Sau khi đăng tải, bài viết “Người bị chồng tưới xăng đốt: con nhìn thấy tôi là khóc thét” đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ của rất nhiều độc giả. Nguyện vọng chung của mọi người gửi đến là hy vọng chị Nguyễn Thùy Dung, nhân vật trong bài báo, nhận được sự giúp đỡ về y học của các chuyên gia để lấy lại được phần nào sức khỏe và hòa nhập với cuộc sống.
Bác sĩ ngỡ ngàng trước dung nhan bị hủy hoại
Ngay khi đọc được thông tin về hoàn cảnh của chị Dung, TS.BS Nguyễn Huy Thọ (nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình - Bệnh viện Quân đội Trung ương 108) đã rất xúc động, và ngay lập tức liên hệ với chúng tôi, đề nghị về tận nhà thăm khám cho chị Nguyễn Thùy Dung.
Vừa kết thúc ca mổ cuối cùng trong ngày, chiều 16/7, bác sĩ Thọ cùng phóng viên của báo đã về xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Bác sĩ Thọ đang xem xét từng vết thương trên người chị Dung. Ảnh: Bá Chiêm.
Khi nhận được thông tin sẽ có bác sĩ hơn 40 năm kinh nghiệm, là chuyên gia phẫu thuật hàng đầu trong ngành thẩm mỹ đến thăm khám cho con gái mình, bà Phí Thị Duyên, mẹ chị Dung hết sức cảm động.
Giọng nói ngắt quãng, bà lắp bắp nói tiếng cảm ơn. Khi chúng tôi vừa đến nơi, người trong thôn đã đón từ đầu ngõ để dẫn vào nhà mẹ con bà.
Con ngõ nhỏ dẫn vào nhà chị Dung toàn nhà tầng rộng rãi, ngổn ngang đất cát do đang xây dựng, chỉ có ngôi nhà nhỏ 45 m2 của mẹ con chị nằm lọt thỏm sâu trong ngõ. Căn nhà để tường xi măng thô, lạc tông hẳn với các nhà sơn mới nhiều màu ở xung quanh.
Chứng kiến gia cảnh của Dung, bác sĩ Thọ cho biết, nhiều năm trong nghề, ông tiếp xúc với nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh thương tâm nhưng đây là lần đầu tiên ông thực sự ám ảnh.
Bác sĩ Thọ bần thần khi nhìn trực tiếp chị Dung, có lẽ khó để ông có thể hình dung người đang đứng trước mặt mình từng là một cô gái xinh đẹp, tuổi đời còn kém cả con gái mình đã phải chịu nỗi bất hạnh lớn đến vậy.
Hy vọng nối lại cuộc đời
Để nắm bắt tình hình bệnh nhân, bác sĩ Thọ xem xét những vết bỏng ở đùi và hai cánh tay. Đây là những nơi bị tổn thương nhẹ nhất trên cơ thể chị. Đôi bàn tay bị thương tổn nặng nề, vì trong cơn hoảng loạn bị chồng tưới xăng đốt, chị đã giơ lên gắng che lấy khuôn mặt đang bỏng rát.
Bác sĩ Thọ khẽ nắn những khớp ngón tay đã quặp hết vào nhau vì dính thịt. Móng tay bị cháy vàng, khô đét. Khẽ cau mày, bác sĩ nói: “Phải tiến hành phẫu thuật đôi tay càng sớm càng tốt, vì để lâu các khớp sẽ hỏng, không thể nào khôi phục được nữa. Tuy khó, chữa sớm sẽ phần nào khôi phục lại được chức năng của đôi tay, bước đầu sẽ là những sinh hoạt đơn giản. Em sẽ có thể tự cầm được bát cơm, tự lo được cho mình”.
