TIN TỨC » Dòng sự kiện

10 sự kiện lớn của thế giới sau ngày 11/9/2011

Thứ năm, 15/09/2011 09:21

Mốc kỷ niệm 10 năm cuộc khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001 là một dịp cho người Mỹ nhìn nhận lại thế giới đã thay đổi thế nào kể từ sự kiện này.

10 năm là một khoảng thời gian ngắn trong lịch sử nhưng lại là một quãng đường dài trong cuộc đời một con người.

Ông David J.Rothkopf.

Cuộc sống của mỗi người Mỹ, Afghanistan, Iraq… đã thay đổi rất nhiều trong 10 năm qua. Hãy cùng đọc bài “Hố đen của ngày 11/9” của chuyên gia phân tích David J.Rothkopf  đăng trên tờ Foreign Policy.

Dưới đây là nội dung bài viết:

“Gần đây, tôi bắt đầu nhận được những yêu cầu từ các phóng viên để viết bài phân tích hướng tới ngày kỷ niệm 10 năm của sự kiện 11/9. Lời yêu cầu luôn giống nhau: Chúng ta đã thay đổi như thế nào kể từ thời điểm kinh hoàng đó?”, ông David J. Rothkopf nói.

Sự kiện 11/9 là một thảm họa đáng sợ và bản anh hùng ca của các người dân dũng cảm. Những cảm xúc mạnh mẽ đó khiến người ta dễ có phản ứng thái quá với hậu quả của sự kiện này.

Trên thực tế, người Mỹ đã phản ứng thái quá về tầm quan trọng khi thảm họa này xảy ra. Cựu tổng thống Mỹ George W. Bush đã cho rằng “Mỹ đang bị tấn công”. Chúng ta đã nói về ngày 11/9 như thể đó là trận Trân Châu Cảng thứ 2 – sự kiện đã là biểu tượng cho cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2, khi cuộc sống của hàng trăm triệu người Mỹ đang đứng trước nguy cơ bị phá hủy.

Sự thực, 11/9 chỉ là một sự thành công trùm khủng bố Osama bin Laden cùng một nhóm nhỏ các kẻ cuồng tín nhằm vào Mỹ. Người Mỹ đã tái tổ chức hoàn toàn hệ thống an ninh, đã phát điên chỉ vì những kẻ cuồng tín.

Với chi phí thấp cùng vài kẻ tử vì đạo, Osama bin Laden đã thành công khi tạo ra một trong những sự kiện gây ảnh hưởng lớn trên phạm vi toàn thế giới.

Bóng ma của ngày 11/9 không chỉ ám ảnh người Mỹ, mà còn hàng ngàn, hàng vạn người Pakistan, Afghanistan, Iraq...

Hàng ngàn tỷ USD đã được chi tiêu, hàng ngàn mạng sống của người dân đã bị “hiến tế” cho những cuộc chiến được tiến hành dựa trên cảm xúc của một nước Mỹ đang mất phương hướng.

Đánh vào biểu tượng của nước Mỹ, sự thành công của trùm khủng bố Osama bin Laden không nằm ở chỗ đánh sập được tòa tháp đôi khổng lồ mà đánh sập được sự sáng suốt trong suy nghĩ của người Mỹ.

10 năm đã trôi qua, người Mỹ đã rút khỏi Iraq và sắp tới là Afghanistan, Osama bin Laden cùng nhiều thành viên cao cấp của Al Qeada đã thiệt mạng. Nhưng chiến thắng chỉ đến với nước Mỹ chỉ khi mọi người đã trở lại với hiện thực, cùng với sự suy nghĩ sáng suốt trước khi tham gia bất cứ cuộc chiến nào.

Dưới đây là 10 sự kiện lớn đã xảy ra trong 10 năm kể từ cuộc khủng bố ngày 11/9/2001.

Những sự kiện này ít nhiều đều có liên quan tới cuộc khủng bố cách đây gần 10 năm. Các luận điểm được nhà phân tích David J.Rothkopf sắp xếp theo tầm ảnh hưởng từ thấp tới cao.

