TIN TỨC » Dòng sự kiện

Bài 1: Nghi án xung quanh “Lê Ngọa Triều”, ông vua có tiếng tàn bạo, dâm dục nhất Việt Nam

Thứ tư, 05/12/2012 21:33

Trong tâm trí người dân Việt, mà phần nhiều cũng do bắt nguồn từ các ghi chép cổ sử, Lê Long Đĩnh – ông vua cuối cùng của triều Tiền Lê – chẳng những là một Hoàng đế độc ác mà còn mang biệt danh xấu (như một cái án) “Lê Ngọa Triều”.

Tuy nhiên, cũng có nhiều cứ liệu lịch sử khác dường như lại “bác” những nhận định này.

Bài 1: Có thật là vua do mê đắm tửu sắc phát bệnh nên phải nằm mà thị triều?

Các sử thần nói gì?

Về lai lịch, căn cứ vào các bộ cổ sử thì vua húy là Long Đĩnh, lại có tên là Chí Trung, con thứ 5 của Lê Đại Hành mất vào năm 1005, 4 hoàng tử cùng nhằm đến ngôi báu. Sau 8 tháng tranh chấp chiều chính, đến năm 1006, Lê Long Việt, anh trai của Lê Long Đĩnh giành được ngôi vua. Nhưng 3 ngày sau, Lê Long Đĩnh làm binh biến giết Lê Long Việt cướp ngôi. Ông trị vì được 4 năm (1005 – 1009), chết bất ngờ năm 24 tuổi, triều Tiền Lê chấm dứt. Quyền lực sau đó rơi vào tay tướng Lý Công Uẩn, ông tổ của triều Lý.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Mùa đông, tháng 10, ngày Tân Hợi, vua băng ở trên tẩm điện. Gọi là ngọa triều, vì có bệnh trĩ, nằm mà coi chầu (Sách dã sử chép: Vua say đắm tửu sắc, phát ra bệnh trĩ)”.

“Đại Việt Sử Lược” là bộ sách sử xưa nhất của nước ta, có trước bộ “Đại Việt Sử Ký” của Lê Văn Hưu, chép: “Mùa đông tháng 10, vua qua đời tại phòng ngủ trong điện, Hiệu là Ngọa Triều, vì vua có bệnh trĩ nên phải nằm để thị triều”.

Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” chép: “Nhà vua hoang dâm tửu sắc, dần mắc bệnh trĩ, nằm mà coi chầu, nên người ta gọi là “Ngọa Triều””.

Trong cuốn “Việt Nam sử lược”, học giả Trần Trọng Kim cũng viết: “Vì lúc sống dâm-dục quá độ, mắc bệnh không ngồi được, đến buổi chầu cứ nằm mà thị triều, cho nên tục gọi là Ngọa Triều”.

Như vậy, các bộ cổ sử và cả cận sử của Việt Nam đều chép khá giống nhau về biệt danh “Ngọa Triều”, một số còn nói rõ là vua mắc bệnh trĩ do “dâm dục quá độ” hay “say đắm tửu sắc”.

Sử cũ cũng đã đặt nghi vấn

Liệu sự thật Lê Long Đĩnh có là vua “ngọa triều”, hay chỉ là chuyện đời sau những quan chép sử vì một lý do nào đó thêm thắt vào, hoặc theo nhau chép lại?

Ngay trong “Đại Việt sử ký tiền biên” Ngô Thì Sĩ đã tỏ ra nghi vấn về cái tên này: “Xét việc Long Đĩnh cướp ngôi, cố nhiên không đáng được thụy hiệu đẹp, mà cái tên Ngọa Triều cũng không đúng. Có lẽ Lý Thái Tổ muốn dùng thụy hiệu xấu để gán cho, mà không biết rằng từ xưa những đế vương nào không đáng làm vua thì gọi là phế đế, mạt đế hoặc lấy cái tên khi bị phế mà chép. Còn như cái hiệu “Ngọa Triều” thì thô bỉ không căn cứ?”.

“Khâm định Việt sử thông giám cương mục” tuy không đặt vấn đề nghi vấn về cái tên, xong cũng cho rằng cách gọi này không chính xác: “Long Đĩnh giết anh mà tự lập, hoang dâm thành bệnh, nằm mà coi chầu, nhân gọi là Ngọa Triều. Sử cũ chép là: “Ngọa Triều hoàng đế”, có lẽ là theo tên gọi thời bấy giờ, chứ không phải là tên thụy. Chép vậy thật là trái thường quá lắm! Này, đã không có tên thụy, thì cứ chép thẳng tên thực, đó là biến lệ của sử Cương mục (Trung Quốc). Nay đổi lại, chép là “Đế Long Đĩnh” để cho hợp với ý nghĩa và thể lệ của Cương mục dẫn trên”.

Ngay tại “Đại Việt sử ký toàn thư” khi nói về biệt danh của Lê Long Đĩnh cũng đã mở ngoặc cho rằng “Sách dã sử chép: Vua say đắm tửu sắc, phát ra bệnh trĩ”. Mà đã là dã sử thì dầu sao cũng chỉ có giá trị như là một tài liệu tham khảo mà thôi.

Người thời nay nói gì?

