TIN TỨC » Dòng sự kiện

Bầu Kiên và đồng phạm chiếm đoạt 264 tỷ thế nào?

Thứ hai, 23/12/2013 14:20

Bầu Kiên chỉ đạo nhân viên lập khống nhiều giấy tờ, văn bản để chiếm đoạt 246 tỷ đồng của Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát.

Cáo trạng nêu Công ty Cổ phần đầu tư ACB Hà Nội (ACBI) sở hữu gần 30 triệu cổ phần Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát.

Ngày 11/5/2010, Nguyễn Đức Kiên - Chủ tịch Hội đồng quản trị ACBI chỉ đạo Trần Ngọc Thanh (đại diện Công ty ACBI) ký hợp đồng thế chấp hơn 22 triệu cổ phần Công ty CP Thép Hòa Phát cho Ngân hàng ACB để đảm bảo việc phát hành trái phiếu 800 tỷ đồng.

Nguyễn Đức Kiên.

Đến đầu tháng 4/2012, do nắm bắt được Tập đoàn Hòa Phát có chủ trương tăng sở hữu vốn tại các công ty thành viên, ông Kiên đã đồng ý bán lại 20 triệu cổ phần Công ty cổ phần Thép Hòa Phát với giá 13.200 đồng/cổ phần tương ứng với tổng số tiền 264 tỷ đồng.

Ngày 5/5/2012, ông Kiên chỉ đạo Nguyễn Thị Hải Yến (Kế toán trưởng Công ty ACBI) soạn thảo văn bản để Trần Ngọc Thanh ký gửi Ngân hàng ACB và Công ty TNHH Chứng khóan ACB (viết tắt là ACBS) đề nghị xem xét giải tỏa 20 triệu cổ phần trong tổng số 22.497.000 cổ phần và bổ sung bằng hơn 7 triệu cổ phiếu Ngân hàng Eximbank (tương đương mệnh giá hơn 74 tỷ đồng).

Trả lời văn bản này, đại diện công ty ACBS gửi email cho bà Yến với nội dung giá trị tài sản bảo đảm còn thiếu, đề nghị Công ty ACBI có phương án, kế hoạch bổ sung để xử lý. Bà Yến báo cáo lại cho Nguyễn Đức Kiên nhưng ông Kiên không có ý kiến chỉ đạo hay hướng giải quyết.

Mặc dù chưa được Ngân hàng ACB và Công ty ACBS chấp thuận cho giải tỏa 20 triệu cổ phần, ông Kiên vẫn chỉ đạo cho nữ kế toán trưởng lập khống Quyết định của HĐQT và Biên bản họp HĐQT thể hiện chủ trương, thống nhất của các thành viên trong HĐQT. Những giấy tờ này sau đó được chuyển sang cho phía Tập đoàn Hòa Phát. Sau khi nhận được bản dự thảo Hợp đồng từ Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát, ông Kiên đã ký nháy vào Hợp đồng.

Ngày 21/5/2012, Trần Ngọc Thanh ký hợp đồng với Công ty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát. Sau khi hợp đồng được ký kết, Công ty ACBI nhận được khoản tiền 264 tỷ đồng.

Hành vi của Nguyễn Đức Kiên, Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong đó ông Kiên được xác định là người chủ mưu chiếm đoạt số tiền 264 tỷ đồng.

Với khoản tiền trên, Kiên chỉ đạo Trần Ngọc Thanh ký ủy nhiệm  chi, chứng từ để dùng số tiền này chi trả cho các khoản nợ cũng như sử dụng vào mục đích riêng.

Ngoài ra, cáo trạng cũng thể hiện với hành vi ban hành chủ trương ủy thác cho nhân viên Ngân hàng ACB gửi tiền tiết kiệm vào Vietinbank của các bị can Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ và Lý Xuân Hải gây thiệt hại hơn 718 tỷ đồng. Ngoài ra, với hành vi chỉ đạo, tổ chức việc đều tư cổ phiếu Ngân hàng ACB của bị can Lê Vũ Kỳ, Nguyễn Đức Kiên gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB hơn 687 tỷ đồng. Hành vi của các bị can phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Sắp tới, Nguyễn Đức Kiên (49 tuổi) sẽ hầu tòa với 4 tội danh bị truy tố gồm: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Trốn thuế và Kinh doanh trái phép.

Trần Ngọc Thanh (Giám đốc Công ty ACBI), Nguyễn Thị Hải Yến (nguyên Kế toán trưởng Công ty ACBI) phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trần Xuân Giá (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB), Trịnh Kim Quang (Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB), Lý Xuân Hải (thành viên Thường trực HĐQT, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng ACB), Phạm Trung Cang (thành viên Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB) phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước và quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo Tri Thức