Liên tục mơ về “ngày đen tối”
Chúng tôi vào khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) thăm anh Nguyễn Văn Nam (SN 1982, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) có vợ bị tông chết trên đường đi sinh.
Thấy người lạ đến thăm, anh Nam khó nhọc ngồi dậy. Trước mắt chúng tôi vẫn là người đàn ông phờ phạc, nửa chiếc chân phải được bó băng trắng. Tuy nhiên, thông qua ánh mắt, anh đã vơi đi phần nào lo sợ, hoảng hốt của những ngày đầu gặp mặt.
Anh Nam chia sẻ, 20 ngày trôi qua nhưng vẫn không thể quên được ngày định mệnh chở vợ đi sinh."Nhiều đêm, mới chợp mắt được một tí tôi giật thót người khi mơ thấy cảnh tượng kinh hoàng ấy. Thế là tôi lại dậy, thao thức cho đến sáng”, anh rơi nước mắt kể lại.
Dù biết, hành động này của mình là không tốt, sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng anh Nam vẫn không thể làm gì được. Cảnh tượng vợ hướng mắt nhìn về phía con trai mới bị văng khỏi bào thai rồi nhắm mắt ra đi cứ ám ảnh hoài. “Có lẽ, từ nay cho đến cuối đời, tôi cũng không thể xòa được ám ảnh này. Tôi chỉ mong, cô ấy ở dưới suối vàng có thể an nghỉ”, anh rơi nước mắt.
Khi được hỏi về bệnh tình, anh Nam bảo: “Khi vụ tai nạn xảy ra, tôi cứ nghĩ mình sẽ không vượt qua được, bởi vợ đã chết, con trai sơ sinh cũng đang cơn nguy kịch. Tuy nhiên, sau đó, được sự động viên của người thân và đội ngũ y bác sĩ tôi đã nghĩ lại. Tôi vẫn còn hai đứa con. Tôi phải sống để lo cho hai cháu. Có lẽ, vợ tôi cũng đang dõi theo và muốn tôi mạnh mẽ để chăm lo cho các con”.
Lo lắng cho tương lai
Từ khi nhập viện đến nay, con gái đầu là Nguyễn Thị Cẩm Huyền (5 tuổi) có vào thăm anh hai lần. Lần đầu tiên là sau ba ngày vụ tai nạn xảy ra. Lúc đó, do chiếc chân bị cụt nên bé không dám đến gần. Anh nhìn thấy con xa lánh, ánh mắt bọng nước mà lòng đau như có ai xát muối.
Lần thứ hai, cháu Huyền đến thăm, dù còn sợ hãi nhưng vẫn đến gần cha. Lúc đó, cháu ôm chầm anh và bảo: “Cha nhanh khỏi bệnh, bồng em về với con. Con nhớ cha”. Chỉ chừng ấy thôi mà lòng anh thắt lại. Anh vừa mừng, vừa lo. Mừng bởi con gái đã chấp nhận một người cha thương tật. Lo là không biết tương lai rồi đây mình sẽ làm gì để nuôi hai con.
Đưa ánh mắt nhìn ra xa, anh Nam chia sẻ: “Nói thì nói vậy thôi. Tôi là bờ vai của hai đứa con. Tôi không thể gục ngã. Trở về, tôi sẽ cố gắng lao động để kiếm tiền nuôi con. Tôi biết, điều này là rất khó nhưng không phải là không thực hiện được”. Tuy nhiên, khi được hỏi: “Anh đã có dự định gì khi xuất viện chưa?”. Anh lại lặng người. Sự im lặng kéo dài như chính băn khoăn của anh.
Anh Nam cũng chia sẻ, bác sĩ cho biết, do sức khỏe đã bình phục nên vào thứ bảy tới có thể xuất viện. Tuy nhiên, về nhà, anh vẫn phải chịu khó tập đi bằng nạng và uống thuốc đầy đủ theo tòa của bác sĩ. Trong khoảng một tháng nữa, khi vết thương teo lại, anh có thể ráp chân giả.
“Trước tiên, khi xuất viện, tôi sẽ tới bệnh viện Nhi Đồng 1 để thăm con trai của mình. Cháu ra đời đã phải chịu cảnh đau đớn. Trong khoảng thời gian khó khăn qua, tôi là cha nhưng không có bên cạnh cháu. Đó là một thiệt thòi cho cháu và cũng là điều đáng tiếc khiến tôi suy nghĩ trong suốt thời gian qua”, anh chia sẻ.
Trước đó, ngày 25/10, anh Nguyễn Văn Nam chở vợ là Nguyễn Thị Kim Ngọc đến bệnh viện Đa khoa thành phố Long Xuyên sinh con. Khi đến Quốc lộ 91, đoạn qua phường Mỹ Thới thì bị xe trộn bê tông do Đỗ Công Vũ (39 tuổi, ngụ phường Mỹ Bình, thành phố Long Xuyên) điều khiển chạy cùng chiều từ phía sau đâm tới. Hậu quả, chị Ngọc tử vong, còn thai nhi văng ra ngoài với một chân bị đứt lìa. Anh Nam bị bánh xe nghiền nát chân và phải cắt bỏ 1/3 chân phải.