10. Người Mỹ phản ứng trước cuộc khủng bố 11/9

Nhiều người cho rằng phản ứng mạnh mẽ của Mỹ trước sự kiện này là bằng chứ thể hiện vị thế của một siêu cường trên thế giới. Dù cho hầu hết những phản ứng này mang lại những rắc rối cho nước Mỹ và tạo ra các vấn đề mà hiện nay họ đang phải nỗi lực giải quyết như Iraq, Afghanistan, mối quan hệ với thế giới hồi giáo…

Thực sự, người Mỹ đã phải thực sự chiến đấu và hi sinh trên chiến trường tại Iraq và Afghanistan trong nhiều năm. Nhưng đó là “cuộc chiến người Mỹ tự chọn”, giống như những hành động vi phạm đạo đức và nguyên tắc Mỹ mà binh lính đã gây ra tại các nhà tù Abu Ghraib và Guantanamo.

Nhiều nhà phân tích cho rằng các hành động này là “gậy ông đập lưng ông”, khiến nước Mỹ cũng trở thành một phần của chủ nghĩa khủng bố. Nước Mỹ đã chịu nhiều ảnh hưởng xấu từ các sự kiện ngược đãi tù nhân, từ hai cuộc chiến đẫm máu hơn là nhóm khủng bố Al Qeada.

9. Làn sóng nổi dậy tại thế giới Arab

Kết cục của làn sóng nổi dậy mạnh mẽ và thế giới Arab vẫn là câu trả lời chỉ có được trong tương lai.

Nhưng làn sóng này đã lật đổ được nhiều chính phủ hơn cả số lượng mà Al Qaeda và Mỹ cộng lại. Cuộc nổi dậy đã tạo nên những tác động sâu sắc tới chủ nghĩa khủng bố nói riêng, và toàn bộ thế giới nói chung.

Các cuộc biểu tình tại Ai Cập, Libya, Syria, Tunisia… được tiếp lửa bởi lợi ích và niềm tin của từng người dân thường. Và Mỹ nên tập trung để định hướng và kiểm soát ngọn lửa này thay vì để các nhóm khủng bố như Al Qaeda lợi dụng.

8. Tái cân bằng sức mạnh của Châu Á

Châu Á là địa điểm chiếm vai trò thống trị trong các hoạt động chính trị và quân sự của thế giới trong thời gian vừa qua và trong tương lai sắp tới. Nếu xung đột xảy ra, cuộc sống của vô số người dân vô tội trong khu vực sẽ bị đe dọa.

Tác động của các cuộc xung đột tại châu Á sẽ lớn và mang tính hủy diệt cũng như có tác động tới cục diệt của thế giới gấp nhiều lần nếu so sánh với các cuộc chiến tại Afghanistan, Pakistan hay bất cứ nơi đâu tại Trung Đông.

Cục diện của châu Á đang thay đổi mạnh mẽ với 2 thái cực lớn nhất là Ấn Độ và Trung Quốc. Bằng việc hợp tác cùng Ấn Độ, Mỹ sẽ góp phần quyết định đối với tương lai của châu Á, ngăn chặn các nguy cơ khủng bố từ Pakistan cũng như kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Các quốc gia châu Á ngày nay đang tích cực tìm kiếm các quan hệ cũng như thành lập liên minh để tự bảo vệ mình trước sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Ấn Độ là một sức mạnh mới nổi tại châu Á về cả khía cạnh kinh tế lẫn quân sự.

7. Sự đình trệ của nền kinh tế Mỹ và các quốc gia phát triển

Người dân Mỹ gặp khó khăn khi nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng nặng nề nhất kể từ thập niên 30 của thế kỷ trước.

Xu hướng này bắt đầu kể từ vài năm trước sự kiện 11/9 khi nền kinh tế Nhật Bản suy thoái mạnh. khi nền kinh tế Nhật Bản bắt đầu lấy lại được đà phát triển thì Mỹ lại rơi vào khủng hoảng nặng nề.

