Bé trai chết vì sự tàn độc của mẹ đẻ, cha dượng
Khoảng 2 năm về trước, dư luận từng một phen chấn động bởi sự tàn độc của vụ bạo hành bé trai Nguyễn Phương Ninh (6 tuổi) ở Hải Phòng.
Đau xót, căm phẫn bởi người gây ra cái chết ấy lại chính là mẹ đẻ và cha dượng của cậu bé.
Vụ việc được phát hiện vào sáng 31/12/2010, khi Công an phường Kênh Dương, quận Lê Chân, Hải Phòng nhận được đơn của Phạm Thị Bích (SN 1971, trú tại nhà số 39B, lô 2 Quán Nam, Hải Phòng) xin chứng tử cho con riêng của mình là cháu Nguyễn Phương Ninh với lý do chết do bị cảm.
Thấy có dấu hiệu không bình thường nên công an đã xuống hiện trường, khám nghiệm tử thi, phát hiện trên người cháu Ninh có nhiều thương tích, chân tay bầm tím, bị rách da ở vùng trán, có các vết xước ở cằm.
Công an quận Lê Chân đã triệu tập, lấy lời khai nhân chứng và các đối tượng liên quan, gồm bố dượng cháu Ninh là Vũ Văn Phủ (SN 1964, ở cùng nhà, nghiện ma túy) và mẹ đẻ nạn nhân là Phạm Thị Bích.
Những hành động tội ác của người mẹ tàn độc cùng gã cha dượng vô lương đã được đưa ra ánh sáng.
Mặc dù được sống cùng người thân trong gia đình ở ngôi nhà rộng hàng trăm mét vuông, đầy đủ tiện nghi, nhưng do hiếu động nên Ninh luôn bị mẹ đẻ và cha dượng phân biệt đối xử, thường bị đánh và bị nhốt trong nhà tắm hoặc bỏ đói cả ngày.
Đến bữa ăn, theo “lệnh” của mẹ, Ninh chỉ được người giúp việc cho ăn 1 bát cơm. Vì thường bị đói nên Ninh hay ăn vụng và ngang bướng. Ngày 29/12/2010, vì đói bụng, Ninh đã lấy 1 quả táo để trong tủ lạnh rồi trốn vào nhà tắm ăn thì bị mẹ phát hiện.
Ninh bị mẹ tát rồi dùng vòi hoa sen xịt nước lạnh làm ướt hết quần áo. Bích không để ai thay đồ cho con, sau đó trói tay con ra phía sau, nhốt trong nhà tắm.
Vừa lạnh vừa đói, Ninh gào khóc và đập đầu xuống nền nhà tắm, song người mẹ nhẫn tâm vẫn cùng chồng lấy dây chun quần thể thao quấn quanh cổ Ninh, buộc vào thành cửa và cửa sổ phía ngoài để Ninh hết đường trốn...
Sau đó, hai vợ chồng thị điềm nhiên ra ngoài. Suốt cả đêm hôm đó, Ninh không được ăn gì. Đến trưa ngày 30/12, sau khi đi làm về, Phủ lên tầng hai, mở cửa nhà vệ sinh thì phát hiện cháu Ninh gục xuống. Phủ hốt hoảng gọi xe ôm đưa Ninh đi cấp cứu nhưng đã muộn…
Thời điểm bé Ninh bị hại chết, cha đẻ của bé là Nguyễn Văn Phương (tức Phương “công tử”, SN 1963, trú tại Trần Nguyên Hãn, Hải Phòng) đang phải thụ án vì tội danh liên quan đến ma túy.
Ít ai biết rằng, cha của đứa bé bất hạnh ấy là 1 trùm ma túy khét tiếng ở khu vực đường tàu nơi đất Cảng. Trước khi trở thành 1 tay trùm ma túy, Phương “công tử” là 1 siêu cờ bạc.
Với những mánh lới cờ bạc “có nghề”, Phương dễ dàng kiếm được bộn tiền từ tay các con bạc khác. Đồng tiền không phải do lao động, không phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có được nên đối với Phương, việc chi tiêu chẳng phải là vấn đề cần đắn đo.
