TIN TỨC » Dòng sự kiện

Bác sĩ Cát Tường vứt xác khách: Tất cả đều vô can?

Thứ năm, 24/10/2013 11:01

Khi xảy ra sự cố chết người thì từ các sở ban ngành đến chính quyền cơ sở lại đổ vấy trách nhiệm cho nhau, không ai quản lý.

Sau cái chết thương tâm của nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền (39 tuổi) tại trung tâm Thẩm mỹ viện Cát Tường (45 Giải Phóng, phường Đồng Tâm, Hai Bà Trưng, Hà Nội), đối tượng Nguyễn Mạnh Tường đã bị bắt khẩn cấp để phục vụ công tác điều tra. 

Tuy nhiên, điều khiến dư luận lo lắng là sự tồn tại và ngang nhiên hoạt động của những cơ sở khám chữa bệnh, phẫu thuật thẩm mỹ không phép trên địa bàn Hà Nội.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên tử vong vì phẫu thuật thẩm mỹ, trước đó đã từng xảy ra 3 vụ tương tự nhưng không hiểu vì sao tình trạng hoạt động chui, không phép vẫn diễn ra.

Tất nhiên khi xảy ra sự cố thì các sở ban ngành lại đổ vấy trách nhiệm cho nhau cứ như không ai có trách nhiệm quản lý. Ai thích làm gì thì làm, chết ráng chịu!

Sở đẩy cho địa bàn, thanh tra sở đổ lên... sếp!

Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường khẳng định Thẩm mỹ viện Cát tường chưa hề được Sở Y tế cấp phép hoạt động. 

Bác sĩ Tường bị cơ quan công an dẫn giải

Ông Cường cho biết, về y tế theo luật khám chữa bệnh, Nghị định 87 quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì tất cả các cơ sở khám bệnh chữa bệnh phải được thẩm định và cấp phép theo quy định của pháp luật và phải có giấy phép khám bệnh, chữa bệnh thì mới được hoạt động. 

Khi hoạt động các cơ sở được cấp phép phải tuân thủ theo đúng quy định tại Thông tư 41, ví dụ như trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ thì phải có tên bác sĩ, số giấy phép của Sở Y tế và giờ làm việc. 

"Tuy nhiên, cơ sở này hành nghề không phép. Trên địa bàn Hà Nội chỉ có 35 cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép theo quy định của Sở", ông Cường khẳng định.

Về công tác thanh tra, kiểm tra, ông Cường cho biết đó là hoạt động nằm trong kế hoạch và do lãnh đạo Sở quyết định.

Chánh Thanh tra Sở cũng thừa nhận khó quản lý quảng cáo (với các dịch vụ khám chữa bệnh, thẩm mỹ…) trên trang cá nhân, mạng xã hội. Tuy nhiến, thông tin này trái ngược hoàn toàn với kết luật của cơ quan công an. Theo Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an Hà Nội, thẩm mỹ viện Cát Tường mở từ tháng 4/2013, do bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường là bác sĩ khoa ngoại của Bệnh viện Bạch Mai làm chủ. Thẩm mỹ viện có 20 nhân viên làm việc.

Thẩm mỹ viện này được cấp phép kinh doanh nhưng chưa được cấp phép cho hoạt động phẫu thuật và thẩm mỹ. 

Phường nói vô can

Ông Nguyễn Thái Hòa - Chủ tịch phường Đồng Tâm cho biết, sự việc xảy ra tại trung tâm thẩm mỹ Cát Tường không liên can gì đến... ủy ban phường.

Theo giải thích của ông Hòa, việc cấp phép hoạt động cho trung tâm này phải thuộc trách nhiệm của Phòng y  tế quận Hai Bà Trưng và Sở Y tế Hà Nội, phường chỉ quản lý về mặt hành chính. 

Ông Hòa cho biết thêm, về quản lý hành chính phường thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh tra theo quy định một tháng một lần. Chưa phát hiện vấn đề gì liên quan đến thẩm mỹ này.

