Gỗ trên xe tai nạn là của kiểm lâm?
Một số người dân tại bản Piêng Ồ, xã Xiêng My, huyện Tương Dương cho biết, trước đó khoảng 2 giờ sáng ngày 7/12, có một chiếc xe tải vào bốc 5 cây cột dài khoảng 4-5m, đường kính khoảng 45cm tại một nhà dân ở bản Chon. Theo người dân địa phương, số gỗ được thuê người bốc (15 người xã Châu Lý) và được “đặt hàng” cách đây mấy tháng nên gỗ rất đẹp.
Điều này khá trùng khớp với quy cách số gỗ tại hiện trường sau khi xảy ra tai nạn. Theo quan sát của PV cũng như người dân bản Tông, xã Bình Chuẩn, số gỗ này đẹp, chắc chắn, cột dài, đường kính lớn... đồng thời còn có 2 tấm phản rất rộng. Người dân khẳng định: Đây chắc chắn là gỗ mới, bởi mùi thơm thớ gỗ khác với gỗ được dỡ từ nhà sàn (nếu như mua nhà sàn của dân thì phải có giấy bán nhà - PV).
Để rõ vấn đề này, sáng ngày 11/12, PV Dân trí có cuộc trao đổi với ông Trịnh Thanh Long - Phó GĐ BQL khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, kiêm Hạt trưởng hạt kiểm lâm Kiểm lâm Pù Huống. Theo ông Long, Hạt kiểm lâm Pù Huống có 6 trạm với 30 cán bộ nằm rải rác trên địa bàn của 5 huyện. Trước khi xảy ra vụ tai nạn, xe bốc gỗ nằm giữa khu vực trạm Nga My (của huyện Tương Dương) và Bình Chuẩn (của huyện Con Cuông). Địa điểm xe lật cách trạm kiểm soát kiểm lâm Pù Huống đóng tại xã Bình Chuẩn khoảng 1km.
“Sự việc đã xảy ra rồi, cơ quan pháp luật vào cuộc điều tra thì không ai có thể chối cãi được, nếu loanh quanh thì còn thêm nặng tội nữa là đằng khác. Còn trong thời gian qua tôi có làm rát, làm căng. Và bây giờ sự việc diễn ra tại Pù Huống (thuộc khu vực quản lý rừng Pù Huống) lại có thêm hai cán bộ của chúng tôi liên quan như thế, cho nên giới lâm tặc và một số thành phần này khác, một số liên quan đến buôn lậu lâm sản này khác “đặt điều” cho tôi. Cho nên nó đã lợi dụng tung tin, khai này khác cho tôi. Riêng vụ việc cụ thể này tôi không liên quan. Tôi không chỉ đạo, không cử anh Thắng và tôi cũng không tham gia và không biết gì số gỗ trên. Nhưng thông tin mấy ngày nay nói về tôi rất nhiều, tôi cũng thấy buồn”, ông Long cho biết.
Ông Trịnh Thanh Long cho biết thêm: “Để rõ vấn đề trên bây giờ đã có cơ quan chức năng vào cuộc. Khi cơ quan vào cuộc điều tra thì ngày một ngày hai thì sẽ ra ngay. Dù anh khai thế nào, ai có khai khống cho tôi thì sự việc sẽ nhanh chóng kết thúc thôi mà. Trong việc này, tôi cũng phải chịu trách nhiệm với lý do là về quản lý cán bộ còn thiếu sót, chưa sâu sát... ”.
Tuy nhiên, kết thúc cuộc trao đổi, ông Trịnh Thanh Long khẳng định và cho rằng số gỗ trên là của một cán bộ kiểm lâm: “Tôi khẳng định số gỗ trên là của cán bộ kiểm lâm. Trong đó có 12 cái cột đã đục sẵn, còn lại một số bốc thêm là của lâm tặc lợi dụng đưa lên xe để tẩu tán”.
Tuy nhiên, "cán bộ kiểm lâm" này thuộc Vườn quốc gia Pù Huống hay kiểm lâm Nghệ An thì ông Long không tiết lộ.“Cái đó là thông tin. Tôi cũng chưa khẳng định được là gỗ của ai. Tôi cũng chỉ mới nghe nói thế mà thôi. Còn cái đó là của ai thì có cơ quan điều tra sẽ làm rõ sớm thôi mà. Nhưng tôi khẳng định đó là của cán bộ kiểm lâm”, ông Long nhắc lại.
