Tại đó, cô sẽ bị ném đá đến chết vì đã trót ngoại tình với người đàn ông khác và đồng lõa với người tình giết chết chồng mình. Người yêu của cô ta cũng bị treo cổ.
Theo luật Hồi giáo, cô Ayyubi bị chôn đến nách, sau đó, bị ném đá cho đến khi ngừng thở, với sự chứng kiến của đại diện toà án và các quan chức nhà tù.
Đây là lần thứ hai trong vòng một tháng, phụ nữ bị xử lý theo kiểu nguyên thủy vì tội ngoại tình và tìm cách hại chồng mình. Sự việc trên khiến cộng đồng quốc tế thực sự lo ngại. Vụ việc xảy ra ngay trước khi cuộc bầu cử Tổng thống. Điều đó cho thấy một điều rằng các phần tử cánh hữu cứng rắn trong bộ Tư pháp muốn phá hoại uy tín và hình ảnh của Tổng thống Mohammed Khatami ở trong nước cũng như nước ngoài.
Luật ném đá tới chết những người bị kết tội ngoại tình có thể sẽ được đưa trở lại vào luật pháp Afghanistan sau 12 năm bãi bỏ. Trước đây, cách hành hình dã man này đã bị xóa bỏ cùng với việc lật đổ chế độ Taliban ở đất nước này. Tuy vậy, mới đây, khi bộ Tư pháp nước này xem xét lại các điều luật trong Bộ luật Hình sự, một lần nữa, hình phạt dã man này lại được đề xuất dưới dạng dự luật.
Ông Rohullah Qarizada, một thành viên trong hội đồng soạn thảo Bộ luật Hồi giáo cho biết nếu dự luật này được thông qua, bản án khắc nghiệt sẽ được thi hành chỉ cần hành động ngoại tình của một cá nhân có ít nhất 4 người chứng kiến và đồng ý đứng ra làm chứng. Hình phạt dã man thi hành với những người phạm tội ngoại tình đã được đề xuất trở lại trong một dự luật, hiện dự luật này đang được xem xét, cân nhắc xem có nên đưa vào Bộ luật Hình sự hay không.
Trong thời kỳ cai trị của Taliban từ năm 1996 đến năm 2001, những người bị cho là phạm tội ngoại tình thường bị xử phạt ném đá tới chết trước sự chứng kiến của đông đảo người dân. Quan niệm của người dân Afghanistan về vấn đề ngoại tình rất khắc nghiệt. Mới đây, một cặp tình nhân ở tỉnh Baghlan đã cùng nhau chạy trốn, tuy vậy, xe ô tô của họ gặp tai nạn và người dân địa phương nhanh chóng bắt giữ được hai kẻ đào tẩu.
Ban đầu, người ta định ném đá cặp tình nhân ngay lập tức nhưng những người già không đồng ý. Mạng sống của họ được kéo dài thêm một ngày nữa. Hôm sau, cả hai đã bị bắn chết trước sự chứng kiến của đông đảo người dân. Được biết, chính cha của người phụ nữ đã yêu cầu thi hành án để giữ gìn danh dự cho gia đình và dòng họ. Vụ việc này đã được chính cảnh sát trưởng của tỉnh Baghlan khẳng định. Việc người dân tự ý thi hành án được khẳng định là bất hợp pháp. Hiện tại, vẫn chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra nhưng theo ông Rohullah Qarizada, có rất ít khả năng đạo luật này sẽ được thông qua.
Bên cạnh đó, ông Qarizada cũng cho biết thêm về cách xét xử một người có phạm tội ngoại tình hay không ở Afghanistan. Trước đây, dưới thời Taliban, cứ 4 người cùng đứng ra làm chứng rằng đã nhìn thấy một người ngoại tình, người bị buộc tội sẽ bị xử thua. Tuy vậy, giờ đây, những người đứng ra làm chứng sẽ phải trả lời rất nhiều câu hỏi thẩm vấn. Nếu những câu trả lời của họ khác nhau, cáo buộc ngoại tình sẽ bị xóa bỏ.
Trong thời kỳ còn áp đặt chế độ cai trị tại Afghanistan, Taliban từng đưa ra những luật lệ khắc nghiệt. Theo đó, phụ nữ không được phép đi ra ngoài một mình, các bé gái không được tới trường và đàn ông bắt buộc phải để râu dài.
