Khi bị CA đọc lệnh bắt, Tạ Văn Hưởng không có lấy một bộ quần áo cho ra hồn để mặc, mọi người phải chạy đi mượn tạm quần áo cho Hưởng. Nhìn cảnh tượng đó, những người có mặt lúc ấy ai cũng rớt nước mắt.
Nhưng khó có ai ngờ, cách đây 4 năm Tạ Văn Hưởng đã ra tay tàn độc hại chết chính người cha đẻ của mình…
Nỗi ám ảnh về người cha nát rượu
Năm 1983 bà Đào Thị Liên (SN 1964, trú tại thôn Đồng Khẩn, xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) kết hôn với Tạ Xuân Hạnh, SN 1962. Cuộc sống khó khăn nhưng họ có một cuộc sống hạnh phúc. Lần lượt 4 người con của họ được ra đời.
Tuy nhiên, từ khi có con Tạ Xuân Hạnh ngày càng trở nên nát rượu. Mỗi lần say xỉn, Hạnh lại trở về nhà hành hạ vợ con. Cũng kể từ ngày ấy, cứ mỗi khi Hạnh đi ăn cưới, tiệc tùng ở đâu về là mẹ con bà Liên lại phải dắt díu nhau chạy trốn…
Bà Đào Thị Liên nghẹn ngào: "Mẹ con tôi khổ lắm chú ạ, chẳng hiểu sao cứ rượu vào là ông ấy lại trở thành một con người khác đến như vậy. Mỗi lần ông ấy trở về nhà với hơi men là tôi và lũ trẻ lại phải hứng chịu những trận đòn thừa sống thiếu chết. Bình thường, ông ấy cũng là một người chồng, người cha tốt…".
Ngồi bên cạnh người mẹ khốn khổ, Tạ Thị Hương (con gái thứ 2 của bà Liên) hai dòng nước mắt cứ lăn dài. Nhớ lại những lần bố mình say rượu chị nức nở: "Các anh không biết đâu, mỗi lần say rượu trở về nhà, bố tôi lại trở thành một người tàn bạo. Bao nhiêu đồ đạc trong nhà ông ấy cũng đập phá hết sạch. Cứ gặp mẹ tôi ở đâu là ông lại dùng vũ lực để trút lên người bà ấy. Bà ấy có tội tình gì đâu? Có lần say rượu, bố tôi về nhà, mẹ con tôi đi trốn ông ấy còn dắt cả chó đi để "săn" đuổi mẹ con tôi. Chị em tôi cũng thường xuyên bị ông ấy trút lên người những trận đòn tàn bạo. Bản thân thằng Hưởng có lần đi tắm suối về, ngày đó nó còn nhỏ lắm thế mà bố tôi nỡ cầm tay nó quăng ra sân như là quăng một đồ vật khiến nó bị gãy tay. Vậy mà khi mọi người bên nội hỏi vì sao nó vẫn nói giấu là trèo cây bị ngã…".
Những người hàng xóm của gia đình bà Liên đều xác nhận nếu tính số lần ông Hạnh uống rượu say và đánh đập vợ con thì chẳng có ai có thể tính nổi. Bản thân ông Hạnh vốn là lính đặc công nên cũng rất khỏe mạnh. Mỗi lần ông Hạnh đánh đập bà Liên, hàng xóm cũng chẳng ai dám can ngăn, có lần có người vào can ngăn đã bị ông Hạnh dọa đánh và đẩy ngã rất đau, thậm chí có người còn bị ông Hạnh cầm con dao sắc lẹm kề vào cổ… nên từ đó mỗi lần ông Hạnh say rượu là mẹ con bà Liên chỉ còn nước đi trốn.
Khi Tạ Văn Hưởng cưới vợ, trong ngày ăn lại mặt giữa hai gia đình ông Tạ Văn Hạnh đã đi mua một can xăng về tưới xung quanh nhà và dọa đốt. Mọi người có mặt ở đó ai cũng mặt mày xanh xám vị sợ hãi. Cũng may ngày hôm đó trời mát và chuẩn bị chuyển mưa nên không có đám cháy xảy ra.
Án mạng kinh hoàng trong ngôi nhà "ma ám"
Sự việc đã xảy ra cách đây 4 năm, khi Tạ Văn Hưởng bị CA bắt mọi người mới thực sự biết nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Hạnh. Người dân cũng xì xào bàn tán về việc ngôi nhà mà vợ chồng bà Liên ở có ngôi mộ của người dân tộc giữa nhà nên gia đình mới xảy ra mâu thuẫn, lục đục và sự việc đau lòng ấy mới xảy ra.
