Những bi kịch đại tang trong đám cưới
Vào 1h30’ chiều 24/1, trên địa bàn xã Hóa Quỳ (huyện Như Xuân, Thanh Hóa) đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm 10 người chết, 4 người bị thương. Thời điểm trên, chiếc xe khách mang BKS 37B – 010.52 của nhà xe Vinh Anh (trú tại xóm 7, xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An) chở 13 người đang trên đường ra TP Uông Bí (Quảng Ninh) dự lễ cưới của con gái ông Đường Văn Quảng (51 tuổi, trú tại xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn). Khi đến Km605, đường Hồ Chí Minh (xã Xuân Quỳ, huyện Như Xuân), chiếc xe khách bất ngờ mất lái rồi đâm trực diện vào chiếc xe tải chạy ngược chiều khiến phần đầu hai chiếc xe mắc kẹt vào nhau, hư hỏng nặng. Trong số 13 người trên xe có 6 người tử vong tại chỗ, 3 người tử vong trên đường đi cấp cứu và thêm 1 người tử vong ở bệnh viện do chấn thương quá nặng.
Đây là vụ tai nạn đau lòng khi các nạn nhân đang trên đường đi dự đám cưới. Trước đó, vào khoảng 5h sáng 29/11/2014, trên đường tránh TP Vinh (Nghệ An) đoạn thuộc địa bàn xóm 10, qua xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc cũng xảy ra một vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng. Xe khách mang biển kiểm soát 12LD – 0056 chở 36 công nhân của Công ty Cổ phần thương mại Đông Dương, tỉnh Lạng Sơn đi vào huyện Đô Lương (Nghệ An) để ăn cưới một nhân viên khác trong công ty đã mất lái, chạy sang bên trái đường, đâm gãy nhiều cọc tiêu rồi lao xuống ruộng bùn. Vụ tai nạn đã làm 1 người chết và 23 người bị thương, xe khách bị hư hỏng nặng.
Mặc dù đã trôi qua gần 4 năm nhưng nhiều người vẫn không quên vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra vào ngày 30/3/2011, tại Km 18 + 800 khu Thường Tín – chợ Tía (thuộc địa phận xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, Hà Nội) giữa tàu hỏa chở khách với xe ôtô 16 chỗ mang BKS 20L-4564 chở đoàn ăn cưới từ Thái Nguyên về. Vụ tai nạn xảy ra khi chiếc ôtô đi từ đường thôn Đình Tổ, xã Mễ Sơn, Thường Tín ra đường Quốc lộ 1A cũ thì bị tàu hỏa đi hướng Nam - Bắc đâm vào đuôi xe. Hậu quả là 9 người trên chiếc xe khách bị tử nạn và 11 người bị thương nặng.
Trưa 22/11/2009, tại khu vực phố Nguộn (Văn Tự, Thường Tín, Hà Nội), xe khách 30 chỗ chở một đám ăn hỏi từ xã Đại Thắng khi đi qua đường ngang giao cắt với đường sắt Bắc - Nam đã va chạm với tàu hỏa ký hiệu TN1 đang lưu thông theo hướng Hà Nội – TP Hồ Chí Minh. Cú va chạm đã đẩy xe khách xoay ngang, lộn một vòng, lao thẳng vào một chiếc xe máy khiến người điều khiển tử vong tại chỗ, 7 người khác chết tại bệnh viện.
Vào ngày 27/2/2011, cũng tại địa bàn Thanh Hóa, trên tuyến Quốc lộ 45 (đoạn qua xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn), một chiếc ôtô chở 6 người quê Bắc Giang trên đường đi đám cưới bất ngờ mất lái va vào một xe tải đang lưu thông theo hướng ngược chiều khiến 3 người chết ngay tại chỗ, 5 người còn lại bị thương nặng và 2 người bị tử vong trên đường đi cấp cứu.
Trước việc có khá nhiều các vụ TNGT khi gia chủ tổ chức cưới, hỏi; một số người đã đồn thổi theo hướng huyễn hoặc, vô căn cứ rằng: Đi đón rước dâu, rể rất dễ “gặp hạn”. Tuy nhiên, các chuyên gia kịch liệt phản bác quan niệm này.
Vì sao “đại hỉ biến thành đại tang”?
TS Vũ Bằng, Giám đốc Công ty Cổ phần Nghiên cứu môi trường tia đất bảo vệ sức khỏe cho biết, trong nhiều năm qua, ông đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu về các “điểm đen” gây ra hàng loạt vụ tai nạn bí ẩn và lạ lùng. “Những vấn đề này đều có thể giải thích được bằng khoa học nên yếu tố mê tín dị đoan chúng ta cần loại bỏ”, TS Vũ Bằng thẳng thắn.
Hiện TS Vũ Bằng là chủ nhiệm đề án “Nghiên cứu tìm nguyên nhân và giải pháp triệt tiêu điểm đen TNGT trên Quốc lộ 5 đoạn qua địa phận tỉnh Hải Dương”. TS Vũ Bằng đã đưa ra các giải thích có cơ sở khoa học về các vụ tai nạn nói chung và vụ tai nạn thảm khốc xảy ra với gia đình ở Anh Sơn (Nghệ An) trong khi đi đám cưới là do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Theo TS Vũ Bằng, trong số 11 nguyên nhân gây ra TNGT và các “điểm đen” TNGT thì nguyên nhân từ trường dị thường (chiếm 19%) đóng vai trò trọng yếu không thể bỏ qua. Từ trường dị thường có nguồn gốc từ hiện tượng lưu lại ở mặt đường do nhiễm từ của những nạn nhân chết vì TNGT và tia đất (từ trường có nguồn gốc của các dị thường địa chất – cấu trúc địa chất). “Hai loại từ trường này gây hại cho người tham gia giao thông khi rơi vào trường hợp bị từ hóa sẽ biến họ từ ý thức sang vô thức và khi đó TNGT là khó tránh khỏi. Những nguyên nhân được cho là “mất lái” của cơ quan điều tra ở nhiều vụ tai nạn đã xảy ra từ trước đến nay ít nhiều có liên quan đến “cái chết đột ngột” của phương tiện giao thông là do tia đất và dị thường từ gây nên”, TS Vũ Bằng nói.
Cùng quan điểm với TS Vũ Bằng, TS Vũ Thế Khanh- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người (UIA) sau nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực tâm linh, ngoại cảm cho rằng, nếu nói về những “điều phạm” khi đi đám cưới dẫn đến tai nạn là mê tín dị đoan. “Đọc thông tin và kết luận điều tra của các cơ quan chức năng, tôi thấy nhiều vụ xảy ra đầu tiên là do ý thức của người tham gia giao thông như uống rượu bia, lái nhanh, vượt ẩu, xe không đảm bảo chất lượng hoặc tâm lý vui vẻ, quá khích tác động đến lái xe khiến cho việc điều khiển mất an toàn. Sau đó là do tác động khác của môi trường, phương tiện tham gia giao thông và nhiều vấn đề khác nữa”, TS Vũ Thế Khanh nói.
“Về mặt tâm linh, tín ngưỡng của người dân, tôi cho rằng đây cũng chính là một phần nguyên nhân. Bởi vì sao? Vì chúng ta khi tổ chức cưới hỏi đều xem ngày, tháng, tốt xấu. Ngày lễ thì cái gì cũng bận rộn nên để cho kịp giờ đón dâu, ăn hỏi, nhiều người nhà giục tài xế chạy nhanh, chạy ẩu nên dẫn đến tai nạn. Cho nên theo tôi, ngoài các nguyên nhân khách quan khác, để chuyện “đại hỉ không biến thành đại tang”, trong lễ cưới hỏi, cũng cần chuẩn bị sớm về các phương án đi lại, giờ giấc thật thoải mái”, TS Vũ Thế Khanh cho biết.