Ngày 24/3, bà Chu Thị Trang Vân, người được mời bào chữa cho BS Tường cho biết, bà đã 3 lần vào trại tạm giam để tiếp xúc với thân chủ của mình.
Lần đầu gặp luật sư của mình, ông bác sỹ không giấu được vẻ lo lắng, bất ngờ và cả run rẩy.
“Cảm nhận của tôi khi gặp bác sỹ là ông ấy điềm đạm, dễ chịu, đôi tay run rẩy khi tiếp xúc với luật sư. Khi nhắc đến vợ con, ông ta đã không thể cầm được nước mắt”, lời bà Vân.
Luật sư Vân cho hay, sau khi gây tội, bác sỹ Tường đã phải chịu ám ảnh nặng nề. Ông ta không thể tìm được giấc ngủ ngon, tinh thần bất ổn, sắc mặt xanh xao.
Khi được luật sư hỏi có bị ám ảnh về việc này không, ông Tường im lặng gật đầu.
Bị can Nguyễn Mạnh Tường cho biết, trong trại tạm giam, vì là bác sỹ nên ông ta được mọi người tôn trọng. Và khi mọi người trong buồng giam hoặc cán bộ cần, với kiến thức vốn có của một bác sỹ, ông ta luôn sẵn lòng giúp đỡ.
Trong lần tiếp xúc thứ hai với luật sư của mình, ông Tường cho biết, ông giữ nguyên những lời khai mà ông ta đã khai trước đây với cơ quan điều tra. Chính bản thân ông ta cũng bất ngờ và không thể lý giải được vì sao cho đến nay vẫn chưa thể tìm thấy xác nạn nhân.
Giải thích cho hành động của mình, bác sỹ Tường trình bày với luật sư Vân: Sau khi nạn nhân tử vong, ông ta lên tầng 3 thắp hương rồi ngồi lặng lẽ một mình ở trên đó.
Sau đó, ông ta không có thời gian để suy tính, bởi mọi việc diễn ra quá nhanh và bất ngờ.
Bác sỹ Tường nói với luật sư của mình: “Khi đó tôi cảm thấy như mình bị mất hết rồi, không còn cách xử lý nào khác”.
Còn theo luật sư Vân: “Do hoảng loạn, ông bác sỹ đã liên tiếp có những hành động sai lầm, giống như đã phi lao thì phải đâm theo lao, không có động cơ, tính toán ngay từ đầu”.
Theo bà Vân, tâm lý tội phạm của bác sỹ Tường là dễ hiểu, bởi tâm lý của người bình thường khác với tâm lý của người đang hoảng loạn. Khi hoảng loạn thì người ta khó có thể minh mẫn được.