Nghe bác sĩ nói vậy, đôi mắt chị Dung sáng hẳn lên. Chị hoạt bát hơn, xoay người và đổi tư thế liên tục theo lời bác sĩ để ông có thể xem kỹ hơn các phần thương tổn, chứ không ngần ngại, tự ti như lúc mới đầu. Nhưng phần khó nhất có lẽ nằm ở khuôn mặt chị Dung, khi những vết sẹo bỏng đỏ bầm nổi lên gồ ghề khắp khuôn mặt từ trước ra sau. Nhiều bộ phận đã bị lửa xăng tàn phá, gần như không thể phục hồi.
Hồi hộp nhìn con được bác sĩ xem xét từng vành tai, từng vạt da sẹo kéo lệch mí mắt, bà Duyên vẫn nhớ như in diễn biến của ngày kinh hoàng chứng kiến con rể tưới xăng thiêu sống con gái mình.
Bà Duyên vừa kể, vừa nhìn đôi tay bác sĩ khám những vết thương trên người con. Bác sĩ khám đến đâu, bà lại nhanh miệng giải thích cho ông vì sao vết thương ở phần đó lại nặng hay nhẹ hơn. “Lúc bị đổ xăng lên đầu, em nó hoảng quá, nhắm ngay mắt lại nên mắt mới giữ được nguyên, chứ không thì cũng mù rồi bác sĩ ạ”, bà giải thích.
Sau khi bác sĩ vừa khám xong cho chị Dung, bà Duyên lật đật đi tìm xấp ảnh cưới cũ của con mà mình còn giữ lại, vừa đem cho bác sĩ xem bà khẽ thở dài và nói: “Ngày xưa em nó xinh lắm. Bác làm sao cho em nó được trở lại như ngày xưa”.
Chị Dung vốn ít nói, nay cũng sốt ruột hỏi: “Vậy là tay cháu sẽ chữa được phải không bác sĩ? Đôi tai của cháu thì thế nào? Mũi và miệng có đỡ hơn được không?”.
Bác sĩ Thọ nhận định: “Diện tích bỏng của cháu tương đối lớn, vì chiếm toàn bộ vùng mặt, đùi, 2 cánh tay, 2 bàn tay và một số nơi khác, mà phần lớn là bỏng độ 3 sâu, có một số chỗ là độ 4. Hiện cháu đang bị co rút sẹo, chỗ cánh tay không thể duỗi thẳng. Riêng hai bàn tay, toàn bộ các gân, cơ đang bị co kéo trong trạng thái củ gừng, khiến cháu không thể sinh hoạt được".
Bác sĩ cho rằng, chị Dung cần được điều trị sớm tại các cơ sở điều trị lớn có kỹ thuật vi phẫu, tức là có thể sử dụng những vạt da ở một số nơi như mu bàn tay để che phủ vùng bị tổn thương.
“Một vấn đề khó là mạch ở bên tai phải của cháu bị mất, nên khả năng phục dựng tai phải rất khó khăn. Động mạch thái dương ở tai trái vẫn còn, nên có thể hy vọng. Miệng tuy rất khó, nhưng vẫn có thể cố gắng mở rộng miệng cho cháu. Trường hợp của cháu đúng là rất hạn chế, nhưng trước mắt y học có thể can thiệp được 2 bàn tay, giúp cháu hồi phục được phần nào đôi tay. Còn với các vị trí khác, chúng tôi sẽ tiếp tục liên hệ các nơi có thể giúp được”, bác sĩ Thọ cho biết thêm.
Đây là điều an ủi vô cùng lớn với mẹ con chị vì sau nhiều tháng từ khi xuất viện mới được khám lại, đặc biệt được bác sĩ đến tận nhà thăm bệnh.
Tiễn bác sĩ và phóng viên về dưới cơn mưa nặng hạt, bà Duyên không ngớt mỉm cười và nói cảm ơn rối rít. Còn Dung ngồi nép ở góc nhà, tuy không thể thể hiện biểu cảm trên khuôn mặt, nhưng đôi mắt chị sáng long lanh, ánh lên niềm hy vọng. Dù hy vọng có nhỏ nhoi và hành trình sẽ vô cùng gian khổ, đó sẽ là cây cầu giúp chị nối lại cuộc đời mình.