Lần đầu tiên, Mỹ phải đối mặt với mức tạo việc làm dưới 0% và suy giảm tổng thu nhập của nền kinh tế. Sau Mỹ, châu Âu cũng bị kéo vào cơn cuồng phong. Những vấn đề này góp phần vào quá trình tái cơ cấu bộ máy chính trị trên tầm thế giới.

6. Sự xuất hiện của Mạng Xã Hội

Mạng xã hội là một trong những phát kiến lớn nhất của thập kỷ vừa qua. Các mạng xã hội khiến cho khả năng liên kết con người trở nên không giới hạn. Sức mạnh của quần chúng hiện đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Điều gì có tầm ảnh hưởng lớn hơn nếu ta so sánh việc phá hủy 2 tòa tháp của Trung tâm thương mại thế giới tại New York và kết nối hơn nửa tỷ người? Hoặc là truyền tay thông tin liên lạc như Al Qaeda làm tại vùng núi Waziristan và truyền lửa cho hàng triệu người biểu tình tại quảng trường Tahrir, Cairo qua mạng Twitter?

Việc ra đời của các mạng xã hội với hàng trăm triệu thành viên như Facebook và Twitter đã làm thay đổi cơ bản phương thức liên lạc của loài người. Giờ đây, sức mạnh của giới truyền thông và mạng internet đang lớn hơn bao giờ hết.

5. Sự phổ cập hóa điện thoại di động và các thiết bị điện tử cầm tay

Smartphone và các thiết bị di động thông minh đang dần thay thế máy vi tính để trở thành công cụ liên kết con người mạnh nhất.

Giống các mạng xã hội, điện thoại và các thiết bị cầm tay cũng góp phần lớn vào việc phổ biến thông tin. Đây là câu chuyện công nghệ đã đưa cả thế giới vào một kỷ nguyên mới chưa từng có tiền lệ trong lịch sử.

Vào năm 1991, chỉ có 16 triệu điện thoại di động được đăng ký. Ngày nay, hơn 6 tỷ điện thoại di động đã được đăng ký trên khắp thế giới. 8.000 tỷ tin nhắn đã được gửi vào năm 2011.

Theo dự đoán, trong vòng 3 tới 4 năm tới, con người sẽ dùng điện thoại để truy cập internet thay cho máy vi tính. Sự phát triển của điện thoại được ghi nhận là mạnh mẽ nhất tại các quốc gia mới nổi.

Hiện nay, số lượng điện thoại có tích hợp có gắn camera đã vượt qua tổng số lượng tất cả các dạng máy quay phim đã được chế tạo trong lịch sử. Mọi người đều được kết nối, mọi người đều là một chứng nhân lịch sử.

4. Suy thoái vào năm 2008

Ngày 9/7/2007 là một trong những ngày đen tối nhất của thị trường chứng khoán Mỹ.

Những chuỗi ngày đen tối của giới tài chính thế giới được đánh dấu bằng việc chỉ số công nghiệp Dow Jones rơi tự do từ 14.164 điểm bắt đầu từ ngày 9/10/2007 xuống 6.469 điểm vào tháng 3/2008. Như vậy, Down Jones mất tới 54% và cần tới 17 tháng để phục hồi.

Bong bóng thị trường nhà đất của Mỹ nổ tung khiến hàng chục ngàn tỷ USD bốc hơi và vô số người dân Mỹ  rơi vào hoàn cảnh đói nghèo. Chính sách chăm sóc sức khỏe, chế độ lương hưu của nhiều triệu công dân Mỹ bị cắt giảm.

Cuộc khủng hoảng này đã đặt ra câu hỏi lớn về chính sách được gọi là “Tầm nhìn toàn cầu” của Mỹ khi Mỹ tập trung vào các vấn đề mang tầm thế giới sau sự kiện 11/9 thay vì tập trung vào các vấn đề nội địa.

Cơn khủng hoảng kinh tế trầm trọng khiến người Mỹ nhận ra rằng hậu quả họ đang gánh chịu lớn gấp nhiều lần so với những cảm xúc đau buồn mà cuộc khủng bố ngày 11/9 gây ra.