Quốc vương Brunei cũng đã tuyên bố ban hành bộ luật Hồi giáo Sharia, bao gồm hình phạt ném đá đến chết với người phạm tội gian dâm. Theo AFP, bộ luật Hồi giáo nghiêm khắc này sẽ có hiệu lực bắt đầu từ tháng 4/2014. Quốc vương Hassanal Bolkiah, 67 tuổi, là lãnh đạo cao nhất của quốc gia Hồi giáo còn duy trì chế độ quân chủ toàn trị duy nhất tại Đông Nam Á. Ông từng kêu gọi xây dựng bộ luật Sharia từ năm 1996. Bộ luật làm nổ ra tranh cãi tại vương quốc Brunei, nơi mà mệnh lệnh của Quốc vương phải được chấp hành tuyệt đối. Bản thân Quốc vương Bolkiah cũng thừa nhận những lo ngại về bộ luật này trong quá trình soạn thảo.
Các tổ chức nhân quyền trên thế giới đều ra sức lên tiếng phê phán bộ luật này vì nó quá hà khắc. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, bộ luật có thể chỉ được áp dụng một cách nhẹ nhàng, mang tính tượng trưng, với mục đích giữ gìn bản sắc dân tộc. So với các quốc gia Hồi giáo láng giềng như Indonesia và Malaysia, Brunei nổi tiếng với đường lối tôn giáo bảo thủ, nghiêm cấm việc buôn bán và tiêu thụ rượu cũng như những hạn chế tôn giáo khác.
Ngoại tình sẽ bị xử lý nhưng không đến mức phải chết
Ngoại tình là một vấn đề được rất nhiều người quan tâm bởi hầu như ở tất cả các nơi trên thế giới, đặc biệt là các nước Hồi giáo. Nó bị coi là một hành động vô cùng xấu xa, phi đạo đức, làm tan vỡ hạnh phúc gia đình. Xã hội càng phát triển, chất lượng cuộc sống càng được nâng cao, tình trạng ngoại tình càng trở nên nghiêm trọng, nhất là ở các nước công nghiệp phát triển.
Việt Nam tuy là một nước châu Á với những quan niệm khắt khe về đạo đức gia đình nhưng trong những năm gần đây, số lượng các cặp vợ chồng đưa nhau ra tòa ngày càng tăng cao, những vụ án mạng do ghen tuông xảy ra cũng nhiều, mà nguyên nhân sâu xa của nó liên quan rất nhiều đến chuyện ngoại tình của chồng hoặc vợ. Cũng chính vì vậy, ở nhiều nơi, ngoại tình đã bị quy kết thành tội (tội vi phạm chế độ một vợ một chồng- Điều 147 BLHS). Người có hành vi ngoại tình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bị dư luận lên án gay gắt.
Ngoại tình là một việc làm đáng bị lên án bởi những hệ lụy không nhỏ của nó đối với gia đình, xã hội. Tuy nhiên, nếu xét về khía cạnh con người, việc trừng phạt những người có hành vi ngoại tình bằng cách ném đá đến chết là một hình phạt quá dã man, không thể chấp nhận được. Bởi vì, trong cuộc sống, có nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan khiến người ta ngoại tình. Và việc ngoại tình cũng thuộc vấn đề tình cảm riêng tư, tế nhị với những uẩn khúc của nó trong từng trường hợp cụ thể mà nhiều khi bản thân người trong cuộc cũng không sao tránh khỏi. Riêng ở Việt Nam, trong quan niệm thông thường của nhiều người thì chỉ cần có quan hệ tình cảm nam nữ ngoài vợ, ngoài chồng đã bị coi là ngoại tình. Nhưng để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi ngoại tình thì bắt buộc thì phải có yếu tố "chung sống như vợ chồng", gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã từng bị phạt hành chính mà tiếp tục vi phạm. Khoản 1
Điều 147 quy định: Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm. Khoản 2 điều luật trên quy định: Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Toà án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 110/2013/NĐ – CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Trong đó, Điều 48 quy định sẽ xử phạt từ 1 đến 3 triệu đồng đối với các hành vi: Đang có vợ (hoặc chồng) mà chung sống như vợ chồng với người khác; chưa có vợ (hoặc chồng) mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ. Đây là một quy định nhận được rất nhiều sự quan tâm, ủng hộ của dư luận bởi việc xử phạt hành vi ngoại tình sẽ giúp những người đang có các mối quan hệ bất chính ngoài vợ, ngoài chồng ý thức được việc làm sai trái của mình để kịp thời dừng lại trước khi hạnh phúc gia đình bị hủy hoại trong sự tiếc nuối muộn mằn. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng mức phạt trên vẫn là quá nhẹ so với sức cám dỗ mạnh mẽ của các mối quan hệ ngoài luồng cho nên sẽ không đủ để "gãi ngứa" những kẻ đang mụ mị chạy theo trò chơi tình ái.