"Quý Đại tướng như ruột thịt"
Sáng ngày 12/10, tại ngôi nhà lưu niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), hàng ngàn người khắp gần xa về đây xếp hàng để được vào viếng, tiễn biệt vị Đại tướng anh hùng đã mãi mãi ra đi.
Trong số hàng ngàn người đến viếng, có người rất đặc biệt. Đó là một cụ bà nhỏ nhắn, mái tóc bác phơ ngồi thẫn thờ tay cầm bức di ảnh Đại tướng rưng rưng lệ. Ngồi bên cạnh bà là một người đàn ông cao lớn, người nước ngoài.
Qua tiếp chuyện, được biết cụ tên là Công Tôn Nữ Trí Huệ (SN 1922, trú xã Hương Cần huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), là chắt nội của vua Minh Mạng, cháu nội của Hoàng tử Miên Lâm. Ôm tấm di ảnh Đại tướng trên tay, cụ Huệ, rưng rưng nói: "Từ ngày biết tin Đại tướng mất, mệ buồn lắm, không ăn không ngủ được, cứ muốn ra để thắp cho cụ nén hương. Giờ thì đã thắp được rồi". Cụ Huệ cho biết, sau nhiều lần cứ nằng nặc đòi ra viếng Đại tướng, nên con trai và cháu rể cũng đã đồng ý đưa cụ ra quê hương Đại tướng để cụ được thắp cho Người nén hương. "Đại tướng là một người tài giỏi, đức độ, cụ mất đi để lại tiếc thương lớn vô cùng, mất mát lớn vô cùng. Trong lòng mệ, Đại tướng như ruột thịt" - cụ Huệ sụt sùi. Tự hào may gối tặng Đại tướng Tay run run lần dở lại những bức ảnh được chụp chung với Đại tướng, cụ Huệ nhớ lại, đó chính là kỉ niệm vào tháng 12/2002, khi cụ và người con trai là Bùi Quang Thiện ra Hà Nội thăm Đại tướng tại nhà riêng của người ở phố Hoàng Diệu.
"Lần đó, qua giới thiệu của thư kí Đại tướng, mệ với con trai được Đại tướng đồng ý cho gặp, mệ mừng lắm. Vào nhà, gặp Đại tướng mệ cất tiếng: kính thưa cụ, con từ Huế ra. Đại tướng ngắt lời, nói: bà đừng gọi thế. Sau đó mệ xưng hô lại là cụ - tôi, Đại tướng đã gật đầu và ân cần trò chuyện, thăm hỏi sức khỏe, người thân nơi quê nhà...". Trong cuộc trò chuyện, mệ thưa với Đại tướng rồi đưa trái dựa (chiếc gối dựa có 5 lá bọc lớp vải màu vàng) mà mệ đã tự may tặng cụ, Đại tướng vui vẻ nhận rồi nói: chúng tôi cảm ơn bà. Chúc bà luôn mạnh khỏe và sống hạnh phúc với con cháu" - cụ Huệ nhớ lại. Cũng theo cụ Huệ, trong cuộc gặp, cụ đã kể cho Đại tướng biết về dòng dõi thuộc triều đình nhà Nguyễn của mình, trong đó ông nội cụ phò vua Hàm Nghi, bác ruột phò vua Thành Thái, cha là Hường Dẫn phò vua Duy Tân chống pháp, sự việc không thành đều bị chết và giam cầm. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cụ cũng có công nuôi cách mạng. Nghe xong, Đại tướng bày tỏ vui mừng khi được biết gia đình cụ cũng có đóng góp cho sự nghiệp chung.
Cụ Trí Huệ từng theo hầu Đức Từ Cung Hoàng thái hậu (mẹ vua Bảo Đại) 9 năm và may vá rất khéo, nhất là tài may gối dựa có nhiều lá dùng gối đầu, hoặc để kê vào ghế dựa cho êm. Cụ Trí Huệ cũng đã từng may gối dựa cho vua Bảo Đại và triều thần, Hoàng Thái Hậu, Triều thần nhà Nguyễn... Chiếc gối tặng Đại tướng, cụ Huệ đã rất thận trọng, tỉ mẩn xe chỉ, luồn kim gần 1 tháng trời ở tuổi 80, nên khi nhận, Đại tướng đã khen cụ rất khéo tay. Điều đó, làm cụ Huệ nhớ mãi, và rất tự hào.
Cụ Huệ cũng tự hào đã 2 lần được gặp Đại tướng, lần đầu là khi cụ còn phụng hương khói ở lăng Tự Đức, Đại tướng đã vào thăm lăng. "Lần đó mệ vẫn còn nhớ, khi Đại tướng vô, có người mời cụ ngồi lên chiếc sập thờ trong lăng, cụ nói: không thể ngồi vào đó được, như thế là bất kính với tiền nhân" - cụ Huệ nhớ lại. Đôi mắt sâu thẳm đượm buồn, chào chúng tôi để vượt gần 200 km trở lại Huế, sau khi đã được viếng Đại tướng, cụ Huệ xúc động nói: "Rứa là toại nguyện rồi, ai trong đời được gặp Đại tướng một lần cũng là vinh dự, là may mắn lắm rồi, mệ còn được tặng Đại tướng chiếc gối nữa...".