3. Khủng hoảng nợ công làm rung chuyển châu Âu vào năm 2011, 2012

Nợ công đang khiến cho các nước châu Âu rơi vào tình trạng bất ổn về cả kinh tế và chính trị.

Nền kinh tế toàn cầu vừa thoát khỏi cuộc suy thoái khởi điểm từ Mỹ thì lại phải tiếp tục đối mặt với vấn đề nợ công tại châu Âu. Những khoản vay thiếu tính toán, sự lơi lỏng quản lý khu vực ngân hàng đang đẩy các quốc gia châu Âu vào cơn khủng hoảng nợ.

Khu vực cộng đồng chung châu Âu đang gánh chịu những khó khăn tài chính và nếu vấn đề này không được giải quyết thì nguy cơ cả thế giới phải nếm trải trái đắng như năm 2008 là điều khó tránh khỏi.

Nếu thế giới tiếp tục lâm vào cuộc suy thoái lần thứ hai, chắc hẳn cuộc chiến để vực dậy lòng tin và nền kinh tế sẽ vất vả hơn nhiều so với cuộc chiến chống lại những kẻ đã gây ra cuộc khủng bố ngày 11/9.

2. Thất bại trong quá trình đàm phán nhằm chống lại sự ấm lên toàn cầu

Trái đất đang kêu cứu, còn các chính trị gia vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung.

Trong khi những dấu hiệu chỉ ra tác hại của quá trình ấm lên toàn cầu ngày càng rõ nét thì loài người vẫn chưa thực sự đạt được những thỏa thuận để ngăn chặn quá trình này.

Cộng đồng khoa học quốc tế đã chứng minh được hiện tượng trái đất ấm dần sẽ gây ra nhiều tác hại ở nhiều dạng khác nhau.

Những cộng đồng sống ở ven biển, nơi tập trung hàng tỷ người đang bị đe dọa hơn bao giờ hết. Nếu trái đất tăng thêm chỉ 1 độ C trong thế kỷ này thì thảm họa thực sự sẽ đến với con người.

Khi đó, sự kiện 11/9 cũng như hậu quả của các cuộc chiến mà nó tạo ra sẽ chỉ là một “dấu chân” nhỏ so với số lượng thương vong mà loài người sẽ phải gánh chịu.

1.Sự trỗi dậy của Trung Quốc và các quốc gia BRIC

Ấn Độ, Trung Quốc và các quốc gia công nghiệp mới ngày càng đóng vai trò quan trọng trong bản đồ chính trị thế giới.

Lý do duy nhất khiến cho quá trình ấm lên toàn cầu không được xếp lên vị trí quan trọng nhất là do con người vẫn chưa được chứng kiến tác động thực sự của nó.

Những thay đổi nhanh chóng của sự phát triển kinh tế và chính trị đã làm hình thành một nhóm các cường quốc “mới nổi”, dẫn đầu bởi Ấn Độ, Trung Quốc và Brazil.

Nếu xét trong mấy nghìn năm lịch sử của loài người, Ấn Độ và Trung Quốc không phải là những cái tên xa lạ. Từ thưởu sơ khai cho tới giữa thế kỷ 19, đây vẫn là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Chỉ trong một thập kỷ kể sau vụ khủng bố 11/9, thế giới đã chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của 2 cường quốc trong quá khứ này.

Hiện nay, vận mệnh của nền kinh tế đang nằm trong tay của các quốc gia mới nổi, và họ có tiếng nói lớn trong các vấn đề nóng hiện nay như: kiềm chế vũ khí hủy diệt, chống lại ô nhiễm khí nhà kính, cho các quốc gia phát triển vay để ổn định nền kinh tế toàn cầu, diện mạo của thế giới trong tương lai gần.

Theo các chuyên gia, những quốc gia BRIC nổi lên khi Mỹ bị phân tán tập trung vì tổ chức khủng bố Al Qaeda. Và tương lai của Mỹ hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào việc liệu Mỹ có thể nhanh chóng quay lại tập trung các mối quan tâm truyền thống có tầm quan trọng hơn rất nhiều so với chủ nghĩa khủng bố.

Đất Việt/ForeignPolicy
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới