Cuộc chạy đua
Sau liên tiếp những nhát chém dã man của tên cướp, trong đó có một nhát chí mạng làm đứt lìa bàn tay phải, chị Thúy đã được 1 người đàn ông đi đường tốt bụng cứu giúp. Người đàn ông này dù không có kiến thức cấp cứu chấn thương, nhưng cũng đã nhanh chóng cởi áo bó chặt cánh tay đẫm máu trong đó có bàn tay còn dính chút da, rồi một tay giữ nạn nhân, một tay điều khiển xe máy trực chỉ bệnh viện quận 2...
Bệnh viện quận 2 đã sơ cứu và chuyển bệnh nhân bằng xe cấp cứu đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Tại đây, các bác sĩ tiếp tục cấp cứu và chẩn đoán ca chấn thương nghiên trọng cần phải phẫu thuật nối bàn tay nên bệnh nhân được chuyển ngay đến Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình TPHCM (CTCH). Theo các bác sĩ của bệnh viện này thì nạn nhân đã được cấp cứu ban đầu khá tốt và điều quan trọng là tận dụng được "Thời gian vàng" trong cấp cứu chấn thương. Thời gian tốt nhất để có thể phẫu thuật nối các bộ phận bị đứt rời chỉ trong vòng 6 giờ. Sau thời gian đó, bộ phận rời bắt đầu hoại tử vì không còn có nguồn nuôi.
Trắng đêm cứu... bàn tay
Chị Thúy được đưa đến Bệnh viện CTCH lúc 23 giờ đêm. Bệnh nhân vẫn tỉnh, tiếp xúc tốt, tính mạng đã an toàn nhưng vấn đề quan trọng đối với các bác sĩ là phải cứu được bàn tay. Bệnh nhân được cấp cứu xuyên đêm từ 23 giờ đêm kéo dài đến tận 6 giờ 30 phút ngày hôm sau bởi êkíp trực Khoa Cấp cứu và Khoa Vi phẫu. Để nối các đoạn chém và bàn tay đứng gần rời, chỉ còn dính tí da, bác sĩ vi phẫu tạo hình đã vất vả phẫu thuật vi phẫu kéo dài dưới kính phóng đại để nối mạch, tĩnh mạch, thần kinh, gân...
BSCK II Tống Xuân Vũ, Phó khoa Vi phẫu, người trực tiếp phẫu thuật nối bài tay của chị Thúy kể lại: "Cánh tay phải của chị Thúy bị chém 3 nhát khác nhau (cẳng tay, cổ tay và bàn tay), nhát chép đứt hẳn là chỗ cổ tay. Đêm ấy, bệnh nhân rất đông, sau khi chị Thúy được nhập cấp cứu, các bác sĩ tiến hành hồi sức, truyền máu, làm các xét nghiệm tiền phẫu, chụp phim. Đến 3 giờ sáng ca mổ của chị Thúy mới bắt đầu và kéo dài 4 tiếng. Chị Thúy là người mạnh mẽ, lúc đến ấy cô ấy vẫn tỉnh táo kể lại cho các bác sĩ nghe đã bị cướp chém ra sao rồi tay trái còn cầm tay phải máu chảy ròng ròng chờ người đi đường cứu giúp...".
Mặc dù, bàn tay bị chém "ngọt" nhưng do có đến 3 vết thương khác nhau nên phải nối gân, động mạch, tĩnh mạch, thần kinh tới 3 lần nên rất mất thời gian và tỉ mỉ. Sau khi vệ sinh sạch sẽ, sát trùng, bác sĩ phải chọn nơi nặng nhất để xử lý trước, đó là phần cổ tay. 2 cây kim có đường kính 2mm được ghim vào để cố định bàn tay. Dưới kính phóng đại, bác sĩ dùng chỉ siêu nhỏ và các thiết bị vi phẫu để nối động mạch, tĩnh mạch, thần kinh cho bệnh nhân. Các mạch máu phải được nối thật khớp và phải thông cho máu chảy qua được nên đòi hỏi phẫu thuật viên phải tập trung cao độ. Mạch máu cũng giống như ống nước nếu không thông, máu sẽ bị tắc không nuôi được bàn tay dẫn đến hoại tử. Sau đó, bác sĩ khâu phần gân đứt cho bệnh nhân ở cả 3 vị trí bị chém...
BSCK II Tống Xuân Vũ chia sẻ: "Sau khi phẫu thuật, hậu phẫu khoảng 1 - 2 tuần xuất viện thì bệnh nhân phải kiên trì tập vật lý trị liệu thì bàn tay mới trở lại linh hoạt, mềm mại như cũ. Nếu không luyện tập, bàn tay sẽ bị cứng, các ngón khó gập lại. Sau khoảng một vài tháng thì bác sĩ sẽ tháo hai cây kim gim cố định xương cổ tay ra để bệnh nhân dễ tập cổ tay. Nếu đáp ứng điều trị tốt và luyện tập theo hướng dẫn của nhân viên y tế thì sau 6 tháng, tay phải chị Thúy có thể cầm nắm như bình thường".