Vừa được bổ nhiệm làm Đại sứ Du lịch Việt Nam đầu tiên, chưa kịp mừng thì Lý Nhã Kỳ đã chịu ngay “búa rìu” của một số cá nhân, cơ quan truyền thông nhắm vào mình, với những lời lẽ cay độc, thậm chí mạt sát… Vậy cô diễn viên xinh đẹp này có tội tình gì?
"Lo bò trắng răng"!
Cách đây vài năm, khi được phân công viết một bài về một nhạc sĩ có tác phẩm na ná một bài hát Hàn Quốc, tôi đã tìm gặp nhạc sĩ Lê Quang để xin ý kiến. Anh trầm ngâm hồi lâu, rồi đột ngột nắm lấy bàn tay tôi, đặt lên ngực tôi, anh nói: “Anh là một nhạc sĩ, anh không chấp nhận bất kỳ nhạc sĩ nào đạo nhạc. Nhưng sự việc đã rồi, giờ em có viết, cũng không thay đổi được gì mà làm cho nước ngoài họ cười thêm người Việt mình. Em hãy nhớ em là người Việt Nam, mang dòng máu Việt Nam trong người…”.
Chắc chắn, nhạc sĩ Lê Quang không phải muốn bao che cho anh nhạc sĩ kia mà vấn đề ở đây chính là thể diện của giới nhạc sĩ Việt Nam. Một con sâu có thể làm rầu nồi canh, nếu mọi người cứ làm ầm ĩ vụ “đạo nhạc” này lên một cách quá mức, người nước ngoài, đặc biệt là người Hàn Quốc, họ không bao giờ chỉ trích riêng cá nhân của anh nhạc sĩ “cầm nhầm ý tưởng” mà sẽ chỉ trích chung giới nhạc sĩ Việt Nam đại loại như: một nhạc sĩ Việt Nam đạo nhạc… Kết quả của sự “góp ý” này hoá ra lại là “vạch áo cho mọi người xem thẹo”. Quay lại vấn đề Lý Nhã Kỳ, những người phản ứng vai trò Đại sứ Du lịch Việt Nam của Lý Nhã Kỳ có thể vin vào những lý do như: “Cô ấy không xứng đáng, chúng tôi muốn thể hiện là một công dân yêu nước, có trách nhiệm, muốn góp tiếng nói của mình để ngành Du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ”. Hay to tát hơn: “Thông thường, các nước khi lựa chọn đại sứ du lịch thì phải chọn một người của công chúng, được đông đảo người dân mến mộ, đam mê du lịch, có cống hiến nhiều cho du lịch. Thí dụ chọn diễn viên, ca sĩ thì phải là người nổi tiếng, phải là một hình ảnh “sạch”, nói dại nếu lỡ đại sứ mà gây scandal thì ngành du lịch của cả quốc gia đó sẽ bị ảnh hưởng”. Nhưng có lẽ đó chỉ là những lời ngụy biện! Vai trò “công dân có trách nhiệm” đó thực chất là sự lo sợ “lỡ đại sứ Du lịch Việt Nam gây scandal...” nhưng chính những lời phát ngôn đó đang làm ầm ĩ mọi việc lên, biến sự việc trở nên thành nghiêm trọng chỉ vì ý chí cá nhân mà không dựa vào một bằng chứng có thật nào. Người nước ngoài sẽ bụm miệng cười tủm tỉm. Trước tiên là họ cười Bộ VHTTDL làm việc sao mà lôm côm thế. Sau đó, họ sẽ cười chính các bạn, trong đó có cả người viết bài này, vì cùng là người Việt Nam nhưng không biết đoàn kết, chỉ chăm chăm moi cái xấu (giả sử những lời chỉ trích của các bạn là đúng) ra “khoe” trước bàn dân thiên hạ, với du khách quốc tế. Đây được gọi là hành động yêu nước hay là làm nhục quốc thể? Ngành du lịch của quốc gia, ngoài thu lợi nhuận, còn là một bộ mặt của đất nước, rất quan trọng. Dám khẳng định một cách dõng dạc, nếu nói “ảnh hưởng”, có lẽ một mình Lý Nhã Kỳ, với chức danh “Đại sứ Du lịch” nhỏ bé, nhiệm kỳ ngắn ngủi chỉ 1 năm, không thể nào làm cho ngành du lịch Việt Nam trở nên phát triển mạnh mẽ hay xuống dốc thảm hại. Có lẽ nhiều người