Nguyễn Thị Như Ý (SN1987) là con gái thứ 3, cũng là con út trong gia đình của ông Nguyễn Đình Hộ (77 tuổi) và bà Lê Thị Tám (73 tuổi), ngụ thôn Na Kham, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, Quảng Nam.
Lúc nhỏ thấy con gái sáng dạ, học hành chăm chỉ, tiên tục từ năm lớp 1 đến năm lớp 7 đều là học sinh giỏi, nên vợ chồng bà đặt hết hi vọng vào con. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì Ý lại phát bệnh. Đứa con gái mới ngoài 25 tuổi bỗng chốc hóa thành bà lão.
Ông Nguyễn Đức Hải, Phó giám đốc bệnh viện Hoàn Mỹ, nơi cũng từng chữa trị một trường hợp lão hóa cũng ở Quảng Nam thời gian qua cho biết, trường hợp Ý có thể do dùng thuốc điều trị bệnh trước đó, cộng chế độ dinh dưỡng không đảm bảo nên cơ thể suy kiệt, dẫn đến da bị lão hóa. Còn riêng việc xác định có hay không “Ý bị bệnh già trước tuổi” thì phải được đưa đến bênh viện, xét nghiệm và kiểm tra kỹ lưỡng mới kết luận được.
Theo lời bà Tám, từ bé Ý không hề có biểu hiện bệnh tật gì lạ mà vẫn lớn lên, khỏe mạnh như bao bạn bè khác.
Tuy nhiên đến năm lớp 8 (14 tuổi) thì cơ thể Ý bắt đầu có những dấu hiệu già nua, da bị lão hóa.
Kết thúc năm lớp 8, trong khoảng thời gian được nghỉ hè, gia đình đưa em ra bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng khám bệnh. Tại đây các bác sỹ chuẩn đoán Ý bị viêm loét dạ dày.
Uống thuốc một thời gian không thấy khỏi, sau đó Ý quay trở lại bệnh viện, các bác sĩ tại đây tiếp tục xét nghiệm rồi kết luận: em bị đau thượng vị và tiếp tục cho uống thuốc nhưng “bệnh vẫn hoàn bệnh” .
Bất lực trước bệnh tình, nhưng vì ham học, Ý vừa chịu đau vừa đến lớp theo học cho hết lớp 9 để tốt nghiệp cấp 2. Vào lớp 10 khoảng hơn 2 tuần thì Ý chính thức nghỉ học vì mỗi khi nghe giảng bài, đầu em lại đau như búa bổ.
Bà Tám tiếp tục vay mượn tiền bạc để đưa Ý vào bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM) để chữa bệnh. Nhưng hơn một tháng điều trị mà các bác sĩ vẫn không tìm ra bệnh, tiền hết, nợ nần chồng chất, hai mẹ con bà đành khăn gói về lại quê.
Từ lúc về quê, dù mang trong người căn bệnh lạ, sức khỏe yếu dần, không còn khả năng lao động nhưng thấy gia cảnh gia đình quá nghèo khó, Ý không cam chịu ngồi yên một chỗ nên xin phép bố mẹ đi “làm ăn”.
Bố mẹ lúc đầu không hề hay biết con gái của mình đi “làm ăn” ở đâu nhưng buổi sáng, thấy Ý dậy từ sớm rồi đón xe đi ra Đà Nẵng.
Mãi đến sau này, tình cờ người quen bắt gặp, bà Tám mới biết được con gái của mình hàng ngày thường rong ruổi, lê la khắp các góc chợ để xin ăn.
“Nhiều lúc nhìn nó trở về nhà mệt mỏi, chúng tôi cũng ứa nước mắt, đau lòng nhưng vì nhà quá nghèo, mà cháu lại không muốn phải làm gánh nặng cho gia đình nên cứ kiên quyết van xin được đi “làm”. Có khi gia đình tìm cách giữ ở nhà thì cháu lại lén lút đi”- bà Tám đau xót.
