Chồng chết vì mâu thuẫn với vợ
Từng có một gia đình nhưng vì gặp nhiều mâu thuẫn nên anh Trần Văn Phát (SN 1969, quận 8, TP.HCM) quyết định ly hôn. Gia đình ly tán, anh không muốn con phải chịu đựng thêm quá nhiều thiệt thòi nên chấp nhận cho vợ nuôi con.
Còn quá trẻ, anh Phát luôn khao khát có một người phụ nữ yêu và hiểu mình. Một thời gian sau, trái tim anh lại thổn thức trước vẻ đẹp của chị Mai Thị Cẩm Lệ. Chị Lệ cũng là người đã từng qua một lần đò và đang nuôi con riêng. Hai người được gia đình chấp thuận. Họ làm lễ kết hôn chỉ với vài ba bàn tiệc trước sự chứng kiến của hai gia đình.
Ban đầu, vợ chồng anh Phát khá hạnh phúc. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian, giữa hai người thường xảy ra mâu thuẫn. Ngày 18/4/2010, trong lúc mâu thuẫn, anh Phát dùng tay tát vào mặt vợ. Chiếc nhẫn trên tay anh Phát vô tình làm rách da mặt vợ. Thấy vợ chảy máu, anh vội vàng chở đến bệnh viện khâu vết thương.
Em trai chị Lệ là Mai Hoàng Phong nghe chị gái bị đánh nên chở mẹ sang. Thấy trong nhà không có ai, lại đang bực mình, Phong dùng cây đập bể ti vi và tủ lạnh rồi bỏ về. Hôm sau, mẹ chị Lệ không cho vợ chồng Phát ở trong nhà nữa nên lấy áo quần vứt ra trước sân.
Chiều 19/4/2010, có hai người phụ nữ đến yêu cầu chị Lệ trả tiền cho mình vì anh Phát đã mượn trước đó. Lúc này có mẹ của chị Lệ và Nguyễn Yên Vũ chứng kiến. Nhận tiền, hai người phụ nữ bỏ đi. Vũ mang theo cây móc sắt tìm đến nhà Phát để đánh.
Theo cáo trạng, cháu họ của chị Lệ là Dương Chí Tâm (tự Tý, SN 1991, TP.HCM) cũng lấy một con dao giấu trong túi quần đi theo. Chừng 18 giờ cùng ngày, Vũ gặp anh Phát rồi hai bên lao vào đánh nhau. Trong lúc xô xát, nghe Vũ kêu cứu, Tâm xông vào can. Anh Phát đánh vào Tâm. Bực mình, Tâm rút dao ra đâm khiến anh Phát tử vong. Sau đó, Tâm đem con dao về nhà cất giữ.
Phiên tòa có một không hai
Trước đây, TAND TP.HCM mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử và tuyên phạt Tâm chung thân về tội Giết người. Vũ 2 năm tù về tội Gây rối trật tự công cộng và Phong 1 năm tù về tội Hủy hoại tài sản. Trong thời gian luật định, Tâm kháng cáo kêu oan. Phong xin giảm nhẹ hình phạt. Điều bất ngờ là ông Trần Văn Xuân, cha của anh Phát viết đơn kháng cáo kêu oan cho Tâm.
Ngày 21/10/2014, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM mở phiên tòa phúc thẩm đối với Tâm và Phong. Đứng trước vành móng ngựa, Phong khai mình không hề phạm tội giết người, cáo trạng truy tố bị cáo cầm dao đâm anh Phát là không đúng. “Trước đây, trong phiên tòa sơ thẩm, bị cáo cũng khai như vậy”, Tâm lớn tiếng.
Tâm khai, khi thấy Vũ đến nhà anh Phát thì mình cũng đi theo. Tuy nhiên, Tâm không lấy bất kì con dao nào bỏ vào túi quần. Trong lúc xô xát, thấy Vũ kêu cứu, Tâm chạy đến can ngăn chứ không hề dùng dao đâm nạn nhân.
Vũ cũng thừa nhận, trong lúc đánh nhau bị anh Phát đánh vào đầu gây ngã. Vũ có kêu: “Tý ơi! Cứu dượng Năm với”. Sau đó, Tâm xông vào can ngăn. “Tôi chỉ biết thế. Còn việc Tâm có đâm anh Phát hay không thì không nhìn thấy”, Vũ khai.
Mặc dù phiên tòa phúc thẩm nhưng có đến 10 nhân chứng được mời tới. Trong đó, có hai người chưa hề được lấy lời khai. Cả mười người đều cho biết không nhìn thấy Tâm dùng dao đâm anh Phát. Đặc biệt, có một nhân chứng mới cho hay, khi nghe Vũ kêu thì thấy Tâm chạy vào. Tuy nhiên, anh cũng không hề thấy Tâm đâm và cũng không thấy bị cáo đem dao về nhà cất.
Được mời lên có ý kiến, ông Xuân vẫn một mực giữ yêu cầu kháng cáo. Ông cho biết, từ trước đến nay, ông không tin Tâm là người sát hại con trai mình. Do đó, trong phiên tòa sơ thẩm, ông viết đơn xin cứu xét cho bị cáo. Đến phiên tòa phúc thẩm, ông đề nghị Tòa hủy án để điều tra, xét xử lại. “Tôi vẫn cho rằng Tâm không phải là kẻ cố tình cầm dao đâm chết con trai tôi. Vả lại, tất cả các nhân chứng đều khẳng định không thấy Tâm đem dao về nhà cất như hồ sơ vụ án ghi”, ông Xuân khẳng định.
Hôm đó, HĐXX nhận thấy có nhiều tình tiết mới thể hiện Tâm không phải là người thực hiện hành vi như cáo trạng quy kết. Để tránh oan sai, xử đúng người đúng tội, Tòa chấp nhận tuyên hủy một phần bản án, trả hồ sơ điều tra lại đối với hành vi của Tâm. Riêng bị cáo Phong được chấp nhận chuyển từ 1 năm tù giam sang tù treo.