Những ngày tháng rủng rỉnh ấy, Phương tiêu tiền không tiếc tay. Chẳng chốn ăn chơi nào thiếu vắng Phương và mỗi khi y xuất hiện, tiền chi trả cho cuộc vui cùng các đệ tử, chiến hữu đều được y tranh phần thanh toán.
Chưa đến mức chơi ngông như Công tử Bạc Liêu nhưng chừng ấy cũng đủ Phương có biệt danh “công tử” từ những ngày ấy.
Và trong giới giang hồ đất Cảng, Phương “công tử” ít nhiều được nhắc đến như 1 tay anh chị có chút số má, “máu mặt” bởi ngoài tiếng tăm về sự chịu chơi, rủng rỉnh tiền bạc, y còn cả một “bề dày thành tích bất hảo” gồm những án phạt tù về các tội danh: Đánh bạc, Cố ý gây thương tích, Ma túy.
Từ khi lấy Bích, có 3 đứa con chung, Phương “công tử” không còn đình đám về trò cờ bạc nữa mà ghi “số má” bởi những phi vụ buôn bán ma túy ở khu vực đường tàu.
Bởi lẽ, căn nhà ở đường Trần Nguyên Hãn mà vợ chồng Phương “công tử” sinh sống khi ấy có mặt tiền quay ra đường tàu, một điểm nóng về ma túy, nên rất đắc địa cho việc bán “hàng trắng” cho những con nghiện.
Nhưng đi đêm lắm có ngày gặp ma, năm 2005, Phương “công tử” đã bị công an bắt quả tang khi đang vận chuyển, buôn bán hơn 1000 tép ma túy.
Khoảng thời gian 5 năm Phương “công tử” đi tù vì phi vụ ma túy ấy đã xảy ra bi kịch đau lòng đối với đứa con trai út Nguyễn Phương Ninh của y.
Không lâu sau ngày Phương “công tử” bị bắt về tội ma túy, thị Bích, vợ Phương, đã mang theo 4 đứa con riêng (gồm 1 đứa con với người chồng đầu tiên và 3 đứa con với người chồng thứ hai là Phương “công tử” - PV) sang sống chung với Vũ Văn Phủ - đối tượng nghiện ma túy nặng, đã có 2 tiền án (năm 1996 bị TAND quận Ngô Quyền phạt 6 tháng tù giam; tháng 7/2006 bị TANDTP xử 30 tháng tù giam) và có tiếp với hắn một con gái 2 tuổi.
Cặp tình nhân ấy đã ra tay tàn độc với bé trai 6 tuổi Nguyễn Phương Ninh khiến đứa bé chết tức tưởi.
Nỗi đau mất con của Phương “công tử”
Khoảng giữa năm 2010, Phương “công tử” mãn hạn tù. Ra khỏi cánh cửa trại giam cũng là lúc y nhận được hung tin về cái chết tức tưởi, đau đớn của đứa con trai út.
Căm phẫn người vợ độc ác, bạc tình và gã tình địch du côn, bạo ngược, Phương “công tử” nhiều phen muốn nhờ đàn em trả thù theo luật giang hồ. Song, dưới sự giám sát chặt chẽ của lực lượng chức năng, Phương “công tử” không có cơ hội thực hiện điều đó.
Khôn ngoan hơn, y đã sử dụng quyền công dân của mình để làm đơn gửi cửa các ban ngành chức năng. Theo đó, Phương “công tử” cho rằng, hành vi của Bích và gã tình nhân (liên tục trói tay, tròng dây vào cổ, nhốt cháu Ninh vào nhà vệ sinh trong điều kiện thời tiết giá rét, bỏ đói cháu suốt nhiều giờ) tất yếu dẫn đến việc cháu Ninh thiệt mạng.
Với 1 cháu bé 5 tuổi bị trói, bị nhốt, bị bỏ đói, rét thì chắc chắn sẽ kêu la, gào khóc nên cặp nhân tình và các thành viên trong gia đình ấy không thể không biết việc đó.
Vậy tại sao không có ai cứu giúp cháu Ninh? Phủ và Bích có đủ nhận thức để biết hậu quả của hành vi trói tay, tròng dây vào cổ, bỏ rét cháu Ninh, vậy mà vẫn làm, đó là tình tiết không thể bỏ qua.
