1. Chiếc máy bay đang ở đâu?
Rõ ràng, đây là câu hỏi đáng giá triệu đô. Đây cũng là câu hỏi mà nhà chức trách Malaysia thừa nhận có thể sẽ không bao giờ có câu trả lời. Mặc dù họ vẫn nhấn mạnh rằng việc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích là một ưu tiên hàng đầu, gần một năm sau sự biến mất của MH370, hy vọng đang tắt dần.
Các cuộc tìm kiếm gần đây đã tập trung vào vùng biển ngoài khơi bờ biển phía Tây của Australia. Dù đã sử dụng các thiết bị hiện đại và nguồn tiền do các chính phủ tài trợ, các cuộc tìm kiếm vẫn chưa mang lại kết quả.
2. Tại sao hệ thống liên lạc của máy bay bị vô hiệu hóa?
Thiết bị truyền phát tín hiệu của máy bay, có chức năng liên lạc với mặt đất, đã bị tắt khi máy bay bay từ vùng kiểm soát không lưu của Malaysia sang vùng không lưu của Việt Nam.
Dường như không có lời giải thích hợp lý cho điều này. Một số chuyên gia hàng không cho rằng quyết định làm như vậy của phi công là "bất thường". Việc tắt thiết bị liên lạc là có chủ ý, có thể là các phi công hoặc một “người lạ” đã làm điều này.
Trên thực tế, không ai biết rõ điều này và cùng với chuyện không tìm được hộp đen của máy bay, chúng ta có thể sẽ không bao giờ biết những khoảnh khắc cuối cùng trong buồng lái.
3. Tại sao sự biến mất của máy bay không được phát hiện ngay lập tức?
Như đã đề cập, các thiết bị liên lạc của máy bay của đã tắt trong suốt chuyến bay, nhưng điều này dường như đã không được chú ý cho đến khi máy bay gặp nạn.
Lý do dẫn đến việc này có thể là lỗi của con người. Cán bộ kiểm soát không lưu của Malaysia có thể đã bàn giao cho đồng nghiệp Việt Nam và đơn giản là quên mất nó.
4. Tại sao máy bay đột ngột rẽ trái?
Rất nhiều giả thuyết được đặt ra để trả lời câu hỏi này. Các dữ liệu vệ tinh cho thấy máy bay đã chuyển sang phía tây, đi trệch khỏi đường bay dự kiến ngay sau khi thiết bị liên lạc của máy bay bị tắt và thông điệp cuối cùng được gửi đi.
Một giả thuyết được phi công Chris Goodfellow đưa ra cho rằng cú rẽ trái đột ngột diễn ra cùng với việc thiết bị liên lạc của máy bay bị tắt khi máy bay gặp sự cố.
Theo Chris Goodfellow, hành động của phi công trong tình huống này là đảo hướng và bay tới sân bay gần nhất, có thể là Paulau Langwaki.
5. Máy bay bị không tặc?
Kể từ sau vụ khủng bố tại Mỹ vào ngày 11/9, buồng lái máy bay được trang bị cửa chống đạn để ngăn ngừa các vụ cướp máy bay. Chắc chắn không ai có thể vào buồng lái khi những cánh cửa này đã được đóng lại. Hơn nữa, trong trường hợp máy bay bị cướp, các phi công có thể đã yêu cầu cứu nạn.
Đã từng có lúc cửa buồng lái mở và điều này dẫn đến các vụ cướp máy bay, hoặc thậm chí phi công cho hành khách vào buồng lái, như phi công của chuyến bay MH370 từng làm trước đó.
6. Có phải phi công đã tự sát?
Nhà của hai viên phi công đã bị lục soát nhưng cơ quan chức năng cũng không đưa ra được kết luận gì.
Đã có trường hợp các phi công được cho là đã thực hiện ý định tự sát, như chuyến bay 990 của hãng hàng không Egypt Air năm 1999 và chuyến bay Silk Air 185 năm 1997.
7. Toàn bộ vụ việc là do sự cố?
Cũng có thể sự biến mất của chuyến bay MH370 là do hàng loạt sự cố làm vô hiệu hóa các bộ phận của máy bay.
Chẳng hạn, một vụ cháy có thể khiến các thiết bị liên lạc bị tắt nhưng không ảnh hưởng đến máy bay. Sau đó, áp suất giảm dần và gây ra tình trạng thiếu ôxy, phi hành đoàn và hành khách kiệt sức, lịm dần cho đến khi máy bay rơi.
8. Hành khách trên máy bay có biết điều gì đang xảy ra?
Điều này phụ thuộc vào những gì xảy ra trước đó. Nếu các sự kiện dẫn đến việc máy bay gặp nạn là có chủ ý thì có thể nhiều hành khách đã biết điều gì đang xảy ra.
Tuy nhiên, thời điểm máy bay mất tích là lúc nửa đêm, khi đó, có thể nhiều hành khách đang ngủ và không biết điều gì đang xảy ra. Đặc biệt, trong trường hợp máy bay gặp sự cố, hành khách lịm dần vì thiếu ôxy.
9. Máy bay đã hạ cánh?
Người ta ước tính rằng máy bay vẫn có đủ nhiên liệu để bay thêm 2.200 dặm tính từ vị trí được biết đến sau khi các thiết bị liên lạc bị tắt.
Có tin đồn trên mạng rằng máy bay có thể đã hạ cánh ở một hòn đảo nào đó.
Cũng có "thuyết âm mưu" cho rằng máy bay bị không tặc và sau đó đã đáp xuống một nơi nào đó.