Vừa qua, thông tin với báo chí, Công an quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết cơ quan điều tra đã khởi tố Nguyễn Việt Cường (tức ca sĩ Châu Việt Cường) về hành vi Giết người, theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015.
Trước đó, tháng 3.2018, Công an quận Ba Đình đã ra quyết định khởi tố bị can, tạm giam đối với Cường về hành vi Vô ý làm chết người. Ngày 12.10, VKSND quận Ba Đình trả hồ sơ, đề nghị xem xét chuyển tội danh đối với bị can này.
Chuyển tội danh mới, Châu Việt Cường đối diện hình phạt nào?
Trao đổi với Dân Việt, luật sư Phạm Quang Xá - Công ty Luật TNHH XTVN, Đoàn luật sư Hà Nội cho biết: Đối với tội danh “Giết người” Châu Việt Cường bị áp dụng khung hình phạt theo Khoản 2 Điều 123 Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định: “Người nào giết người không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 nêu trên, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm”. Khi quyết định hình phạt đối với người phạm Tội giết người theo khoản 2 Điều 123 BLHS năm 2015, Toà án cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VIII BLHS năm 2015 (từ Điều 50 đến Điều 59).
Cũng theo luật sư Xá, nếu Châu Việt Cường phạm Tội giết người có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ (theo quy định tại khoản 1 Điều 51 của BLHS năm 2015), không có tình tiết tăng nặng, thì Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng (dưới 07 năm tù). Nếu Châu Việt Cường phạm Tội giết người có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 52 BLHS năm 2015, không có tình tiết giảm nhẹ thì có thể bị phạt đến 15 năm tù.
Bên cạnh bị phạt hành chính, hình sự, Châu Việt Cường còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm. Đây là hình phạt bổ sung đối với Tội giết người theo Khoản 4 Điều 123 BLHS.
Như vậy, Châu Việt Cường bị khởi tố về tội danh “Giết người” sẽ bị áp dụng hình phạt nặng hơn rất nhiều so với tội “Vô ý làm giết người”.
Chuyển tội danh ca sĩ Châu Việt Cường có phù hợp?
Nói về việc ca sĩ Châu Việt Cường bị chuyển tội danh “Vô ý gây chết người” thành “Tội giết người”, luật sư Xá cho rằng: Sự việc này do Cơ quan cảnh sát điều tra và Viện kiểm sát đã xem xét lại vụ án căn cứ vào các yếu tố cấu thành tội phạm. Gồm: khách thể, mặt khách quan, mặt chủ quan và chủ thể của tội phạm.
Cụ thể trong sự việc này là:
Khách thể là tính mạng của chị H. đã bị xâm hại. Đây là dấu hiệu của các tội về xâm phạm tính mạng con người - quy định trong Bộ luật hình sự (Chương 14: Các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự con người (Điều 123 - Điều 156). Trong đó, Cơ quan cảnh sát điều tra xác định có 2 tội danh "vô ý làm chết người" và "giết người".
Về mặt khách quan là những dấu hiệu của hành vi phạm tội. Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát căn cứ vào lời khai của bị can Châu Việt Cường và lời khai của các nhân chứng để khẳng định việc bị can Châu Việt Cường nhét tỏi vào miệng chị H, là nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết.
Về mặt chủ thể là người thực hiện hành vi phạm tội. Trong vụ án này, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cũng đã căn cứ vào lời khai của bị can Châu Việt Cường cùng lời khai của các nhân chứng, thừa nhận Cường thực hiện hành vi phạm tội.
Cả 3 yếu tố trên đều có thể là những dấu hiệu cấu thành của tội "giết người" hoặc "vô ý làm chết người". Do vậy, yếu tố cuối cùng và quan trọng nhất là dựa vào mặt chủ quan để Cơ quan điều tra cùng với Viện kiểm sát xác định chính xác nhất khả năng Châu Việt Cường phạm tội gì.
Đối chiếu quy định của pháp luật giữa hai tội danh "giết người" và "vô ý làm chết người" và cần phải xem xét quy định của pháp luật trong trường hợp bị can bị ngáo đá (do sử dụng chất ma tuý) thì giải quyết như thế nào?
Ảnh bên trong căn hộ nơi xảy ra vụ án. Ảnh Zing
Châu Việt Cường có cố ý giết hại chị H. không? Theo các thông tin, chúng ta thấy rằng Châu Việt Cường không có mâu thuẫn, tư thù gì với chị H. trước khi sự việc xảy ra. Nói cách khác, cho đến thời điểm sử dụng chất ma tuý thì Châu Việt Cường không có ý định sát hại chị H. Tức là chị H. đã bị tử vong do hành vi của Châu Việt Cường thực hiện trong thời điểm Cường bị ngáo đá. Vì Cường đã mất nhận thức, không thể kiểm soát được hành vi của mình nên đã "lỡ tay" làm chết chị H. Như vậy, nếu nói Châu Việt Cường đã vô ý (lỡ tay, không cố ý" làm chết chị H) cũng là hợp lý.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây, là trường hợp của Châu Việt Cường rơi vào tình huống "phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác" quy định tại Điều 13 Bộ luật hình sự 2015.
“Điều 13. Phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác. Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”.
“Như vậy, tôi cho rằng khi một người thực hiện hành vi phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, do sử dụng chất ma tuý như Châu Việt Cường, thì "vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự"- như đối với trường hợp anh đang "bình thường".
Tôi cho rằng nếu như người thực hiện hành vi bị bệnh mãn tính hoặc hạn chế về khả năng ý thức thì có thể xem xét về hành vi vô ý làm chết người. Tuy nhiên, ở đây người thực hiện hành vi hoàn toàn bình thường, khi sử dụng ma túy đá đã biết có thể bị kích thích gây ra ảo giác, nhưng cố tình đưa mình vào thế bị mất năng lực nhận thức. Việc người sử dụng ma túy gây tội ác trong tình trạng loạn thần nặng không được coi là tình tiết giảm nhẹ. Pháp luật buộc công dân phải nhận thức được tác hại khi sử dụng các chất kích thích sẽ dẫn tới tình trạng mất kiểm soát hành vi nên khi hậu quả xảy ra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Do vậy, Châu Việt Cường biết cho nhiều tỏi vào trong miệng của người khác sẽ gây ra nguy hiểm đến tính mạng người khác và thực hiện, đều chủ động được cả về hành vi lẫn biết được hậu quả.
Tóm lại, trong vụ án này, Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an quận Ba Đình chuyển tội danh ca sĩ Châu Việt Cường từ “Vô ý giết người” sang “Giết người” là phù hợp hơn” – Luật sư Xá nhận định.