở miền Đông Ukraine nhiều khả năng đã kích hoạt tên lửa.
“Bằng chứng cho thấy chiếc máy bay bị một tên lửa đất đối không bắn hạ trong khu vực kiểm soát của phiến quân ly khai – lực lượng được Nga hậu thuẫn”, Tổng thống Obama phát biểu trước các phóng viên. Tuy nhiên, ông không đổ lỗi cụ thể cho bất cứ bên nào.
Theo thông tin được nhiều tờ báo đăng tải, máy bay Malaysia MH17 có thể đã bị bắn tại Ukraine bởi tên lửa BUK do Liên Xô phát triển trong thập niên 1970, được dùng để bắn hạ máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình, máy bay không người lái.
Về phần Ukraine, các quan chức nước này cũng đưa ra lời cáo buộc lực lượng ly khai ở miền Đông. Ukraine còn công bố đoạn băng ghi âm tình báo trong đó có đề cập tới việc phiến quân bắn rơi chiếc máy bay dân sự MH17. Tuy nhiên, phe này vẫn một mực phủ nhận có liên quan đến vụ việc.
2. Tại sao mục tiêu lại là máy bay dân sự?
Nếu lực lượng nổi dậy đứng đằng sau vụ tấn công, họ có thể đã nhầm với máy bay quân sự Ukraina. Trong vài tháng qua, quân nổi dậy đã sử dụng tên lửa đất đối không để bắn hạ hơn 10 máy bay, trong đó có hai máy bay vận tải, Đại sứ quán Mỹ tại Kiev cho biết .
Ngay sau khi vụ tai nạn, Igor Strelkov, Bộ trưởng Quốc phòng tự xưng của Donetsk Cộng hòa Nhân dân, tuyên bố trên mạng xã hội rằng phe ly khai đã bắn rơi một chiếc máy bay vận tải quân sự. Tuy nhiên, bài viết này sau đó đã bị xóa ngay sau khi có thông tin MH17 bị bắn rơi.
"Nó có dấu ấn của một nhận dạng nhầm lẫn của một chiếc máy bay mà họ họ tin rằng là của Ukraine”, Thượng nghị sĩ Arizona John McCain nói với MSNBC.
3. Vì sao MH17 bay trên không phận của khu vực đang xảy ra giao tranh?
Chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines cất cánh từ Amsterdam và sẽ hạ cánh ở Kuala Lumpur. Trong lộ trình bay, MH17 bay qua phía Đông Ukraine. Đó hoàn toàn là một lộ trình bay thông thường được nhiều máy bay của các nước sử dụng.
Mary Schiavo, cựu tổng thanh tra của Sở Giao thông vận tải Mỹ cho biết, hầu hết các hãng hàng không hoạt động theo các hướng dẫn và quy chế của cơ quan hàng không dân dụng quốc gia và và có những tuyến đường được thiết lập sẵn.
Cũng theo bà Schiavo, Cục Hàng không Liên bang (FAA) và các cơ quan hàng không dân dụng quốc gia của các nước vẫn chưa chỉ định khu vực nơi máy bay của Malaysia bị bắn rơi là không phận bị cấm bay mặc dù đang xảy ra xung đột trong khu vực.
Tuần trước, Eurocontrol, cơ quan chịu trách nhiệm điều phối không phận châu Âu, cho biết nhà chức trách Ukraina đã đóng không phận ở độ cao dưới 10.000m ở miền đông, nhưng tầm bay của MH17 trên 10.000m khi bị bắn rơi. Việc máy bay dân sự bay qua vùng chiến sự không phải là bất thường, vì máy bay vẫn ở độ cao mà các vũ khí trong khu vực xung đột khó có thể bắn trúng.
Trong khi đó, truyền thông Nga cáo buộc hai máy bay chiến đấu của Không quân Ukraina bay gần chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines vài phút trước khi nó bị bắn hạ trên bầu trời Donetsk.
4. Khi nào các điều tra viên quốc tế tiếp cận hiện trường máy bay rơi?
Một cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã kết thúc vào sáng sớm thứ hai, Úc đã đề xuất một nghị quyết kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế nhanh chóng.
"Tại thời điểm này, hiện trường vụ máy bay rơi đang được kiểm soát bởi phe y khai do Nga hậu thuẫn. Gần như chắc chắn rằng các tay súng ly khai thân Nga tham gia bắn rơi máy bay. Vì thế, để những người đó kiểm soát hiện trường gần giống như để tội phạm kiểm soát hiện trường phạm tội”, Thủ tướng Chính phủ Úc Tony Abbott cho biết.
5. Hộp đen MH17 đang ở đâu?
Một số báo cáo nói lực lượng ly khai đã tìm thấy thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay và thiết bị ghi âm buồng lái rồi chuyển tới Nga. Tuy nhiên, thông tin này vẫn chưa được xác minh. Một quan chức Ukraine hôm 18/7 cho biết các thiết bị này vẫn còn ở trong lãnh thổ Ukraine nhưng không biết chính xác vị trí hay danh tính người đang giữ chúng.
Một chuyên gia về an ninh hàng không được tờ The Belfast Telegraph dẫn lời cho biết hộp đen sẽ cung cấp những manh mối quan trọng để biết được loại vũ khí nào đã bắn hạ máy bay. Từ đó có thể hiểu được máy bay đã bị phá hủy như thế nào và vì sao lại bị phá hủy.