“Trong bản tường trình anh Kim Hùng có nói đêm (khoảng 23 giờ đêm 6/12), khi đang ngủ thì thấy anh Thắng lên phòng và gọi dậy bảo đi làm. Sau đó, anh Kim Hùng đi với anh Thắng và vào khu vực rừng với mọi người. Sau khi bốc gỗ xong, anh Thắng và Kim Hùng lên xe chở gỗ về với mọi người và đã gặp nạn. Nguồn gốc của gỗ thì trong rừng quản lý của chúng tôi cũng có số gỗ nói trên, còn khai thác từ đâu ra, như thế nào thì cũng hơi khó. Thẩm quyền đó thuộc cơ quan chức năng”, ông Trịnh Thanh Long nhấn mạnh.
"Tôi chỉ đi theo để xin đường"
Sau khi bị nạn ông Đào Công Thắng (cán bộ kiểm lâm Pù Huống) bị thương nặng nhưng đã được “đồng đội bí mật” đưa về bệnh viện thị xã Thái Hòa điều trị sơ qua. Sau đó, anh Thắng tự bắt xe về nhà tại Nam Đàn. Trong hai ngày từ 7-8/12, điện thoại ông Thắng trong tình trạng không thể liên lạc. Chiều ngày 9/12, ông Trịnh Thanh Long - PGĐ Vườn, kiêm Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Pù Huống đã đích thân về Nam Đàn đưa anh Thắng lên cơ quan để làm rõ vấn đề.
Tuy nhiên, do quá đau ngày 10/12, ông Đào Công Thắng được đưa xuống tại một bệnh viện tư nhân ở thành phố Vinh điều trị. Sau khi được khám, chụp phim và điều trị cơ bản ông Thắng bình phục sức khỏe. Đến khoảng 18 giờ 30 phút chiều tối ngày 10/12, ông Thắng đã xin về nhà người quen ở thành phố Vinh để tiện sinh hoạt và điều trị.
Khi trao đổi với PV Dân trí, ông Đào Công Thắng tỏ ra rất mệt mỏi và bảo: “Hiện tôi đang đau, choáng váng và tâm lý không được ổn định cho lắm nên hẹn nhà báo lúc khác vậy”. Nhưng cuộc đối thoại giữa PV với ông Thắng dần được hé lộ.
“Sự việc hôm đó tôi và anh Nguyễn Kim Hùng đều có mặt trên xe. Và khi bị tai nạn tôi được đồng nghiệp đưa đi cấp cứu nơi khác. Chúng tôi đi cùng là để xin các ngành chức năng cho họ (xin được đi lọt qua các trạm kiểm lâm, tránh sự nhòm ngó của cơ quan chức năng - PV). Chúng tôi làm việc đó cũng vì phúc đức, vì tình nghĩa... mà thôi”, ông Thắng cho biết.
Khi được hỏi về chủ nhân của số gỗ nói trên, anh Thắng bảo: “Cái đó tôi chưa tiện trả lời với báo chí. Khi nào cơ quan điều tra làm việc tôi sẽ nói rõ hơn. Anh thông cảm. Tôi đang mệt, đang hoang mang. Một bên tình, một bên pháp luật bây giờ lại bị đen đủi như thế này có gì anh thông cảm. Tôi không bao giờ bỏ trốn, tôi cũng báo cáo với cơ quan cả rồi. Tôi bị khâu 9 mũi ở mặt, chấn thương ở tay...”, anh Thắng cho biết thêm.
Kết thúc cuộc trao đổi, ông Thắng chốt một câu chắc nịch: “Tôi biết là sai nhưng vẫn phải làm. Về phần lâm sản tôi không liên quan. Tôi là người quân xanh trên đường đi mà thôi. Tôi làm phúc bây giờ mắc lấy vạ đấy mà anh. Tôi hoàn toàn trung thực. Tôi không làm trái ý pháp luật. Tôi không có động cơ về tiền bạc, không có động cơ vụ lợi cá nhân. Tôi đi và ngồi trên xe với tư cách là xin xỏ mà thôi. Tôi không có quyền chi trên xe đó cả...”.