đang ra sức "lo bò trắng răng" để thể hiện "trách nhiệm công dân", và cũng quá "đề cao" Lý Nhã Kỳ đấy! Những lo lắng vu vơ đó thực chất cũng chỉ là phần “ngọn” của vấn đề mà người ta quên mất phần “gốc”. Nếu "có trách nhiệm" với ngành du lịch nước nhà, thiết nghĩ nên trăn trở, đóng góp ý kiến để làm sao kéo khách quốc tế đến du lịch tại Việt Nam và họ muốn quay trở lại. Hãy nghe ông Maurice Berja, giám đốc khu vực Airfrance nói về sự trở lại Việt Nam lần nữa của khách du lịch Châu Âu: “Có thể nói hạ tầng du lịch của các bạn đang được cải thiện nhiều nhưng cần phải làm nhanh hơn nữa vì phải cạnh tranh với các nước chung quanh. Khách châu Âu quay trở lại Việt Nam cũng ngày một nhiều hơn nhưng tỷ lệ 15% là quá thấp. Thấp so với tiềm năng của Việt Nam và so với Thái Lan, Indonesia…”. Câu nói này của ông Maurice Berja được phát biểu vào năm 2004, đã có rất nhiều “tình tiết giảm nhẹ”, thay vì chê trực tiếp, ông đã lịch sự và khéo léo trong từng câu chữ. Gần đây nhất (23/07/2011), ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Thái Hà books than thở: “Bao năm nay, tôi luôn canh cánh trong đầu một câu hỏi: Tại sao trên 80% khách du lịch đến Việt Nam và không quay trở lại?”. Có nghĩa là gần 7 năm sau, con số trên 80 % khách “một đi không trở lại" vẫn luôn ám ảnh nền du lịch Việt Nam. Quý vị đã “nghiên cứu” và “đóng góp ý kiến” cho Bộ VHTTDL về vấn đề này chưa? Giả sử, nếu Lý Nhã Kỳ có tài giỏi trong việc tiếp thị danh lam, thắng cảnh, con người Việt Nam để “lôi kéo” bạn bè quốc tế đến du lịch, thì chắc cũng “dụ” được họ một lần duy nhất mà thôi. Làm sao “dụ” được thêm lần nữa, khi mà anh mời khách đến nhà mà chẳng chuẩn bị “mâm cỗ” để đón tiếp gì cả, mọi thứ vẫn còn đang rất bừa bộn? Quay trở lại những “cay nghiệt” mà một số người dành cho vai trò Đại sứ du lịch Việt Nam của Lý Nhã Kỳ. Nếu ai đã từng chỉ được nghe, đọc những lời "bới lông tìm vết" về Lý Nhã Kỳ thì hãy nghe chiều thông tin ngược lại! Hãy nghe anh H., hiện đang là phóng viên của một tờ tạp chí chuyên về du lịch tại TP.HCM phát biểu: “Tôi tin là Lý Nhã Kỳ thừa khả năng về kiến thức, tài chính để làm tốt vai trò Đại sứ du lịch Việt Nam của mình. Lý Nhã Kỳ không có lỗi gì cả mà lỗi ở cách chọn đại sứ du lịch Việt Nam của Bộ VHTTDL. Lẽ ra họ phải công bố rộng rãi cách chọn lựa ứng viên cho chức danh này, thay vì âm thầm làm một mình và đột ngột công bố Lý Nhã Kỳ trở thành Đại sứ Du lịch Việt Nam. Mọi người bị sốc là điều hiển nhiên”... Những thị phi "đội mồ" sống lại Chính sự “sốc” đó mà mọi “mũi dùi” đã dồn vào vị tân Đại sứ Du lịch Việt Nam, thay cho những lời chúc mừng. Những thị phi trước đây của cô diễn viên xinh đẹp này bất ngờ có dịp “đội mồ” sống lại, với mục đích duy nhất: “Lý Nhã Kỳ có nhiều scandal, không thể nào đại diện hình ảnh cho ngành du lịch Việt Nam được”! Nếu để ý, những thông tin bất lợi về Lý Nhã Kỳ được đăng tải trên nhiều trang báo lại đều được lấy “nguồn” từ những lời đồn thổi, chưa có bất kỳ một thông tin nào được xác nhận từ chính khổ chủ. Như cuộc hôn nhân của diễn viên Việt Anh bị đổ vỡ, người ta cũng có thể gán kết tội cho cô gái này là thủ phạm, chỉ vì cô có… đóng chung với anh chàng điển trai này trong phim Gió ngịch mùa! Việt Anh, Lý Nhã Kỳ chưa bao giờ xác nhận có quan hệ tình cảm với nhau, ngay cả “nạn nhân” chính - cô vợ ly hôn của Việt Anh cũng không một lời oán trách Lý Nhã Kỳ. Kế đến là lời đồn mối quan hệ yêu đương của Lý Nhã Kỳ và ca sĩ Cao Thái Sơn. Có lẽ, đây là lời đồn buồn cười và vô lý nhất vì người trong giới nghệ thuật ai cũng biết chỉ khi nào… trời sập thì lời đồn này mới trở thành hiện thực được! Riêng vấn đề ăn mặc, thời gian gần đây, đã thấy Lý Nhã Kỳ đã thay đổi rất nhiều, sau khi bị đặt biệt danh “thảm hoạ thời trang Việt”. Cô đã xuất hiện trước công chúng bằng những trang phục lịch sự, sang trọng hơn. Về sự cố “Lý Nhã Kỳ khoe ngực khủng trên sân khấu kịch” (tôi xin dùng nguyên văn tít rất thô tục của một tờ báo), trong vở kịch Bản giao hưởng Điện Biên, được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia, thiết nghĩ mọi người nên phóng khoáng, rộng lượng xem đây chỉ là một sự cố nghề nghiệp. Nếu bạn mặc áo, dù có kín cổ, trong tư thế ngồi, một camera từ trên cao chỉa xuống thu hình, bạn có chắc là mình sẽ không… ”khoe của” không? Hãy đặt vị trí của mình vào vị trí khó khăn của người khác, bạn sẽ dễ dàng thông cảm. “Thị phi” tiếp tục bủa vây Lý Nhã Kỳ, bằng một ý kiến “trôi nổi” trên mạng Internet là cô khai man bằng cấp, rằng cô chưa từng tốt nghiệp Đại học tại Đức, thậm chí "ác nghiệt" hơn gọi đó là trường dành cho... chó! Có bài viết do tác giả không đủ nghiệp vụ tìm hiểu sự thật đã ngang nhiên thách thức: “Có dám trưng bằng cấp ra chứng minh không”?! Lý Nhã Kỳ chỉ trả lời ngắn gọn: “Khi nào cơ quan chức năng yêu cầu, tôi sẽ mang ra”. "Búa rìu" cũng không tha cho người cha đã mất của Lý Nhã Kỳ, với câu hỏi: “Bố của “kiều nữ” có phải là liệt sĩ hay không?”. Lý Nhã Kỳ đã nói trong nước mắt: “Tôi có thể chịu đựng được những lời cay nghiệt của mọi người nhưng xúc phạm vong linh của bố, tôi đau lòng lắm. Tôi rất buồn, khi mình chính là nguyên nhân để mọi người nặng lời về bố. Hãy để vong linh của bố tôi được yên”. Hôm qua, ngày 7/10, trong một buổi họp báo công khai, ông Nguyễn Văn Tình, Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế Bộ VHTTDL đã khẳng định lý lịch của Lý Nhã Kỳ hoàn toàn trung thực: Cô có bằng cấp đại học, có cha là liệt sĩ quê ởThái Bình. Vị quan chức này cho biết thêm là ông có bản sao thị thực bằng cấp của Lý Nhã Kỳ và việc cha cô là liệt sĩ, đã được UBND phường nơi cô sinh sống xác nhận. Dư luận sau hôm qua có thể sẽ lắng xuống, mọi thứ rồi sẽ chìm vào quên lãng, nhưng có lẽ nỗi đau bị xúc phạm sẽ còn mãi trong lòng cô gái này... Lý Nhã Kỳ có xứng đáng hay không? Rất là bất công, nếu chỉ vì những thị phi nhỏ nhặt mà mọi người có thể xoá sạch hết những gì Lý Nhã Kỳ đã đóng góp cho nghệ thuật nói riêng và xã hội nói chung. Lý Nhã Kỳ là diễn viên mà đạo diễn gạo cội Võ Ngọc đã “chọn mặt gửi vàng”, giao cho cô vai Diễm Kiều trong bộ phim truyền hình Kiều nữ và đại gia có rất nhiều khán giả. Lần đầu tiên tham gia phim ảnh nhưng Lý Nhã Kỳ đã gây được thiện cảm lớn ở khán giả và giới chuyên môn, đến nỗi nhiều người vẫn quen gọi cô là “kiều nữ”. Ngoài ra, cô còn tham gia hàng loạt phim khác như: Tình yêu còn mãi, Chuyện tình yêu, Ghen, Giá mua một thượng đế, Thám tử tư, Tình yêu còn mãi, Bước chân hoàn vũ, Vàng trong cát…
Ai đã theo chân Lý Nhã Kỳ trong các chuyến từ thiện đến với đồng bào nghèo, mới thấy tấm lòng của cô là chân thành. Khác với hình ảnh sang trọng, đài các hằng ngày, Lý Nhã Kỳ mộc mạc, không son phấn, hoà đồng và dễ gần gũi. Cô có thể cảm động ôm một đứa bé khuyết tật vào lòng, khóc oà như trẻ nhỏ. Đó chính là những giọt nước mắt cảm thông với số phận bất hạnh… Trong vai trò là Đại sứ nụ cười tại Việt Nam cho tổ chức Operation Smile trong năm 2009, Lý Nhã Kỳ đã dồn hết tâm sức để giúp cho hàng ngàn trẻ em và thanh thiếu niên bị dị tật khe hở môi, hàm ếch có thể tự tin nở nụ cười tười với cuộc đời. Hiện là Phó chủ tịch quỹ từ thiện Sheen Hok quốc tế và chủ tịch Sheen Hok Việt Nam, Lý Nhã Kỳ đã vận động tài trợ, xây dựng nhà tình nghĩa, cầu nông thôn, cấp học bổng cho học sinh giỏi, tặng xe đạp, mổ mắt cho trẻ em nghèo trên toàn Việt Nam. Với những hoạt động xã hội như thế, vào năm 2010, Lý Nhã Kỳ là một trong 28 cá nhân nhận Cúp vàng Vì sự phát triển cộng đồng. Những việc cô đã làm, những người đang chỉ trích cô, đã làm chưa và có làm được không? Đã đến lúc, chúng ta nên dẹp qua những “thị phi” xung quanh cô diễn viên này, để cô có thể bắt đầu vai trò Đại sứ Du lịch Việt Nam của mình. Không phải cô được chọn vì một trong các lý do rất vô lý và không thuyết phục (khiến báo giới nghi ngờ, bắt bẻ) mà ông Nguyễn Văn Tình, Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế thuộc Bộ VHTTDL đã phát biểu: "...chúng tôi quyết định chọn vì cô ấy có điều kiện cả về thời gian và kinh tế. Cục đã mời nhiều ca sĩ, diễn viên nổi tiếng khác nhưng họ không có thời gian, có người nói nếu tham gia làm Đại sứ thì khi hoạt động phải trả cát-xê, chi phí đi lại, ăn ở, làm sao Nhà nước lo được”. Cả một quốc gia mà không có tiền lo cho một Đại sứ Du lịch, trong khi mọi người vẫn khăng khăng bảo chức vụ này là “bộ mặt của quốc gia”? Thật là chói tai!
Hãy công tâm một chút: Lý Nhã Kỳ có khả năng đảm nhiệm tốt vai trò Đại sứ Du Lịch Việt Nam của mình vì có sự năng động của tuổi trẻ, có kiến thức, từng du học và đi nhiều nước trên thế giới, có thể nói tốt 3 ngoại ngữ: Anh, Trung, Đức… rất thuận lợi trong việc quảng bá danh lam, thắng cảnh, con người Việt Nam ra bạn bè thế giới. Cô đang dốc tâm sức đi vận động từng lá phiếu cho vịnh Hạ Long vào danh sách bình chọn 7 kỳ quan mới của thế giới, bỏ qua những chỉ trích nhắm vào mình, như cô chia sẻ: “Nếu tôi cứ ngồi đó đau lòng vì những lời cay nghiệt, tôi sẽ không làm gì được cho đất nước. Tôi chỉ chứng minh khả năng của mình bằng hành động”. Viết những dòng này, tôi biết sẽ có người “gán tội” là đã "nhận phong bì" của cô diễn viên có tiếng “đại gia” Lý Nhã Kỳ để nói lên chính kiến xằng bậy, như từng có lời đồn thổi (và không có chứng cứ) rằng cô đã bỏ tiền ra để mua chức Đại sứ Du lịch Việt Nam. Thật hàm hồ! Chữ nghĩa thời này rẻ rúng đến vậy sao!