Trang điện tử Voice of Russia (Đài tiếng nói Nga) ngày 18-12 đưa tin với dòng tít “Bảo mẫu Việt Nam bị bắt vì ngược đãi trẻ em” nói về vụ 2 bảo mẫu Nguyễn Lê Thiên Lý và Lê Thị Đông Phương bị bắt. Nội dung tin viết: “Vụ bắt giữ tiến hành sau khi một đoạn clip được tải lên mạng cho thấy 2 bảo mẫu làm việc trong một nhà trẻ chưa được cấp phép đang đánh, bóp cổ và dốc ngược các trẻ nhỏ. Cảnh sát địa phương cho biết cả 2 đã thừa nhận hành vi nhưng cho rằng chỉ làm vậy vì các bé biếng ăn, uống chậm hay ói mửa…Hồi tháng trước, cảnh sát cũng đã bắt giữ một bảo mẫu 18 tuổi ở TPHCM vì giẫm chết một bé trai”.
Ngoài ra, trang chia sẻ video liveleak.com cũng đã đăng tải đoạn clip quay cảnh 2 bảo mẫu bạo hành trẻ em và bên dưới clip cũng có nhiều ý kiến (comment) lên án hành vi của 2 bảo mẫu này. Một khán giả nước ngoài viết bằng tiếng Anh: “Nếu đó là con tôi, tôi sẽ đập chết con phù thủy đó trong nháy mắt”.
Cách đây không lâu, vụ “hôi bia” ở Đồng Nai cũng bị đài truyền hình Nga đưa thông tin hình ảnh. Trong bản tin thế giới 24 giờ, Đài truyền hình giải trí tư nhân hàng đầu RenTV của Nga đã đưa tin về vụ việc với tiêu đề “biển bia”. Không chỉ tóm tắt sự việc, biên tập viên của RenTV còn bình luận châm biếm rằng đây là một “lễ hội” bất ngờ và kèm theo cả đoạn clip ghi lại cảnh hỗn loạn tại hiện trường “hôi bia” khi đàn ông và phụ nữ mải mê cúi nhặt và hớn hở mang những thùng bia Tiger “hôi” được đi về. Biên tập viên còn nói thêm: “Những gì đã đánh rơi coi như là đã mất”
Trang điện tử tiếng Nhật viet-jo.com (chuyên cập nhật tin tức về Việt Nam hằng ngày bằng tiếng Nhật) cũng đăng tải nội dung tương tự. Bài viết tiếng Nhật có tựa “Bia đổ từ xe tải, người dân đổ xô tranh giành” kèm theo hình ảnh vụ việc ở Đồng Nai.
Những vụ việc không hay ở Việt Nam bị lên báo đài nước ngoài trong thời gian qua đã được cộng đồng mạng chia sẻ khắp trên mạng xã hội, các diễn đàn và phần góp ý kiến của các trang báo điện tử. Phần đông ý kiến bày tỏ cảm thấy xấu hổ và không ít người lo ngại rằng nếu ngày càng nhiều sự việc bị báo nước ngoài phản ánh như thế này, nếu có đi ra nước ngoài có lẽ họ cũng không dám nói mình là người Việt.
Trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, bất kể sự việc không hay nào xảy ra tại Việt Nam cũng dễ dàng được truyền thông nước ngoài nắm bắt và đưa tin. Nếu chúng ta không sống tốt hơn, hình ảnh người Việt sẽ dần trở nên “xấu xí” trong mắt bạn bè quốc tế, chưa kể những người Việt đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi những “con sâu làm rầu nồi canh”.