Gói bánh tét
Khi chúng tôi quay trở lại xã Trà Phong, huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) thì cũng là lúc cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh đang tất bật làm bánh tét ăn Tết.
Gặp khách, "người rừng" Hồ Văn Lang cười cười chào hỏi rồi vội vã mang nồi gạo nếp ra phía sau nhà. Tỏ ra rất “sành” chuyện bếp núc, anh vặn vòi nước vo gạo để chuẩn bị gói bánh. Lần đầu tiên đón tết cổ truyền, dù chưa hiểu rõ về phong tục của dân tộc mình nhưng Lang cũng đã biết cái tết này khác xa với cái tết nơi rừng sâu trước kia. Vừa vo gạo, "người rừng" Lang vừa nói: “Trôt xa tet gô”. Thấy chúng tôi lớ ngớ không hiểu, anh Hồ Văn Tri (em ruột anh Lang) dịch giúp: “Anh Lang nói là ảnh rất thích tết đó anh. Trôt là thích. Xa tet là tết. Gô là tôi”.
Nghe xong, Lang cười rồi cúi xuống vo gạo tiếp. Xong xuôi, anh lại đi lo lá chuối gói bánh tét. “Người rừng” Hồ Văn Thanh (cha Lang) cũng xắn tay vào phụ giúp.
Anh Tri hướng dẫn cho cha và anh trai cách làm bánh. Những chiếc bánh tét do cha con “người rừng” gói cũng rất xinh xắn, mùi gạo nếp thơm lừng tỏa ra rất hấp dẫn.
Ngồi trước phòng khách trong ngôi nhà mới khang trang, khuôn mặt hai cha con “người rừng” rất tươi. Lang lúc nào cũng cười, nụ cười của anh hồn nhiên như một đứa trẻ thơ lần đầu tiên nhận biết thế nào là tết. Bởi lẽ, dù đã 43 tuổi nhưng từ khi được sinh ra và theo cha vào sống trong rừng đến tận giờ, chưa có khoảnh khắc nào anh được “nếm" hương vị ngày tết, cũng chưa khi nào Lang tự tay gói bánh tét để ăn tết cả.
Lang bảo, hồi giờ cha con sống trong rừng, tách biệt với thế giới loài người, anh và cha chỉ biết một cái tết duy nhất đó là Tết Ngã rạ. Nhưng đến tết, hai cha con cũng không làm bánh. Họ chỉ mang vài con cá khô, thịt chuột và bắp, gạo ra nấu một bữa ăn đón Tết Ngã rạ.
“Thích ở lại làng”
So với ngày mới về làng, "người rừng" Hồ Văn Lang đã khá “sành sỏi”. Anh đã biết được rất nhiều thứ trong sinh hoạt đời thường. Chỉ có điều, Lang chưa nói rành rọt được tiếng đồng bào Cor. Ngồi bên các con, “người rừng” Hồ Văn Thanh vẫn rất ít nói, hiếm khi ông bắt chuyện với những người xung quanh. Dù vậy, cử chỉ và hành động của ông đã khác hẳn so với ngày được đón về từ rừng.
Chúng tôi hỏi Lang có thích trở lại rừng sống không thì Lang lắc đầu liên tục: “Trôt plây gô. Pe trôt man mơq gôk”. Anh Tri lại dịch: “Anh Lang nói là bây giờ thích ở làng chứ không thích ở trong rừng nữa”.
Bây giờ cuộc sống của cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh - Hồ Văn Lang ở làng thôn Trà Nga, xã Trà Phong rất tốt. Họ được tặng nhà mới, lại còn được tặng trâu để nuôi. Bà con trong làng ai ai cũng nhiệt tình giúp đỡ để cha con họ bắt đầu cuộc sống mới, từ bỏ những tháng ngày sống nơi rừng thiêng nước độc.
Như biết được thế nào là vui xuân, đón tết, Lang cầm lọ hoa mai giả sửa lại rồi nói là ở trong rừng không có loại hoa như thế này. “Trôt xa tet gô” – anh lặp lại lời nói của mình khi đất trời sắp bước sang xuân.