Bản thân bà Liên cũng kể, khi nghe dân làng bàn tán xôn xao về việc gia đình mình đang ở trong ngôi nhà xây trên mộ cũ. Gia đình bà cũng đã đào được một lọ xương người vẫn còn nguyên. Hoảng sợ nên vợ chồng bà đã mang vứt cái lọ ra ngoài gốc cây. Thế nhưng dường như cái lọ đó có ma lực và bám lấy ông Hạnh hay sao mà nó lại trôi ra ngoài bãi soi, ông Hạnh ôm cái lọ đó đi vứt hai lần nữa nhưng rồi chẳng hiểu sao ông ấy lại ôm cái lọ về để giữa nhà? Sự việc ông Hạnh hay uống rượu say và đánh vợ chửi con, đập phá đồ đạc cũng được người ta vin vào câu chuyện cái lọ xương nghe có vẻ ghê rợn của gia đình bà Liên. Ngôi nhà mà gia đình bà Liên ở từ đó cũng được người dân cho là ngôi nhà bị "ma ám".
Còn về phía Tạ Văn Hưởng, người dân quanh làng ngoài xóm ai ai cũng đều khẳng định Hưởng là người thanh niên "hiền như đất". Ngày qua ngày Hưởng chỉ biết việc lên nương làm rẫy để phụ bố mẹ chứ chẳng bao giờ đua đòi ăn chơi như những đứa bạn cùng trang lứa. Chính vì cần cù chịu khó và hiền lành như vậy nên ai ai cũng yêu quý Hưởng. Khi Hưởng bị CA còng tay dẫn đi, người dân chẳng ai tin lại có sự việc ghê gớm như thế xảy ra… Và câu chuyện ngôi nhà bị "ma ám" của gia đình bà Liên lại càng khiến cho người ta tin hơn.
Sau khi ông Hạnh mất, mẹ con bà Liên cũng đã chuyển nhà từ Đồng Khẩn ra thôn Tân Minh cùng xã Kiến Thiết để ở. Ông Đặng Văn Liên, Trưởng thôn Tân Minh nói: "Gia đình bà Liên chuyển ra đây ở khoảng năm 2010, tức 2 năm sau khi sự việc xảy ra. Ở đây, mẹ con bà Liên không hề có biểu hiện gì bất thường. Nhất là Hưởng vẫn là một thanh niên rất hiền lành, chẳng bao giờ gây gổ với ai. Lúc nào cũng chỉ biết việc lên nương và làm rẫy. Khi CA đến bắt, chúng tôi cũng mới biết sự tình…".
Trở lại vụ án mạng kinh hoàng 4 năm về trước, tối ngày 13-6-2008, ông Tạ Xuân Hạnh uống rượu say rồi đánh vợ chửi con. Thấy bố đánh mẹ, Tạ Đức Hưởng, SN 1987 cùng em gái là Tạ Kim Oanh, SN 1990 đã dậy can ngăn.
Hưởng can không được nên chạy ra ngoài hiên bếp nhặt được 1 trục củ điện nước bằng sắt (dài khoảng 60 cm), vụt ông Hạnh 3 đến 4 phát vào gáy và ngực ông Hạnh rồi đưa bà Liên sang nhà hàng xóm.
Lúc này, Nông Thanh Khang, SN 1985, trú tại thôn Chấn Sơn, xã Liên Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang là em họ của Hưởng cũng có ở đó. Hưởng đã bàn với Nông Thanh Khang là giúp Hưởng đánh chết bố đi không thì ông Hạnh sẽ giết anh em mình.
Khang đồng ý và bảo Hưởng cứ vào đánh trước nếu không đánh chết được thì gọi. Hưởng vào nhà gọi bố, thấy bố thưa, Hưởng tiếp tục dùng thanh trục củ điện nước vụt ông Hạnh, ông Hạnh lao ra ngã xuống nền nhà thì Hưởng gọi Khang vào đánh tiếp; Khang dùng gậy gỗ (dài khoảng 60 đến 70 cm) vụt nhiều nhát vào lưng và người ông Hạnh. Hưởng chạy ra hiên trái nhà lấy dây vải (dây đai áo rét) vào quấn 1 vòng quanh cổ ông Hạnh, rồi Khang cầm 1 đầu dây Hưởng cầm 1 đầu dây kéo thít cổ ông Hạnh đến chết thì đứt dây, Hưởng đặt ngón tay lên mũi ông Hạnh, thấy ông Hạnh đã tắt thở và đi gọi hàng xóm đến.
Ngày 25-6-2012, CA huyện Yên Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can ra lệnh bắt tạm giam đối với Hưởng và Khang về tội danh giết người để điều tra, xử lý.