Phương “công tử” đã kiến nghị, với những hành vi đã gây ra cái chết của cháu Ninh, Phủ, Bích phải bị xử lý về tội Giết người quy định tại điều 93, Bộ Luật Hình sự.
Song những kiến nghị của Phương “công tử” đã bị Tòa bác bỏ vì không đủ căn cứ. Cặp tình nhân độc ác cuối cùng chỉ bị trừng trị bởi tội Cố ý gây tổn hại sức khỏe của người khác dẫn đến chết người, có khung hình phạt từ 5 năm đến 15 năm.
Không đồng tình với cơ quan tố tụng, những lần diễn ra phiên xét xử, Phương “công tử” đã huy động đông đảo đàn em đến dự Tòa, nhằm gây áp lực, đe dọa bị cáo và gây rối. Dù vậy, sau cùng Phương “công tử” buộc phải tuân theo sự nghiêm minh của Pháp luật.
Nỗi đau mất con của Phương “công tử” dường như cũng nhanh chóng nguôi ngoai bởi ngay khi vụ án liên quan đến cái chết của đứa trẻ ấy còn đang trong giai đoạn xét xử thì Phương “công tử” đã kịp tìm cho mình hạnh phúc mới, thỏa mãn những dục vọng cá nhân và hơn hết là thỏa mãn cơn nghiền ma túy của y.
Nếu nỗi đau mất con đủ lớn để đánh thức lương tri của người cha, lẽ ra Phương “công tử” phải lấy đó là động lực làm lại cuộc đời để nuôi dạy những đứa con còn lại nên người.
Thế nhưng thực tế, y lại chóng vánh cặp kè với Nguyễn Thị Hạnh (còn gọi là Hạnh “phường”, SN 1966), cả hai cùng thuê căn nhà ở đường Nguyễn Đức Cảnh, Hải Phòng và sinh sống như vợ chồng.
Tình mới của Phương “công tử” cũng là 1 đối tượng cộm cán buôn ma túy, bản thân Hạnh “phường” vừa mới ra tù, kết thúc những ngày thụ án trả giá cho tội danh này.
Cặp tình nhân như cá gặp nước, nhanh chóng thiết lập đường dây buôn bán ma túy liên tỉnh. Không chỉ phục vụ các con nghiện trên địa bàn Hải Phòng, Phương “công tử” cùng vợ hờ còn giao ma túy ra tận Móng Cái, Quảng Ninh.
Mải miết với hạnh phúc mới, với những phi vụ ma túy đường dài, Phương “công tử” chẳng còn tâm trí để mắt đến vụ án liên quan đến cái chết tức tưởi của đứa con trai bé nhỏ nữa. Nỗi đau mất con dường như cũng chỉ thoảng qua trong cuộc đời gã trùm ma túy này.
Không lâu sau đó, khoảng cuối tháng 5/2011, Phương “công tử” và đồng bọn đã bị Đội CSĐT tội phạm về ma túy bắt gọn khi y đang trên đường đi giao “hàng”.
Cùng thời điểm bắt giữ Phương “công tử”, mũi trinh sát khác đã ập vào căn nhà thuê trọ, bắt giữ Hạnh “phường” khi thị này đang cân ma túy, giao tại nhà.
Trước những bằng chứng không thể chối cãi, một lần nữa cặp tình nhân này đã phải cúi đầu nhận tội trước cơ quan điều tra. Và tới đây, chắc chắn Phương “công tử” sẽ bị đưa ra xét xử đích đáng.
Có thể, những ngày tháng trong trại giam sẽ là khoảng lặng khiến Phương “công tử” sống lại kỷ niệm về đứa con trai yểu mệnh và gặm nhấm nỗi đau mất con mà y đã vô tình quên để chạy theo những dục vọng cá nhân.
Nhưng biết đến khi nào, những bậc làm cha, làm mẹ như Phương “công tử”, như Bích mới biết sống có tình thương, có trách nhiệm với chính những đứa trẻ do họ sinh ra, để bớt đi những vụ bạo hành, những cái chết thương tâm ở đời?