Kiểm tra hộp đen sẽ là chìa khóa giải mã vụ việc nhưng chuyên gia hàng không Miles O'Brien thì đặt ra giả thuyết, vị trí tai nạn thuộc một khu vực bất ổn nên việc tìm thấy hộp đen sẽ rất khó khăn.
“Đây sẽ là câu hỏi lớn, trong tay họ (lực lượng phiến quân thân Nga) thì khó có thể minh bạch và một cuộc điều tra quốc tế thực sự là cần thiết”, ông nói.
6. Ai là nạn nhân trong vụ tai nạn thảm khốc?
Không ai còn sống sót trong số 298 hành khách và phi hành đoàn có mặt trên máy bay MH17. Trong số này có 80 em nhỏ và 3 trẻ sơ sinh.
Hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) hôm 19/7 đã ra thông cáo cho biết quốc tịch của toàn bộ hành khách trên chuyến bay MH17 bị rơi ở Ukraine đã được xác định. Theo đó, trong tổng số 298 hành khách của chuyến bay có 193 người mang quốc tịch Hà Lan (trong số đó có 3 người gốc Việt Nam, 1 người mang cả hai quốc tịch Hà Lan và Mỹ), 43 người Malaysia (trong đó 2 trẻ nhỏ và 15 thành viên phi hành đoàn), Australia 27, Indonesia 12 (gồm 1 trẻ nhỏ), Anh 10 (gồm 1 người mang hai quốc tịch Anh và Nam Phi), Đức 4, Bỉ 4, Philippines 3, Canada 1, New Zealand 1.
7. Có thể tìm thấy toàn bộ thi thể các hành khách hay không?
Tính tới thời điểm hiện tại, các đội cứu hộ đã tìm thấy 270 thi thể nạn nhân vụ tai nạn thảm khốc. Tuy nhiên, mảnh vỡ máy bay trải rộng 15 km ở khu vực hẻo lánh ở miền đông Ukraina khiến các hoạt động tìm kiếm thi thể gặp nhiều trở ngại.
Do cơ sở hạ tầng ở Grabovo còn nghèo nàn nên lực lượng nổi dậy Ukraina buộc phải lưu giữ xác nạn nhân trong các toa tàu lạnh ở nhà ga thị trấn Torez, cách hiện trường tai nạn khoảng 15 km.
8. Các thi thể nạn nhân sẽ được xử lý ra sao?
Không ai biết khi nào các thi thể sẽ được nhận dạng và họ sẽ được chôn cất ở đâu. Lãnh đạo ly khai Alex Borodai cho biết, ông muốn chuyển giao các thi thể cho thân nhân, nhưng chỉ sau khi chuyên gia giám định các thi thể này. Ông lo ngại nếu thi thể được chuyển cho Ukraine, chính phủ Kiev sẽ sử dụng các thi thể như một bằng chứng cáo buộc tay súng ly khai đã bắn hạ máy bay.
“Tôi muốn các thi thể”, bà Selena Fredriksz, có con trai 23 tuổi là hành khách trên chuyến bay MH17, nghẹn ngào nói tại sân bay Schiphol ở Amsterdam. “Họ có thế lấy đi mọi thứ, nhưng thi thể phải được trả lại. Hãy lấy iPhone, tiền bạc và mọi thứ”.
9. Ai sẽ dẫn đầu cuộc điều tra?
Theo công ước quốc tế, Ukraine – nơi MH17 rơi xuống sẽ là nước đảm nhận vai trò chỉ đạo cuộc điều tra.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết, các chuyên gia của Tổ chức Hàng không dân sự quốc tế, một nhóm nhân viên của Liên Hợp Quốc cùng các nhóm điều tra viên của Hà Lan, Malaysia và Mỹ sẽ thành lập một ủy ban đặc biệt.
Hãng thông tấn chính thức của Malaysia Bernama đưa tin, ngày 19/7, 131 điều tra viên của Malaysia đã tới Kiev nhưng chưa biết khi nào họ sẽ được tiếp cận khu vực tai nạn.
FBI và Ban an toàn Giao thông của Mỹ cũng sẽ cử các chuyên gia tham gia vào cuộc điều tra.
10. Nga sẽ phản ứng như thế?
Nếu một cuộc điều tra kết luận máy bay bị bắn rơi bởi quân nổi dậy sử dụng một tên lửa do Nga cung cấp hoặc do chính Nga bắn rơi - Tổng thống Vladimir Putin sẽ có hai lựa chọn và cả 2 lựa chọn đó đều khiến ông bất lợi, giáo sư Daniel Treisman nhận định.
Putin có thể từ chối các kết luận và đứng về phía phe ly khai ở Ukraine. Nếu làm như vậy, ông có nguy cơ trở thành người bị quốc tế tẩy chay. Phương Tây có thể sẽ có những biện pháp trừng phạt khiến nên kinh tế Nga gặp khó khăn, hoặc đủ để làm tê liệt nền kinh tế dẫn đến một cuộc suy thoái.
Hoặc, ông Putin có thể cắt đứt quan hệ với quân nổi dậy, nhưng vấn đề này cũng có thể gây khó khăn.