Sự thân thiện của cộng đồng và những háo hức khám phá bao điều mới lạ của cuộc sống hiện đại, đã dần làm vơi đi nỗi nhớ rừng của ông Hồ Văn Lang (44 tuổi), thế nhưng thói quen quấn quýt bên chalà Hồ Văn Thanh (82 tuổi)gần như vẫn nguyên vẹn giống hồi họ còn sống trong chốn non sâu.
Khoảng thời gian gần 1 tháng kể từ lúc được đưa trở về lại với cộng đồng là quá ngắn so với hơn 40 năm sống biệt lập cùng cha nơi rừng thẳm. Thế nhưng cũng đã giúp cho "người rừng” Lang tiếp nhận bao điều mới lạ ở thế giới hiện đại này. Giờ thì “người rừng” Lang đã thích nghe nhạc từ điện thoại di động; thích được người thân quen chở đi dạo bằng xe máy... nên nỗi nhớ rừng của ông Lang đã vơi, không còn quay quắt như lúc ban đầu.
Tuy nhiên ông Hồ Văn Tri, ở xã Trà Phong (Tây Trà, Quảng Ngãi), em trai ruột của ông Lang kể: Ông Lang đã dần chấp nhận cuộc sống mới và bắt đầu chịu giao tiếp với bà con trong làng, đã biết cười khi gặp người quen... Tuy nhiên thói quen quấn quýt bên cha như ngày ở trong rừng thì vẫn chưa thay đổi là mấy. Ít khi nào thấy Lang chịu rời xa cha mình quá lâu, ông Tri cho biết. Theo đó cứ về nhà, hoặc đi chơi, dạo với ai thì cũng cứ cách khoảng 2-3 giờ là Lang đòi dẫn vào gặp cha mình.
Chưa biết bày tỏ thái độ và hành động như âu yếm, vuốt ve cha như những người bình thường khác, với Lang thì tình cảm và sự quan tâm đối với cha là ngồi lặng im một chỗ và nhìn cha hàng nhiều giờ mà không hỏi, nói gì. Cứ thế đến khi nào thấy ông Thanh mở mắt, hay trở mình thì Lang mới chịu về nhà.
Có đêm người nhà đang ngủ giật mình dậy nhìn vào giường kế bên thấy trống nên vội vàng tìm kiếm khắp nơi vẫn không thấy, cứ tưởng Lang bỏ trốn lại vào rừng. Đến khi vào bệnh viện thì thấy Lang đang ngồi như bất động bên ông Thanh.
Còn nhớ ngày cùng với cán bộ của huyện vào rừng đưa ông Thanh về, dù phỉnh dụ thế nào ông Lang cũng một mực lắc đầu từ chối. Cho đến lúc mọi người bắt đầu khiêng ông Thanh đi thì ông Lang mới lẽo đẽo theo sau.
Còn ông Hồ Văn Lâm (cũng ở xã Trà Phong), cháu ruột và cũng là một trong số ít ỏi những người thường xuyên tiếp cận khi cha con ông Thanh còn sống trong rừng sâu kể: Bây giờ còn đỡ chứ trước đó lần nào vào thăm cũng thấy 2 cha con như hình với bóng. Lúc còn nhỏ thì Lang cứ chen ngồi trong lòng. Lớn hơn thì cứ đu chặt phía sau lưng. Ông Thanh bước một bước là Lang đi ngay phía sau. Chưa bao giờ thấy Lang, hoặc ông Thanh đi rẫy một mình. Một ngày trước khi cán bộ huyện vào đưa ông Thanh về lại làng, tôi đã vào thu dọn đồ đạc thì thấy Lang cứ ngồi bên cạnh cha. Nhìn ông Thanh mắt nhắm nghiền và nằm im thiêm thiếp, không ít lần ông Lang gào to thảm thiết một cách đầy tuyệt vọng. Sau khi ông Thanh được các bác sỹ bệnh viện Tây Trà chăm sóc và sức khỏe hồi phục, ánh mắt của Lang mới ánh lên niềm vui trở lại. Thỉnh thoảng thấy người nhà đỡ ông Thanh đi lại cho khuây khỏa, Lang lăng xăng chạy theo sau như một đứa trẻ mới lên 3. Còn ông Thanh tuy không mấy để ý thế giới mà ông đã kiên quyết rời bỏ từ hơn 40 năm trước, thế nhưng mỗi khi mở mắt, hay tỉnh dậy, điều mà ông quan tâm và hỏi đầu tiên là đứa con trai của mình. Vì vậy, vừa rồi khi ông Thanh được đưa xuống bệnh viện tỉnh để kiểm tra lại sức khỏe, “người rừng” Lang cũng được đưa đi theo cùng. Nhìn sự khăng khít của 2 cha con ông Thanh, nhiều người đùa: Cứ thế này thì khi Lang cưới vợ, đêm động phòng chắc vợ một bên và cha một bên.