TIN TỨC » Dòng sự kiện

"Amip ăn não người": Dư luận lo lắng, chuyên gia trấn an

Thứ bảy, 01/09/2012 00:24

Từ khi thông tin ca bệnh đầu tiên tại Việt Nam tử vong do mắc phải loại “amip ăn não người” xuất hiện trên các tiện truyền thông, đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận với căn bệnh lạ này.

Người dân e dè

“Amip ăn não người” là một loài vi sinh vật đơn bào, có tên khoa học là Naegleria fowleri, có khả năng biến hình linh hoạt, dễ dàng vượt qua mọi biện pháp khử trùng nên rất khó bị tiêu diệt và thường phát triển mạnh ở những vùng nước ngọt ấm áp như: ao, hồ, sông, suối… vào mùa hè; thậm chí là hồ bơi không được vệ sinh, sát khuẩn. Bằng cách xâm nhập qua đường mũi và ăn các tế bào não, loài ký sinh trùng này dễ dàng giết vật chủ chỉ trong vài ngày.

Sau khi ca tử vong vì “amip ăn não người” tại TP HCM được đưa tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, chủ đề này ngay lập tức được dư luận đặc biệt quan tâm. Mặc dù, tại Hà Nội chưa phát hiện trường hợp bệnh nhân mắc "amip ăn não người" này, nhưng rất nhiều người dân đã bắt đầu tỏ ra lo ngại.

“Amip ăn não người” soi từ kính hiển vi

Chị Thu (28 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ: “Vừa nghe tin trên tivi là ngay lập tức tôi phải đi tìm hiểu thông tin thêm về loại amip ăn não người này. Một căn bệnh lạ, chưa rõ nguy cơ gây bệnh ra sao. Tuy nhiên, tôi nghĩ không nên hoang mang khi thông tin chưa được cơ quan chức năng chính thức tuyên bố rộng rãi”.

Chị Hiền (Đống Đa, Hà Nội) lại cho rằng: “Dù biết các trường hợp mắc bệnh là rất hiếm, nhưng tôi vẫn thấy lo. Trên thực tế tại Việt Nam mới chỉ phát hiện được một ca mắc bệnh này. Có lẽ sẽ phải cẩn trọng hơn để đảm bảo sức khỏe cho gia đình, đặc biệt là các con tôi”.

Trên các mạng xã hội, mọi thông tin về căn bệnh và loại trùng "amip ăn não người" này bỗng nhiên trở thành chủ đề "nóng" được chia sẻ một cách chóng mặt. Đặc biệt, trễn đàn dành cho gia đình và các bà mẹ tràn ngập các ý kiến chia sẻ thông tin về căn bệnh. Ngoài sự lo lắng, các thành viên còn dự định các biện pháp để chống lại nguy cơ nhiễm bệnh.

Facebook tràn ngập các ý kiến về căn bệnh kì lạ này.

Thành viên Hin. của trên diễn đàn W... bày tỏ: “Nghe nói này còn nhiễm được vào cả nguồn nước sinh hoạt. Có đáng lo ngại không nhỉ". Thành viên Scalet.bổ sung thêm: “Định cho bé đi học bơi nhưng kiểu này chắc phải cân nhắc thêm...".

Bên cạnh đó, thông tin “amip ăn não người” có thể được chứa trong nước muối tự pha, nước muối nhỏ mũi và phụ nữ có khả năng mắc cao hơn so với nam giới càng làm chủ đề này dài thêm khi các chị em đều băn khoăn không biết nên phòng tránh thế nào.

Người cho rằng sẽ không bao giờ đi tắm hồ bơi. Có người lại chắc chắn không nhỏ mũi bằng những loại thuốc thường mua nữa. Thậm chí có người còn lo ngại bệnh có thể lây qua đường hô hấp hoặc tiêu hóa. “Có nhưng mà hiếm. Cứ tránh mấy chỗ nước bẩn với ao hồ ra là không bao giờ nhiễm. Thỉnh thoảng đi khám sức khỏe nữa”, thành viên Anv. kết luận.

Mạng xã hội facebook cũng được dịp "hâm nóng" với "amip ăn não người". Các đường link về loại "amip ăn não người" được rải trên wall của nhiều facebooker và thu hút nhiều comment.

Chuyên gia y tế lên tiếng trấn an dư luận

Trước những ý kiến lo lắng của người dân, những chuyên gia đầu ngành y khoa của Việt Nam đã lên tiếng trấn an dư luận. Trả lời phỏng vấn với báo Vnexpress ngày 31/8, Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) và Tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM có cùng lý giải sinh trùng Naegleria fowleri.

Theo đó Naegleria fowleri "ăn não người" như trường hợp mới phát hiện tại TP HCM không phải là amip thực sự. Ký sinh trùng Naegleria fowleri tồn tại khá phổ biến ở vùng nước bẩn. Bản chất nó không thuộc họ amip nhưng vì có hình dáng, đặc tính khá giống với amip nên nhiều người có thói quen gọi luôn nó là amip.

Nhiều người dân “từ chối” bể bơi vì lo ngại nhiễm bệnh (Ảnh minh họa)

Tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP. HCM đồng thời cho biết, người dân không nên hoang mang bởi Naegleria fowleri có trong ao hồ, sông ngòi, đầm nước ngọt nhưng khả năng gây bệnh là rất hiếm. Từ năm 2002 đến năm 2011 chỉ có 32 ca được nghi nhận tại Mỹ. Và ở Việt Nam chỉ mới phát hiện ca đầu tiên.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Hoan Phú, Phó trưởng khoa Nhiễm Việt - Anh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM; “Theo tôi, người dân cần phải bình tĩnh vì đây không phải là một bệnh phổ biến và gây dịch. Mặt khác, nếu mắc bệnh thì cũng có thuốc để chữa.

Tuy nhiên, đối với những người làm công việc dưới nước như nông dân mò ốc, thợ lặn, người tham gia các hoạt động du lịch sinh thái như tắm sông, suối, ao, hồ thì phải lưu ý và nên rửa mũi bằng nước muối sinh lý sau khi lên bờ. Nếu tham gia những hoạt động này và sau đó xuất hiện những triệu chứng nghi ngờ, thì nên lập tức đến ngay một cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị".

Một số ca tử vong trên thế giới do nhiễm Naegleria fowleri

Tiệp Khắc (cũ): từ năm 1962 – 1965 có 16 người tử vong sau khi tắm ở một hồ bơi trong nhà.

New Zealand: từ năm 1968 – 1978 có tám ca tử vong sau khi đi bơi trong một hồ nước nóng.

Anh quốc: năm 1979, một bé gái bơi trong một hồ tắm La Mã ở TP Bath và năm ngày sau đó thì tử vong. Qua xét nghiệm, người ta thấy nước trong hồ có Naegleria fowleri và từ đó hồ này bị đóng cửa.

Mỹ: từ năm 2001 – 2010 có 32 người chết, trong số này 30 người nhiễm nước ở các khu giải trí. Mới nhất, trong tháng 7 và 8 năm nay, có ba em bé từ 8 – 9 tuổi tử vong được ghi nhận do nhiễm Naegleria fowleri, trong số này có một bé trước đó đã đi bơi trong hồ.

(Nguồn: Wikipedia)

Afamily