Đó là nhận định BS. Nguyễn Tiến Dũng – Khoa Phẫu thuật gây mê, BV Phổi trung ương.
Liên quan tới cái chết của nạn nhân L.T.T.H tại Trung tâm thẩm mĩ Cát Tường, do bác sĩ ngoại khoa Nguyễn Mạnh Tường làm giám đốc, BS Dũng cho rằng, có nhiều mối liên quan tới gây tê khi phẫu thuật
Bị bỏ qua nhiều bước
“Thông thường việc gây mê không nguy hiểm bằng gây tê bởi khi gây mê toàn cơ thể, bởi khi gây mê thì toàn bộ phản xạ có điều kiện của cơ thể sẽ bị ngắt hoàn toàn và như vậy bác sĩ và ekip phẫu thuật có thể kiểm soát được. Còn gây tê, bệnh nhân chỉ được làm tê một vùng nhất định, vì thế có thể gây nên tình trạng sốc phản vệ, nguy cơ tử vong có thể xảy ra”- BS Dũng nói.
Tuy nhiên, theo BS Dũng, trước phẫu thuật, gây tê, hoặc gây mê bệnh nhân cần được làm kỹ các xét nghiệm cận lâm sàng như: Tuần hoàn, hô hấp, xem xét các yếu tố tiền sử, bệnh mạn tính như tim mạch, huyết áp…. Thông thường việc kiểm tra phải diễn ra từ trước đó 2-3 ngày.
Nhiều vụ gây mê, gây tê có thể dẫn tới sốc phản vệ. Trong đó, 95-98% bệnh nhân tử vong do sốc phản vệ được xác định chết do suy hô hấp. Khi bệnh nhân có hiện tượng sốc, mặt tím tái, trụy mạch, khó thở, sùi bọt mép…co giật liên tục.
Có ý kiến khẳng định bác sĩ Tường đã hút mỡ bụng đẩy lên ngực khiến mạch máu bị tắc nghẽn, BS Dũng nói không thể có chuyện đó vì: “Cấu trúc vú là mô liên kết tuyến. Vì thế việc gây tắc mạch khi đắp mỡ bụng vào vú là không nhiều, độ tăng mỡ khiến nhồi máu và chèn phổi là không có”.
“Với những gì báo chí mô tả lại thì rất có thể nạn nhân H đã tử vong do choáng sốc sau phẫu thuật. Ngay sau khi phẫu thuật đã có hiện tượng sốc, suy trụy tuần, hoàn hô hấp nhưng lại không được hồi sức và cấp cứu kịp thời nên mới tử vong”- BS Dũng tiên định.
Không chỉ gây mê, bác sĩ còn còn theo dõi bệnh nhân 24 tiếng sau mổ để hồi sức và thực hiện cấp cứu ngay kh có những phản ứng dù nhỏ xảy ra. Bởi, nếu không theo dõi và kiểm soát thường xuyên, thì bệnh nhân có thể gặp phải các vấn đề về sốc phản vệ, sốc choáng sau mổ. Thường với những trường hợp này, bệnh nhân sẽ tử vong trong vòng từ 1,5- 2 phút.
Không thể làm kiểu “ba trong một”
Theo giới chuyên môn, gây mê và gây tê rất quan trọng trong quá trình phẫu thuật. Không thể nói gây tê, gây mê, phẫu thuật và hồi sức quá trình nào quan trọng hơn, càng không thể 1 bác sĩ thực hiện cả 3 thủ thuật vừa gây mê – vừa phẫu thuật – vừa hồi sức.
Thông tư 13/2012 của Bộ Y tế quy định chỉ những người học chuyên khoa về gây mê hồi sức mới được làm các thao tác gây mê, gây tê
Theo BS Dũng có thực trạng hiện nay, đã phần bệnh nhân thậm chí ngay chính các bác sĩ cũng chưa đánh giá đúng vai trò của thủ thuật gây mê, gây tê và hồi sức cấp cứu. Chính vì vậy mới có tình trạng, bác sĩ Tường cùng một lúc vừa gây mê, vừa phẫu thuật kiêm hồi sức.
|
Nhận định về vụ việc tại Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường, bác sĩ Dũng cho rằng: “Đây là hậu quả tất yếu bởi bản thân BS Tường không có chuyên môn về gây mê, nhưng lại dám thực hiện cùng lúc nhiều thủ thuật”.
Trong khi đó, việc gây mê, hoặc gây tê vùng bụng, vùng ngực là rất khó vì nó liên quan tới vùng nhạy cảm có dây thần kinh, hệ thống tuần hoàn, tim mạch.
“Trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ, hai thủ thuật được quan tâm nhiều nhất đó chính là thủ thuật gây tê và gây mê. Thường thì gây tê có thể được làm tại các thẩm mỹ viện tư, nhưng gây mê thì phải làm ở bệnh viện có đội ngũ bác sĩ có tay nghề và có trang thiết bị đầy đủ bởi trong quá trình gây mê, sử dụng thuốc làm người bệnh ở trong trạng thái đặc biệt, không đau nhưng có thể ảnh hưởng đến cơ hô hấp, bệnh nhân không biết gì dễ dẫn đến tử vong. Bởi vậy, khi gây mê nên đặt trong khí quản” –BS Dũng lưu ý.
Từ thực tế này, BS Dũng cũng cảnh báo: “Chị em nên cẩn trọng khi làm PTMT. Các trung tâm thẩm mỹ tư không có trang thiết bị cần thiết, thì khi bệnh nhân gặp biến chứng sẽ rất khó nhận biết và chữa trị kịp thời. Đặc biệt khi phòng hồi sức cấp cứu ở xa, việc bệnh nhân tử vong ngay trên đường đi cấp cứu là điều hoàn toàn có thể xảy ra”.