Ngày 26/8, Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế ra thông cáo báo chí về kế hoạch xây dựng Thông tư liên tịch quy định Tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, nêu ý kiến chính thức của bộ Y tế về vấn đề này. Trong đó, Bộ Y tế cho biết Ban soạn thảo Thông tư chưa được thành lập nên cũng chưa có bản Dự thảo. Cùng ngày, đại diện bộ Giao thông vận tải (GTVT) khẳng định Quyết định thành lập Ban soạn thảo thông tư đã được chính Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ký từ tháng 5/2013.
Bộ Y tế: Chưa thành lập Ban soạn thảo
Theo thông cáo trên, hiện nay Cục quản lý khám chữa bệnh đang trình báo cáo với Bộ trưởng Bộ Y tế để thành lập Ban soạn thảo Thông tư liên tịch nói trên. “Như vậy, hiện nay Bộ Y tế chưa hoàn tất thành lập Ban soạn thảo Thông tư liên tịch nên chưa có bất kỳ bản dự thảo nào về Tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe”, công văn này khẳng định.
Cũng theo thông cáo này, dự kiến thành phần Ban soạn thảo Thông tư liên tịch gồm: đại diện lãnh đạo bộ Y tế; lãnh đạo Bộ GTVT; hiệp hội Ô tô; Ủy ban an toàn giao thông quốc gia; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện một số đoàn thể xã hội liên quan và một số Vụ, Cục, đơn vị liên quan của 2 bộ Y tế, GTVT.
Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê (người ký thông cáo báo chí) cho rằng để đảm bảo tính khoa học chặt chẽ, khả thi khi ban hành thông tư, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo thực hiện nghiên cứu, đánh giá khoa học về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe trước khi ban hành Thông tư.
"Khi đánh giá khoa học phải căn cứ vào các chỉ số sinh lý của người Việt Nam bình thường; căn cứ vào kết quả khảo sát thực trạng sức khỏe người lái xe hiện tại và có tham khảo quốc tế. Sau khi có kết quả nghiên cứu, đánh giá khoa học về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, Ban soạn thảo sẽ xem xét và tiếp tục xây dựng Thông tư này theo quy định", ông Khuê cho hay.
Bộ GTVT: Ban soạn thảo được thành lập từ tháng 5
Cũng trong ngày 26/8, trao đổi với báo chí, ông Phạm Thành Lâm, Cục phó Cục y tế, bộ Giao thông vận tải (GTVT) khẳng định, ngày 12/4/2013, Bộ GTVT đã có văn bản và Dự thảo sơ bộ Thông tư chuyển sang cho Bộ Y tế .
“Đến ngày 9/5/2013, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có quyết định 1573 về việc thành lập Ban soạn thảo xây dựng Thông tư hướng dẫn tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe của người lái xe. Ban soạn thảo gồm 35 người, trong đó có một Tổ biên tập dự thảo. Quyết định do Bộ trưởng Bộ Y tế ký quy định rất rõ nhiệm vụ cụ thể của từng bộ phận”, ông Lâm khẳng định.
Ông Lâm cho biết Dự thảo ngày 7/8 mà báo chí nêu (trong đó giữ nguyên quy định người có vòng ngực trung bình dưới 72cm không được lái xe trên 50cm3) là của Tổ biên tập, thuộc Ban soạn thảo. Trong đó, Tổ biên tập cũng đã họp nhiều lần để xem xét lại tính đúng đắn của Dự thảo này.
Cũng theo ông Lâm, trong quá trình xây dựng Dự thảo này, Tổ biên tập đã rất đau đầu và tranh luận gay gắt khi quyết định đưa quy định “ngực lép không được lái xe” vào Dự thảo. Các nhà khoa học đặt ra chiều cao, cân nặng, vòng ngực cũng đắn đo, suy nghĩ rất nhiều. Bởi, mỗi phương tiện đi lại có kích cỡ khác nhau.
“Nếu một cô bé có cân nặng chưa đầy 40kg, chiều cao chưa được 1,45 mét thì ngồi xe SH đã thấy kệch cỡm rồi. Cô bé đó dắt xe còn khó khăn thì nói gì đến việc đi lại. Khi xe bị chết máy giữa đường, cô bé loắt choắt dắt xe đưa vào vỉa hè cũng khó. Do đó, chúng ta buộc phải nhìn nhận vấn đề này và xây dựng pháp luật theo hướng không cho cô bé đó đi xe SH mà chỉ được sử dụng dòng xe nhỏ hơn như xe Chaly, xe đạp điện cho an toàn. Theo tôi, như thế là phù hợp và chúng ta làm tốt cho xã hội”, ông Lâm chia sẻ.
Trong Quyết định thành lập Ban soạn thảo Thông tư liên tịch của Bộ Y tế, bà Nguyễn Thị Xuyên, thứ trưởng Bộ Y tế được giao làm Trưởng ban. Đặc biệt, ông Lương Ngọc Khuê, người ký thông cáo báo chí cho rằng Ban soạn thảo chưa được thành lập được giao làm Phó trưởng ban thường trực. Ban soạn thảo gồm 35 người, có gần như đầy đủ các thành phần như trong thông cáo báo chí mà Bộ Y tế cho rằng sẽ “Dự kiến thành lập”. Trong đó có 19 người thuộc Ban soạn thảo và 16 người giúp việc.