Tròn 5 tháng, kể từ khi được đưa trở về cộng đồng, chúng tôi có dịp trở lại thăm cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang. Trong ngôi nhà nhỏ vừa được các tổ chức từ thiện xây tặng, nằm cách trung tâm huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) khoảng vài cây số, cuộc sống hai cha con “người rừng” đã có nhiều đổi thay.
Cùng bà con nhóm lửa, gói bánh
Lúc chúng tôi đến, “người rừng” con Hồ Văn Lang đang bổ củi, nhóm lửa và gói bánh lá dong, chuẩn bị cho những ngày Tết sắp tới. Những người hàng xóm cũng kéo về nhà anh Lang, chia sẻ niềm vui cùng gia đình.
Anh Hồ Văn Tri (em anh Lang) nói: Anh ấy không biết Tết là gì đâu. Nhưng nghe mình nói, mình kể, anh Lang rất vui, phấn khởi. 43 tuổi đời nhưng phải theo cha vào rừng sống 40 năm, anh chưa một lần được ăn cái Tết đúng nghĩa. “Anh Lang kể, ở trong rừng cũng có Tết nhưng không phải Tết của người Kinh mà là Tết Ngã rạ của người Kor. Mỗi năm ông già (ông Thanh-PV) làm Tết Ngã rạ một lần. Vật phẩm chủ yếu đi bắt ếch, chuột về nướng, nấu nếp đem ra cúng thần linh. Sau khi cúng Tết Ngã rạ xong, sẽ bắt đầu xuống giống vào vụ mùa mới. Còn Tết của người Kinh thì anh Lang chưa trải qua nên nghe ăn Tết, mổ gà, giết heo anh Lang phấn khởi lắm”, anh Tri kể.
Để cùng với bà con xung quanh, anh Lang cùng vào gói bánh, nhóm lửa chuyện trò bằng những từ ngữ ngắn gọn như “chúc mừng năm mới”, “năm mới vui vẻ”. Dù không nói thành thạo bằng tiếng Kor, tiếng Kinh nhưng ai nói gì, bảo gì anh cũng hiểu. Chúng tôi hỏi: “Thích ở đây hay ở rừng ?”, anh cười thiệt tươi, gật đầu tỏ vẻ ưng ở lại đây hơn.
Anh Hồ Văn Tri kể, từ lúc được đưa từ rừng về đến nay, anh Lang đã biết nhiều thứ. “Bây giờ anh ấy còn biết tự đi rừng, tự làm mọi việc trong nhà như quét sân, xách nước, dọn nhà cửa… Bà con hàng xóm thấy vậy, thường tới đây nhờ vả anh đi dựng nhà, làm rẫy. Anh sống rất vui vẻ, hòa nhập nhanh với mọi người. Ai nói, hỏi gì cũng cười”, anh Tri kể.
Còn về phần “người rừng” cha Hồ Văn Thanh từ khi trở lại cộng đồng ông ít tiếp xúc với người xung quanh nhưng ông cũng bắt đầu nói chuyện bằng vài tiếng Kor khi nghe bà con xung quanh hỏi. Thấy cảnh người đông, xum tụ, tất bật trong những công việc đón Tết ông Thanh cũng cùng vào gói bánh, thổi lửa cho nồi bánh mau chóng được chín.
Chị Hồ Thị Nhung (vợ anh Tri) cho biết, thời gian đầu trở về, ông cụ ăn xong vào phòng ngồi co ro, không nói không rằng. Bây giờ, ông cụ thường đi dạo quanh nhà, thỉnh thoảng nói chuyện với anh Lang. Ông cụ còn một mình vót chông, tìm bắt chuột, trồng thuốc lá quanh nhà. Khi có người lạ tới, ông đi vô nhà, không làm nữa.
Khắc khoải căn nhà lá trên cây
Cũng theo chị Nhung, dù trở về khá lâu nhưng ông cụ vẫn không nguôi nỗi nhớ rừng, nhớ rẫy, nhớ căn chòi lá trong rừng. “Có đêm ông cụ ngồi dậy rồi bần thần nhớ về những lúc xưa. Ông cụ còn thỉnh thoảng bỏ ra chồ chất củi ngủ. Mới đây, ông lại tự một mình chôn cây, làm chòi trên cao. Anh Tri hỏi nhưng ông không nói. Nhưng mình biết ông đang làm lại căn chòi giống như trong rừng cho đỡ nhớ”, chị Nhung kể.
Riêng anh Lang, khi nghe chúng tôi hỏi: “Có muốn về rừng không?”, anh lắc đầu và nói: “Không thích ở rừng nữa”. “Có muốn lấy vợ không?”, anh chỉ cười. “Mặc dù trong suy nghĩ của anh Lang giống như một đứa trẻ mới lớn nhưng anh biết hổ thẹn, ngại ngùng. Mình chỉ cho anh người con gái nào có chồng rồi, anh không thích bỏ đi, chỉ người nào chưa có chồng, anh cười thích thú… Đợi đến qua Tết, tôi sẽ nhờ bà con tìm vợ cho anh để cuộc sống ổn định hơn”, anh Tri tâm sự.
Trong suốt buổi nói chuyện, anh Hồ Văn Tri luôn tỏ vẻ vui mừng vì thấy cha cùng anh trai hòa nhập nhanh chóng cùng gia đình, đồng bào xung quanh. “Tết này gia đình rất vui vì cha và anh Lang về ăn Tết, không ở rừng nữa. Mong rằng Tết sau cũng như thế”.
Những người hàng xóm, lũ trẻ làng cùng nắm tay anh Lang đưa đi thăm Tết bà con lối xóm xung quanh. Đi đến đâu anh Lang cũng nhận được sự tiếp đón ân cần, niềm nở. Đáp lại, anh Lang luôn nhoẽn miệng cười và nắm tay bà con. Không quên nói câu cửa miệng của lũ trẻ bày cho: “chúc mừng năm mới”, “năm mới vui vẻ”.