Chiều tối 18/2, Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án giết người, cướp tài sản tại tiệm vàng Vững Bắc ở Đỗ Xá, Vạn Điểm, huyện Thường Tín. Theo khung hình phạt bị khởi tố, liệu hung thủ Nguyễn Hữu Dưỡng (SN 1985, ở xã Đông Cường, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), nhân viên tiếp thị của công ty dầu ăn Tràng An sẽ lĩnh hình phạt như thế nào của pháp luật?
Theo phân tích của luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng Luật sư Vì dân, Đoàn Luật sư Hà Nội kể cả áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ như tự thú, thành khẩn khai báo thì hung thủ trong vụ giết người, cướp tài sản tại tiệm vàng Vững Bắc, huyện Thường Tín, Hà Nội cũng khó thoát án tử hình.
Cụ thể, theo quy định của pháp luật các bị can, bị cáo nếu có tình tiết giảm nhẹ thì được áp dụng theo Điều 46 Bộ Luật Hình sự về tình tiết giảm nhẹ. Trường hợp phạm tội lần đầu thì không được tính là tình tiết giảm nhẹ. Tự thú hoặc khai báo thành khẩn thì mới được coi là tình tiết giảm nhẹ. Trường hợp có hai tình tiết trở lên thì Hội đồng xét xử có thể cân nhắc để áp dụng mức hình phạt tù hoặc giảm nhẹ khung hình phạt cho bị cáo.
Trong vụ cướp tiệm vàng tại Thường Tín, Hà Nội hung thủ bị truy tố theo điều 93 Bộ Luật Hình sự về tội "Giết người" đã cấu thành hai tội giết người, cướp của "nên theo quan điểm của tôi dù có nhiều tình tiết giảm nhẹ hơn cũng không tránh khỏi mức án tử hình", luật sư Triển nói.
Liên quan đến vụ án, theo thông tin từ CQĐT, trong hơn hai ngày sau khi xảy ra vụ trọng án, CQĐT đã nhận được không dưới 50 nguồn tin tố giác tội phạm của quần chúng nhân dân. Hơn 200 trinh sát đã được Ban Chuyên án huy động để tìm kiếm hung thủ. Vụ án này cũng là một trong nhiều vụ trọng án xảy ra trong thời gian gần đây mà có sự hỗ trợ nhiệt tình của người dân trong việc tố giác tội phạm.
Vậy nguyên nhân vì sao, người dân sẵn sàng tham gia vào việc tố giác tội phạm, như vụ bắt cóc bé sơ sinh 2 ngày tuổi tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương năm 2011, vụ sát thủ tiệm vàng Lê Văn Luyện và trong vụ án này? Do người dân tự ý thức được hay do chính sách tuyên truyền pháp luật của chúng ta tốt?
Theo phân tích của luật sư Triển, trách nhiệm bảo vệ an ninh tổ quốc, bảo vệ xã hội, phòng chống tội phạm là quy định của pháp luật và là trách nhiệm của toàn đảng, toàn dân. Còn đơn vị, cơ quan chức năng trực tiếp đảm nhận nhiệm vụ phòng chống tội phạm là lực lượng công an nhân dân và trách nhiệm đó không phải chỉ có của lực lượng này mà đây là trách nhiệm của toàn dân. Và người dân phải có trách nhiệm nâng cao ý thức phòng chống tội phạm. "Việc nhân dân ở rất nhiều địa phương tham gia phòng chống tội phạm thời gian qua theo đánh giá của tôi là rất tốt. Những điển hình tố giác tội phạm đó phải được khen thưởng cụ thể để đẩy mạnh phong trào quần chúng tham gia bảo vệ tổ quốc", luật sư Triển nói. Hiện Công an Hà Nội đang tập trung lực lượng để điều tra làm rõ toàn bộ nội dung vụ án, sớm hoàn chỉnh hồ sơ để đưa đối tượng ra xử lý trước pháp luật.