Ngôi làng Ballajah nằm cách Thủ đô Monrovia (Liberia) 150km đã phải chứng kiến những cảnh tượng khốn cùng khi dịch Ebola hoành hành. Đi lại vật vờ như một xác chết, bị dân làng xa lánh, người thân chuẩn bị sẵn quan tài ngay khi biết nhiễm bệnh,... đó là số phận của những bệnh nhân Ebola nơi đây.
Khi các phóng viên AFP đến thăm ngôi làng Ballajah vào hôm chủ nhật (10/8), bé Fautu Sherrif (12 tuổi) đã bị nhốt cùng thi thể mẹ được một tuần trong khi phần lớn người dân trong làng đã sơ tán vào rừng để trốn tránh lây nhiễm virus chết người Ebola.
Xung quanh các ngôi nhà đồ đạc gần như vẫn còn nguyên vẹn, nhiều cánh cửa ra vào vẫn mở toang vì người dân vội vàng chạy trốn dịch bệnh, không còn mơ màng đến của cải.
Chỉ còn một vài người dân ở lại, trong đó có một già làng, ông Momoh Wile. Ông đã kể cho các phóng viên câu chuyện về bé Fautu cùng các thành viên trong gia đình.
Ông Wile cho biết, gia đình bé Fautu đối mặt với dịch bệnh Ebola đầu tiên khi bố của cô bé, ông Abdulah, bị ốm. Thông tin này đã gây hoang mang, lo sợ cho gần 500 người dân sống trong làng. Mặc dù đã gọi cấp cứu nhưng khi các nhân viên y tế tới nơi thì ông đã chết được 5 ngày.
Seidia Passawee Sherrif, 43 tuổi, vợ của Abdulah và Fatu khi đó cũng bị ốm. Chỉ riêng cậu con trai Barnie, 15 tuổi là có kết quả xét nghiệm âm tính với virus Ebola.
"Ba mẹ con họ đã khóc cả ngày lẫn đêm, cầu xin hàng xóm lương thực thực phẩm nhưng người dân trong làng ai cũng sợ, không ai dám lại gần", ông Wile kể lại.
Sau nhiều ngày chống chọi với dịch bệnh trong điều kiện tồi tệ, cuối cùng Seidia Passawee Sherrif, mẹ của bé Fautu cũng chết vì Ebola vào ngày 10/8 nhưng tiếng khóc của cô bé vẫn còn vang vọng, ám ảnh khắp ngôi làng. Toàn bộ cánh cửa và cửa sổ của căn nhà đều bị niêm phong, không có cách nào nhìn xuyên vào bên trong.
Cuối cùng, vào đêm ngày 12/8, cô bé Fatu cũng đã qua đời trong đói khát, cô đơn, tuyệt vọng.
Người sống sót duy nhất trong gia đình là anh trai của Fautu, cậu bé Barnie (15 tuổi). Fatu Barnie có kết quả xét nghiệm âm tính với virus Ebola nhưng vẫn bị dân làng xa lánh.
Các phóng viên AFP đã tìm thấy Barnie trong một ngôi nhà bỏ hoang. Với vẻ mặt mệt mỏi, kiệt quệ trong chiếc áo bẩn và đôi giày rách nát, Barnie thều thào kể lại: "Đây là nơi trú ấn của cháu, cháu không bị nhiễm Ebola nhưng không ai dám lại gần cháu. Khi cháu đói, cháu chỉ biết ra bụi rậm để tìm cỏ dại ăn qua ngày".
Người dân làng Ballajah cũng đang bị kỳ thị bởi những vùng lân cận vì sợ lây lan virus Ebola.
Bùng phát từ tháng 2 tới nay, virus chết người Ebola đã cướp đi mạng sống của 1.069 người. Riêng tại Lyberia đã có 670 trường hợp nhiễm bệnh trong đó có 355 ca tử vong.
Tổng thống Liberia, bà Ellen Johnson Sirleaf, đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong vòng 90 ngày. "Tôi xin tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước Cộng hòa Liberia có hiệu lực từ ngày 6/82014 và trong thời gian 90 ngày", bà tuyên bố.
"Quy mô và phạm vi của dịch bệnh Ebola đã vượt quá tầm kiểm soát của bất kỳ quốc gia nào. Chính phủ và nhân dân Liberia đòi hỏi có các biện pháp đặc biệt đối với sự tồn vong của nhà nước và để bảo vệ cuộc sống của người dân chúng tôi", bà nói thêm.
Trước đó, Liberia đã đóng cửa nhiều trung tâm y tế, bệnh viện do các nhân viên y tế lo ngại bị nhiễm bệnh. Chính phủ cũng huy động quân đội thực hiện chiến dịch "Lá chắn trắng," phong tỏa các khu vực nhiễm dịch.