"Tất nhiên, kiểm tra thì nhiều, nhưng về chuyên môn phường không thể kiểm soát trung tâm này phẫu thuật thế nào, thẩm mỹ ra sao. Thậm chí có những cơ sở họ đăng ký, cấp phép nhưng làm lén lút, làm chui thì cũng không thể quản lý được", ông Hòa cho hay.

Theo ông Hòa, lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ là lĩnh vực hoạt động mà phường ít ngờ nhất, bởi từ trước tới nay địa bàn phường Đồng Tâm vẫn nóng với chuyện nạo, hút thai nhiều hơn. Ông không cho rằng phẫu thuật thẩm mỹ lại có thể gây chết người. Sự việc xảy ra là ngoài dự liệu của phường.

Nói về vụ việc gây chết người rồi vứt xác phi tang của một bác sĩ được đánh giá là có chuyên môn giỏi, nhân thân tốt, ông Hòa không lý giải được hành động này. 

"Việc chết người là tai nạn nghề nghiệp nhưng cách xử lý sau sự việc xảy ra thì quá tàn nhẫn, không thể chấp nhận được". Ông Hòa cho rằng, có thể do ông Tường quá hoảng loạn, quẫn trí mà có hành động vô nhân tính như vậy.

Phòng Y tế quận cuống cuồng chữa cháy

Trong khi Sở, phường đều cho rằng trách nhiệm trực tiếp liên quan đến vụ việc là Phòng Y tế thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tuy nhiên, khi tìm đến đây phóng viên nhận được câu trả lời: Lãnh đạo đi họp, thanh tra đi kiểm tra tại các địa phương, chỉ có nhân viên của phòng.

Theo một cán bộ thuộc phòng cho biết, khi sự việc xảy ra cán bộ cũng như lãnh đạo phòng đang bù đầu vì phải lo giải quyết vụ việc "phòng khám này xảy ra sự cố thì phải lo ngăn chặn phòng khám khác chứ...", cán bộ này cho biết.

Vị cán bộ này cho biết thêm, cả phòng đang cố gắng làm hết sức cả ngày đêm, cho tới 23h đêm ngày 22/10 cả phòng vẫn phải lục tìm các tài liệu liên quan đến trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ này để báo cáo lên quận.

Liên quan đến công tác cấp phép, quản lý hoạt động ngành nghề cán bộ này cho rằng việc Thanh tra Sở Y tế đẩy trách nhiệm cho Phòng Y tế của quận là hoàn toàn không đúng. 

Theo quy định của việc cấp phép và quản lý là phải do Sở chịu trách nhiệm. "Đương nhiên việc quản lý sau khi cấp phép thì các cơ sở này nằm ở đâu, trên địa bàn nào thì địa bàn đó phải quản lý. Nằm trên phường, phường phải quản lý. Phường nằm trên quận, quận phải quản lý. Nghĩa là Sở Y tế phải quản lý tất cả".

Tuy nhiên, khi được hỏi về công tác kiểm tra, thanh tra sau cấp phép được thực hiện như thế nào thì cán bộ này cho biết: tôi không biết, chỉ lãnh đạo mới có thể trả lời được.

Trong Thông tư 01/2004/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn về hành nghề y, dược tư nhân qui định rõ các phòng khám giải phẫu thẩm mỹ “không được phẫu thuật tạo hình như nâng ngực, hút mỡ bụng, hút mỡ chi...”; bởi tai nạn phẫu thuật thẩm mỹ có khi khá phức tạp, dễ xảy ra những tai biến của ngành phẫu thuật chung, như phản ứng thuốc, do gây mê, do bệnh tiềm ẩn của khách hàng. 

Theo Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14 tháng 11 năm 2011 của Bộ Y tế hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có quy định:

Giám đốc Sở Y tế tỉnh có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, thanh tra việc cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, việc thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và việc chấp hành pháp luật của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi địa phương quản lý.

Như vậy, trong trường hợp này Sở Y tế đẩy trách nhiệm cho phường Đồng Tâm và Phòng Y tế quận Hai Bà Trưng có đúng không?

Theo Baodatviet.vn