Khi người tình mang con đến tận nhà trả với lời nhắn nhủ: “Em đã dính H, gửi lại anh đứa con của tình yêu…”, Bùi Văn Chung, SN 1979, trú tại xã Phú Lương, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình nhìn vào đứa bé trai mang nhiều nét giống mình mà lòng đầy lo sợ và toan tính. Trong đầu óc người bố đó đã lóe lên ý định thiếu lương tri: “Hay là vứt đứa trẻ này xuống suối…”.
Ý nghĩ điên rồ, thất đức đó đã được người em họ của Chung là Bùi Văn Nịnh, SN 1979, trú cùng địa chỉ nhận lời thực hiện.
Hành vi vô nhân tính
Bùi Văn Chung là người dân tộc Mường được sinh ra trong gia đình đông con nên chỉ được học hết lớp 3. Cũng như bao thanh niên trong làng, khi trưởng thành Chung đi làm thợ để có thể tự mình trang trải cuộc sống. Năm 2004, Chung cưới vợ và sinh liền hai con. Nhà thêm người, việc làm ở quê không có nên kinh tế gia đình Chung càng eo hẹp, vợ chồng vì thế mà thường xuyên “đá thúng đụng nia”. Năm 2009, Chung quyết định rời quê xuống huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh làm công nhân theo lời giới thiệu của một người bạn. Ngày chia xa vợ con, Chung hứa xuống đó cố gắng làm lụng lấy vài năm, về có chút vốn làm ăn để vợ con bớt khổ…
Ấy vậy, sau buổi chia xa đó, xuống Đông Triều chẳng được bao lâu, Chung đã dính vào mối quan hệ tình ái với một cô gái người huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh và chuyển đến ở với cô này như vợ chồng. Cũng chưa đầy 1 năm sau khi rời nhà đi làm ăn, người tình của Chung là chị T.T.T đã sinh hạ một cậu con trai kháu khỉnh. Lúc đầu, biết chị T sinh con, lòng Chung cũng chẳng mấy nghĩ suy. Chung cho rằng: “Có con thì mẹ nó nuôi, vợ ở quê không thể biết” nên vẫn điềm nhiên đến chăm sóc “bồ nhí” ở BV trong thời gian chị này sinh nở.
Con được vài chục ngày, bất chợt Chung bỏ việc về quê và… ở hẳn. Về phía chị T, thời gian này phát hiện mình bị nhiễm HIV và biết mình không có khả năng nuôi con nên đã nhiều lần liên lạc với Chung nhưng anh ta không nghe máy. Chẳng còn cách nào, ngày 8-2-2010, chị T đã bắt ô tô khách, bồng con tìm về tận nhà bố mẹ Chung để “trả con”. Lúc chị T về nhà Chung, anh ta đi vắng không có nhà. Cho đến khoảng 19g cùng ngày, khi về, Chung nghe tiếng đứa trẻ “oe oe” khóc trên giường của bố mẹ. Mới liếc qua, Chung biết ngay đứa trẻ đó là con mình. Bố mẹ Chung cũng kể lại toàn bộ sự việc cho con trai nghe về việc có một phụ nữ từ Quảng Ninh vừa đi ra khỏi…
Nhìn đứa con, nhìn bố mẹ già lại ngẫm về người vợ chính thức và 2 con thơ, trong phút chốc Chung bấn loạn: “Rồi vợ con mình sẽ phản ứng ra sao? Hai con còn không nuôi được, giờ thêm đứa nữa chắc chết!”… Những ý nghĩ đó cứ quẩn quanh trong đầu Chung và hắn ta đã đi đến một lựa chọn lạnh lùng: “Sẽ để đứa bé lìa đời…”.
Chưa dứt ra khỏi dòng suy nghĩ thì Bùi Văn Nịnh, là em họ của Chung đến nhà chơi. Chung mời Nịnh ở lại uống rượu cho vui và Nịnh đồng ý. Tàn rượu, Chung gọi điện cho mẹ đứa bé, định rằng sẽ hỏi xem ý cô như thế nào để biết đường xử lý nhưng đầu dây bên kia không nhấc máy. Lúc này, Chung đã quyết định bỏ đứa trẻ nên hắn quay sang tâm tình thật lòng với Nịnh, rằng mình trót có con riêng và giờ sẽ đi tìm mẹ nó để trả lại. Nịnh nghe vậy, không hỏi lại câu gì và đồng ý bế đứa trẻ ngồi sau xe Chung để “đi tìm mẹ nó”. Khi ngang qua ngầm suối Trang, thuộc xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, bất ngờ Chung dừng xe quay lại nói với Nịnh: “Thằng bé này bị bệnh không nuôi được. Nếu mang cho người khác nuôi thì dễ lây bệnh nên bỏ nó đi thôi…”. Chung vừa dứt lời, Nịnh đáp: “Thế chỉ còn cách vứt xuống suối”. Chỉ chờ thế, Chung thúc giục: “Thế thì làm đi…”. Thế là, Nịnh bế đứa trẻ xuống xe rồi lội xuống suối, dùng tay kết liễu cuộc đời cháu nhỏ xấu số, quăng xác cháu bé ra xa…. Sau đó, Nịnh quay trở lại nói với Chung về việc mình vừa làm và hai tên điềm nhiên đi về nhà…
Hai ngày sau, xác đứa trẻ được người dân phát hiện và báo cơ quan chức năng. Vào cuộc điều tra, lực lượng CSHS, CA tỉnh Hòa Bình xác định đây là vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng vì trên thi thể của cháu bé có nhiều dấu vết của tác động ngoại lực. Nguyên nhân cái chết của cháu cũng được xác định là do chấn thương sọ não kín.
Bản án lương tâm
Vì đứa trẻ nhìn rất lạ mặt, vụ án xảy ra lại không có nhân chứng nên quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn. Sau khi CQCA hoàn tất thủ tục khám nghiệm, thi thể cháu bé tội nghiệp mới 34 ngày tuổi này đã được những người dân tại xóm Cọ, xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình tổ chức mai táng theo phong tục.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, sau thời gian dài rà soát, sàng lọc, tìm hiểu các mối quan hệ của những đối tượng nghi vấn, đến đầu tháng 8-2010, tức sau gần 6 tháng liên tục điều tra, Cơ quan CSĐT, CA huyện Lạc Sơn phối hợp CA tỉnh Hòa Bình mới xác định được thủ phạm gây nên vụ án chính là bố đẻ của đứa trẻ tên Bùi Văn Chung và một đối tượng cùng làng với Chung là Bùi Văn Nịnh.
Tại CQĐT, Chung và Nịnh đã khai nhận mọi hành vi của mình. Chung biện hộ: “Do lúc đó cuống quá, với lại cháu bé mắc bệnh nên mới nảy sinh ý đồ độc ác như vậy”. Còn Nịnh thanh minh: “Thấy anh họ nhờ nên không hỏi rõ, với lại đằng nào cháu bé cũng không sống được…”. Lời biện hộ của hai đối tượng này càng chứng tỏ bọn chúng quá coi thường tính mạng con người, có lối sống vô lương tâm, vô đạo đức. Vì sa đọa, không kiểm soát được mối quan hệ tình cảm của mình mà Chung đã có con với người phụ nữ khác và khi người này mang con đến gia đình yêu cầu Chung nuôi nấng con mình thì hắn rũ bỏ, trốn tránh trách nhiệm bằng cách phũ phàng xóa hết mọi “dấu vết” là tước đi sự sống của chính giọt máu của mình; còn Bùi Văn Nịnh trở thành kẻ giết người không ghê tay khi trực tiếp xuống tay với cháu nhỏ vô tội….
Nhận định hai bị cáo sinh sống ở vùng cao, trình độ nhận thức hạn chế (Nịnh mù chữ), thành khẩn khai báo hành vi phạm tội tại CQCA và tại phiên tòa; song, chừng đó yếu tố không thể “cứu” được Chung và Nịnh vì hành vi của chúng gây nên là quá dã man, vô nhân đạo. Bởi vậy, tại phiên xét xử ngày 23-3-2011, TAND tỉnh Hòa Bình đã tuyên Bùi Văn Chung 19 năm tù; Bùi Văn Nịnh 18 năm tù về tội Giết người.
Sau khi đi thụ án tại trại giam, có lẽ bản án của lương tâm đè quá nặng nên phạm nhân Bùi Văn Chung đã tử vong do tâm bệnh. Còn Bùi Văn Nịnh thì từ ngày bị bắt cho đến khi vào trại, cũng chưa một lần được gặp người thân. Những lúc cô đơn nhất, Nịnh chỉ biết nhờ bạn tù giúp mình viết lên những dòng tâm tư, suy nghĩ, nhớ thương để gửi về cho vợ con, những mong được vợ con tha thứ. Thế nhưng, nhiều cánh thư do Nịnh điểm chỉ phía dưới được gửi đi mà chưa một lần có hồi đáp. Nói về tội ác tột cùng và cũng là nỗi đau tột cùng của đời mình, Bùi Văn Nịnh chỉ biết lí nhí nói lời: “Ân hận”….