Cứ thế, ròng rã suốt 10 năm nay, đều đặn mỗi sáng Ý đón xe ra các chợ ở Đà Nẵng để lang thang ăn xin.
Những hộ dân buôn bán ở các chợ tại TP. Đà Nẵng cũng không lạ lẫm gì hình ảnh của một “bà lão”, thân hình ốm quắt, tong teo như ống điếu ngày ngày ngả tay xin sự bố thí.
Ai cho được đồng nào, Ý dành dụm đưa mẹ lo trang trải cuộc sống và trả bớt nợ nần trong những lần đi chữa trị cho mình.
Ý kể, nhìn hoàn cảnh em, ai cũng thấy thương, nhưng đa phần người ta cho thức ăn chứ tiền thì rất ít. Nhưng suốt 12 năm qua, lần nào em ăn gì vào cũng đều nôn ra hết, do vậy người ngày càng gầy gò và lão hóa, hiện tại em chỉ còn 24kg.
Bà Tám nói trong nước mắt: “Giờ Ý chỉ có thân hình tàn tạ, sức lực không còn, bác sỹ thì không tìm ra được bệnh. Đến nay nó mới 25 tuổi, nhưng trông không khác gì người phụ nữ đã ngoài 50. Vợ chồng tôi đều đã lớn tuổi, kinh tế chỉ biết trông vào 2 sào ruộng, còn hai người anh trai của Ý đã có gia đình nhưng hoàn cảnh đều rất khó khăn nên không thể đỡ đần cho cha mẹ. Vì vậy hiện nay, vợ chồng tôi đành nuốt nước mắt mà nhìn con ngày càng khô héo”.
Hiện tại, hằng ngày, với thân hình chỉ còn “da bọc xương”, Ý vẫn phải lê la khắp nơi để hành khất. Và, em bảo hy vọng một ngày nào đó sẽ cố gắng kiếm tiền để giúp đỡ bố mẹ vơi bớt nợ nần, lúc đó nếu có “ra đi” thì cũng cảm thấy thanh thản.
Trên thế giới, đã từng xuất hiện rất nhiều trường hợp người trẻ biến thành già, người già lại biến thành trẻ. Và tại Việt Nam, cũng có những trường hợp như vậy.
Trước đó là trường họp của chị Nguyễn Thị Phượng, 26 tuổi, ngụ thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm (Bến Tre), vốn là một phụ nữ trẻ đẹp nhưng giờ đây, với khuôn mặt già nua, nhiều người thậm chí không nhận ra chị nữa.
“Cô gái thành bà lão” Nguyễn Thị Phượng sau thời gian điều trị đã trẻ lại 25 -30%, vết nhăn trên da mặt cũng đã giảm bớt.
Nguyễn Chí Hiền, sống ở Vĩnh Long, đã qua đời khi mới 17 tuổi vì bệnh lão hóa. Mặc dù còn trẻ, nhưng Hiền trông chẳng khác gì một ông cụ với làn da đồi mồi, gương mặt nhăn nheo, hai chân tê liệt hoàn toàn.
Hiền chỉ cao 60cm, nặng 7kg. Lúc còn sống, Hiền thường chỉ ngồi trong góc nhà, mắt đờ đẫn nhìn mọi thứ xung quanh, Hiền không biết nói mà chỉ ú ớ trong miệng. Hiền đã tử vong vào đầu năm 2011 vì căn bệnh “già trước tuổi”.
Một người đàn ông 50 tuổi với gương mặt trẻ con nữa là ông Đỗ Quý Dân, sống ở Chợ Lách, Bến Tre, đã 50 tuổi nhưng lại có gương mặt non nớt như trẻ con.
Khi mới chào đời, ông Dân nặng 2,5kg, ban đầu, cơ thể ông phát triển bình thường nhưng về sau ông ăn bao nhiêu cũng chỉ cao 90cm, gương mặt vẫn mãi như trẻ con. Bi kịch cuộc đời với căn bệnh lạ khiến ông Dân không làm được những việc nặng, ông rất nhút nhát, mặc cảm.