Đến tối 25-12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng vẫn tiếp tục tạm giữ hình sự để điều tra mở rộng đối với ông Nguyễn Thanh Lèo - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Sóc Trăng và ông Trần Văn Tân - giám đốc Trung tâm đào tạo lái xe loại 3.
Theo thông tin ban đầu, khi làm việc với cơ quan điều tra, tinh thần ông Lèo hoảng loạn, liên tục ôm mặt khóc và đòi tự tử. Riêng ông Tân thừa nhận hành vi đánh cờ ăn tiền nhưng số tiền không nhiều. Sáng 25-12, tinh thần ông Tân vẫn tỉnh táo, thậm chí có biểu hiện thách thức cơ quan điều tra, nhưng đến cuối buổi chiều, khi biết vụ việc được báo chí thông tin, tinh thần ông này đã suy sụp.
Sáng cùng ngày, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng cũng triệu tập Nguyễn Thanh Truyền (con ông Nguyễn Thanh Hùng, còn gọi là Hùng “cải lương” - đã trình diện cơ quan điều tra trước đó). Truyền là người được ông Hùng giao đứng tên một số lô đất xiết nợ của ông Lèo ở P.2, TP Sóc Trăng.
Đôi bạn “công nông”
Theo tìm hiểu, cả ông Lèo và ông Tân đều là học sinh bổ túc văn hóa công nông Sóc Trăng, học đến lớp 9 và sau đó có những sự thăng tiến về công danh khá ngoạn mục.
Những năm 1990, ông Lèo là cán bộ của huyện Thạnh Trị và sau đó được điều về làm trưởng ban điều hành vận tải thị xã Sóc Trăng (nay là TP Sóc Trăng), rồi lần lượt được điều về làm trưởng Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng thị xã Sóc Trăng, bí thư Đảng ủy P.6 (thị xã Sóc Trăng).
Một cán bộ nguyên là lãnh đạo thị xã Sóc Trăng cho biết trong lúc làm việc tại đây (hơn 10 năm), ông Lèo ứng cử vào ban chấp hành đảng bộ thị xã liên tiếp trong hai nhiệm kỳ (2000-2005 và 2005-2010) nhưng đều bị rớt.
Thời điểm 2005, ông được đề bạt chức phó chủ tịch UBND thị xã Sóc Trăng nhưng không được ủng hộ. Nguyên nhân do ông sinh con thứ ba và tai tiếng trong chạy chọt dự án. Vị cán bộ này cho rằng ông Lèo là người có năng lực nhưng không được cán bộ tín nhiệm và ông Lèo “có nhiều tiền nhưng không rõ vì sao”. Làm bí thư Đảng ủy P.6 khoảng một năm thì ông Lèo được bổ nhiệm làm phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Sóc Trăng, khiến nhiều người dân ở Sóc Trăng bất ngờ vì sự thăng tiến quá nhanh của ông này.
Điểm xuất phát của ông Tân có khác hơn. Khi mới tách tỉnh Hậu Giang (năm 1992) thành hai tỉnh Sóc Trăng và Cần Thơ, ông Tân là lái xe của Sở Thương mại tỉnh Sóc Trăng. Thời điểm này ông trúng năm tờ vé số và sau đó cưới con của một “đại gia” ở Sóc Trăng.
Nhờ mối quan hệ khá rộng nên ông nhanh chóng được cất nhắc. Cụ thể, ông liên tiếp đảm nhận các chức vụ như quản đốc Nhà máy bia Sài Gòn - Sóc Trăng, rồi được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng Trường Kỹ thuật nghiệp vụ giao thông vận tải ĐBSCL tại Sóc Trăng và thời gian gần đây là giám đốc Trung tâm đào tạo lái xe loại 3 của tỉnh Sóc Trăng.
Những chuyện “lùm xùm”
Khi giữ chức trưởng Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng thị xã Sóc Trăng, ông Lèo đã cho thành lập Công ty cổ phần xây dựng Phú Lộc (ở thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) do người thân ông đứng tên. Hơn 10 năm nay công ty này độc quyền chuyên cung cấp cống, gờ bó vỉa hè... cho các tuyến đường trên địa bàn tỉnh.
Sự kiện lùm xùm nhất là năm 1998, lúc này chính quyền thị xã Sóc Trăng tổ chức việc cải tạo hàng loạt vỉa hè và đều sử dụng vật liệu do Công ty cổ phần xây dựng Phú Lộc cung cấp với số tiền hàng chục tỉ đồng. Do làm bó vỉa hè quá cao so với mặt đường khiến xe máy của người dân vướng lốc máy nên bị phản ứng. Sau một thời gian sử dụng không phù hợp nhu cầu thực tế, hiện nay phần lớn vỉa hè đều bị dỡ bỏ để lát lại.
Ông Lèo còn liên quan tới vụ chiếm lô đất trên 2.000m2 nằm ven quốc lộ 1 (P.2, TP Sóc Trăng). Sau nhiều năm người bị chiếm đất khiếu nại nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết xong. Ông Lèo được giới làm ăn “bái phục” với biệt tài săn lùng đất đai, đón đầu các dự án xây dựng trên địa bàn Sóc Trăng.
Một lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc ở Sóc Trăng cho biết ông Lèo sở hữu rất nhiều đất đai thuộc các dự án sau đó lãnh tiền đền bù hoặc bán lại để hưởng lợi.
Ông Tân cũng tỏ ra không thua kém khi được biết đến là một người nắm trong tay nhiều nhà hàng, quán nhậu ở TP Sóc Trăng và là một tay chơi ôtô hạng sang. Ông Tân là chủ nhà hàng hải sản Cánh Buồm (trước đây có tên là Ra Khơi) ở đường Lê Duẩn, quán cà phê Cánh Buồm Xanh trên đường Nguyễn Văn Linh vừa sang lại từ một chủ khác với giá 7 tỉ đồng. Riêng nhà hàng hải sản Cánh Buồm ngày khai trương đã gây chú ý bởi sự có mặt của đội lân sư rồng và một số ca sĩ nổi tiếng ở TP.HCM.
Ông Tân còn là chủ một cơ sở giết mổ gia súc tập trung ở P.5, TP Sóc Trăng. Cơ sở này cũng xảy ra tranh chấp với một cơ sở cùng ngành nghề. Sau nhiều năm khiếu nại, đến nay vụ này vẫn chưa được giải quyết xong. Giới kinh doanh rất “kính nể” ông Tân về tài ngoại giao với cấp trên, đi đâu cũng khoe khoang là có quen với “anh ba, anh tư”.
Hai ngày qua nhà hàng hải sản Cánh Buồm của ông Tân và quán bida Thy Tài - nơi ông Tân và ông Lèo đánh cờ tướng bạc tỉ - đã ngưng hoạt động. Riêng bà Nguyễn Thanh Xuân (29 tuổi, ngụ huyện Thới Bình, Cà Mau) - chủ quán bida Thy Tài - không có mặt tại quán, điện thoại của bà Xuân trong tình trạng “không liên lạc được”.
Theo một nguồn tin, trước khi mướn cơ sở Thy Tài, bà Xuân đã mướn một địa điểm khác ở P.2, TP Sóc Trăng để mở quán bida và lúc này ông Tân và ông Lèo thường hay lui tới. Cũng theo nguồn tin này, bà Xuân có mối quan hệ thân tình với ông Tân.
Ông Tân và ông Lèo đã đỏ đen từ năm 2009 đến nay, ban đầu mỗi ván cờ chỉ ăn thua vài trăm ngàn đồng, gần đây máu đỏ đen tăng lên, mức độ đặt cược có ván lên đến 5 tỉ đồng. Ngoài việc thường xuyên lui tới quán Thy Tài, hai ông này cũng lui tới nhiều quán khác trên địa bàn TP Sóc Trăng chơi cờ.