Cái danh hiệu “Ngọa Triều” “thô bỉ không căn cứ” đã được người thời nay tìm cách “bác” lại, mà “chứng cứ” không đâu khác là trích dẫn từ chính các bộ cổ sử.

Trước hết là chuyện vua có dâm dục quá độ đến nỗi mắc bệnh không? Các bộ cổ sử chỉ chép vua “lập 4 hoàng hậu”. Riêng trong “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn “Kỷ Dậu, năm thứ 2 (1009)… Mùa xuân, Minh Xưởng ở Tống về, xin được kinh Đại tạng và dụ được người con gái nước Tống là Tiêu thị đem dâng. Vua cho làm cung nhân”. “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” cũng chép tương tự: “Minh Sưởng từ bên Tống về, dụ được nàng Tiêu thị, người Tống, đem dâng, nhà vua cho vào cung làm cung nhân”. Việc một vị hoàng đế lập 4 hoàng hậu và có nhiều cung nữ (?) xét thấy cũng là việc bình thường của các vua chúa phong kiến, chứ chẳng riêng gì Lê Long Đĩnh.

Những nhận định như “vua hoang dâm mà thành bệnh”, “dâm - dục quá độ, mắc bệnh không ngồi được” đã bị những người bênh vực cho nhà vua nghi ngờ. Theo họ, kẻ gọi là đan mê tửu sắc chẳng phải say xưa chè chén suốt ngày, hoang lạc thâu đêm, đầu óc sẽ trống rỗng, sức khỏe suy sụp thì làm gì có những quyết định sáng suốt, thậm chí là cấp tiến cả trong văn hóa cũng như kinh tế, nhưng sử đã chép: Cho người sang Tống xin chín bộ sách “cửu kinh” vĩ đại nhất của Trung Quốc (dịch, thi, thư, lễ, xuân thu, hiếu kính, luận ngữ, mạnh tử, chu lễ) và kinh sách đại tống; sai đóng thuyền đặt đò ở các bến sông Vũ Lũng, Bạt Cừ, Động Lung bốn chỗ để trở người qua lại; sửa định lại quan chế văn võ theo nhà Tống; xin cho người nước ta sang cầu thông thương với Ung Châu mua bán đổi chác với người Tống; xuống chiếu cho quân và dân Á Châu đào kênh, đắp đường từ cửa Vân Long qua Đính Sơn đển sông Vũ Lũng…

Chuyện vua bị bệnh trĩ nặng đến nỗi phải nằm mà thị triều, cũng là một điều khó tin. Có chuyên gia y tế còn đòi xét lại “bệnh án” của nhà vua. Theo họ, đã phải nằm mà coi chầu, thì vua phải mắc bệnh trĩ rất nặng, tức là “giai đoạn bốn”. Trong khi đó, suốt thời gian 4 năm cầm quyền (1005 – 1009), vua đã tự mình làm tướng đi chinh phạt đến năm lần, nhưng sử cũng ghi: Lần thứ nhất (1005) dẹp tan bạo loạn, tranh giành giữa các anh em trong hoàng tộc để “từ đấy về sau các vương và giặc cướp đều hàng phục cả”. Lần thứ hai (1005), khi quan quân đang đánh nhau với người ở trại Phù Lan chợt thấy trạm báo tin là giặc Cửu Long và quân cướp đã đến cửa biển Thần Phù (Ninh Bình). Vua về đến sông Tham, đi sang Ái Châu để đánh giặc Cửu Long. Lần thứ ba (1008), đánh người Mãn ở hai châu Đô Lương và Vị Long. Lần thứ tư (1008), đánh giặc ở Hoan châu và châu Thiên Liễu.

Điều đáng lưu ý là lần thứ năm trận chiến cuối cùng mà Long Đĩnh tham dự, đánh giặc ở các châu Hoan Đường, Thạch Hà vào mùa thu tháng 7 (1009) chỉ cách trước khi ông chết lúc hơn 2 tháng (Mùa đông, tháng 10/1009). Thêm nữa, trước đó không lâu, vua còn chăm lo việc đào kênh, mở mang đường xá, đóng thuyền bè đi lại cho dân. Thử hỏi một “ngọa triều” (nằm để coi chầu) thì làm sao mà đi đánh giặc, cũng như lo việc sửa sang  việc công chính như thế?.
Thay cho lời bàn
 
Từ lâu, trong dân gian cũng như chính sử Lê Long Đĩnh đã hầu như bị “đóng đinh vào lịch sử” bằng biệt danh (cũng là cái án) “Lê Ngọa Triều”. Các sử thần thì hạ bút phê bằng những từ xấu xa nhất như vị hoàng đế “tàn bạo”, “dâm đãng”, “hôn quân” “Kiệt-Trụ”. Trong nhà trường, các em học sinh cũng thường được các thầy giáo dậy sử bình giảng “Lê Ngọa Triều” như điển hình như một vị “hôn quân” trong các triều đại phong kiến Việt Nam. Trong khi đó, những liệu khác lại như biện hộ cho ông, giải oan cho ông. Thiết nghĩ, nếu chưa có điều kiện “xét lại lịch sử” thì cũng nên thận trọng trong đánh giá công tội của một vị vua cầm quyền chỉ trong vòng 4 năm, mà cũng làm được khá nhiều việc cho dân và nước.

 

Câu Chuyện Pháp Luật
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới