Tình yêu cứu rỗi cuộc đời
Chúng tôi gặp lại Nguyễn Thị Ngọc Mai (phường Cẩm Châu, TP Hội An, Quảng Nam) sau một thời gian dài chị được các bác sỹ đưa ra điều trị bệnh ở Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Đà Nẵng. Vẫn vóc dáng nhỏ nhắn, giọng nói nhỏ nhẹ, trầm lắng nhưng ánh mắt và nụ cười của chị đã khác hẳn.
Chị cho biết, sau khi được bệnh viện thăm khám một thời gian, sức khỏe đã ổn định, tinh thần thoải mái và có thêm niềm hy vọng sẽ chữa được bệnh. Ngọc Mai bảo, kể từ khi bị bệnh, đã 15 cái Tết chị chưa được một lần đi chơi Xuân trọn vẹn. Quãng đời đẹp nhất của thời con gái của chị chỉ quanh quẩn nơi góc nhà, nếu có đi ra đường cũng phải bịt mặt vì không muốn ai nhìn thấy gương mặt già nua của mình.
Luôn mặc cảm, tự ti với gương mặt “bà già”, có lúc chị Mai định tự kết thúc cuộc đời buồn của mình. Nhưng rồi nghĩ đến cha mẹ già, chị lại gắng gượng sống tiếp. Năm 16 tuổi, chị quyết định đi học nghề may, một công việc nhẹ nhàng, nhất là được ngồi trong nhà, ít phải tiếp xúc với nhiều người, đỡ mặc cảm. Từ khi có được cái nghề, chị Mai đi may thuê cho một công ty ở Hội An để kiếm sống.
Đi làm được khoảng 7 năm, bệnh của chị càng ngày càng nặng, càng khó nhìn nên chủ công ty đã huỷ hợp đồng. Mất việc, sóng gió lại một lần nữa ập đến với chị, tưởng chừng như chị suy sụp hẳn nhưng số phận đã không quay lưng lại với chị. Trong quãng thời gian ở Hội An (năm 2005), chị đã gặp anh Trần Thanh Thương, người là chồng chị sau này.
Hôm ấy, tiệm may vắng khách, chị đang mải mê làm nốt cho xong bộ quần áo thì có một người đàn ông bước vào. Người này nhìn chị chằm chằm, khiến chị nóng bừng mặt, không dám ngẩng lên. Thấy vậy anh ta chủ động tiến lại phía chị, nói rằng muốn đặt may một bộ đồ và đề nghị chị trực tiếp lấy số đo. Để làm vừa lòng khách nên chị Mai cũng lấy thước ra đo rồi hẹn vài bữa sau tới lấy đồ.
Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau anh chàng đã quay lại, với lý do “muốn ngồi xem Mai may đồ”. Đến ngày trả quần áo, người thanh niên tới tiệm may rất sớm. Khi đã cầm đồ trong tay, người này vẫn dùng dằng không chịu đi. Chị Mai lúc này lúng túng không biết làm gì, định quay vào trong thì bất chợt người thanh niên nói: “Tui rất mến... chị, chị có ưng về làm vợ tui không, nếu ưng thì mình làm... đám cưới”. Lúc ấy, mất đến vài giây chị Mai thấy tủi thân vô cùng. Chị nghĩ mình đã thế này mà vẫn có người đùa cợt, trêu ghẹo ác ý đến thế. Tuy nhiên, khi thấy người thanh niên cứ đứng trân trân nhìn mình thì chị linh cảm đó không phải là lời đùa giỡn. Tim chị đập loạn xạ, từ bé đến giờ đây là lần đầu tiên chị có cảm xúc ấy. Chị thấy tức ngực, khó thở, mừng vui lẫn lo lắng. Chị cứ đứng chết lặng mà không nói được câu nào.
Đến lúc này Ngọc Mai cũng chỉ biết qua qua về người thanh niên đang cầu hôn với mình, đại khái anh tên là Thương, sinh năm 1976, nhà ở phường Cẩm Thô (TP Hội An). “Ban đầu mới gặp tôi ngượng lắm, cứ nghĩ mình già như thế này thì ai mà thèm yêu, thèm cưới làm vợ. Nhưng trời xui khiến thế nào mà anh Thương lại tìm đến với tôi. Có lẽ việc tôi bị bệnh là định mệnh, việc đi học nghề may cũng là định mệnh và ngày anh Thương gặp tôi cũng là một định mệnh”, chị Mai bồi hồi nhớ lại.
Trời không lấy đi tất cả
Đám cưới của chị Mai và anh Thương được tổ chức ngay sau đó, dự cưới toàn người trong gia đình, tuy đơn sơ nhưng thấm đẫm tình cảm. Lấy nhau rồi chị Mai mới hiểu thêm hoàn cảnh của anh Thương. Bản thân anh cũng bệnh tật liên miên, gia đình anh rất khó khăn, hằng ngày anh phải chạy xe ôm để kiếm sống. Hiểu hoàn cảnh của anh, chị cũng bớt mặc cảm và thấy thương anh hơn. Hai con người khốn khổ, bỏ ngoài tai những lời xì xào của người đời, cùng dựa vào nhau để sống. Cưới nhau rồi, hằng ngày chị Mai đi may thuê, còn anh Thương thì tiếp tục chạy xe ôm kiếm tiền đỡ đần cho vợ. Nghĩ lại những ngày tháng này, anh Thương bảo, khi yêu chị Mai, cũng có nhiều người nói ra nói vào lắm. Nhưng nghĩ chị Mai đã gặp niềm bất hạnh từ nhỏ nên anh quyết tâm cưới Mai về làm vợ. “Trời không cho ai tất cả, nhưng cũng sẽ không lấy đi của ai tất cả, cả hai chúng tôi đều tin và hy vọng như vậy nên đến với nhau”, anh Thương tâm sự. Sự hy vọng đó của anh Thương và chị Mai đã có kết quả. Năm 2007, vợ chồng anh Thương sinh con gái đầu lòng, đặt tên là Trần Thị Ngọc Oanh, hai năm sau sinh bé Trần Thanh Rô. Cả hai bé đều kháu khỉnh, khỏe mạnh. “Những tưởng cuộc đời đã quay lưng lại với tôi nhưng trời phật thương đã cho tôi sinh hai đứa con đều khoẻ mạnh. Đây là niềm an ủi và vui nhất trong cuộc đời của tôi”, chị Mai nói. Tuy nhiên, sau đó cuộc sống của họ vẫn rất vất vả, thu nhập chẳng được là bao, đã thế chị Mai lại còn bị bệnh. Thể trạng chị ngày càng ốm yếu, những cơn ngứa trên da thịt cứ diễn ra triền miên. Chị Mai bảo, những lúc thấy chị như vậy anh Thương xót lắm, thậm chí anh nghỉ cả chạy xe ôm để ở nhà chăm chị. Nghỉ nhiều, trong nhà chỉ còn vài trăm bạc nhưng anh dành hết để mua thuốc men, thức ăn cho chị chữa trị, tẩm bổ. “Mỗi khi tui bệnh là anh ở nhà để chăm. Có bữa nhà chỉ còn vài trăm ngàn để chi tiêu hằng ngày nhưng anh cũng lấy đi mua thuốc, mua đồ ăn cho tui tẩm bổ. Tôi bảo anh ăn với tui, nhưng anh bảo mình ăn no rồi, kỳ thực tui biết anh đã ăn chi đâu”, chị Mai mắt đỏ hoe nói về người chồng của mình. Gia đình tiếp thêm nghị lực Chị Mai bảo, cũng may nhờ có ông bà ngoại trợ giúp nên hai vợ chồng mới lần hồi vượt qua khó khăn. Cuối năm 2009, bệnh tình của chị Mai càng ngày càng nặng, sức khoẻ dần kiệt quệ, chị không còn đi may thuê được nữa. Mọi chi tiêu hằng ngày của gia đình đều dựa vào từng cuốc xe ôm của chồng. “Anh ấy sức khỏe cũng không ổn định. Có nhiều hôm đi xe chở khách ra tới Đà Nẵng, họ trả tiền rồi cất không cẩn thận tiền bay mất. Hôm đó về cả nhà không có tiền để mua sữa cho con, tôi thì đang bệnh nặng, không biết bấu víu vào đâu. May mà nhờ có ông bà ngoại...”, vừa nói chị Mai vừa lau nước mắt. Ở chung với ông bà ngoại, cuộc sống của đại gia đình lại càng lay lắt hơn. Với hai thân già và người anh cả làm công nhân, mọi chi phí sinh hoạt của gia đình chị Mai đều trông cậy vào cửa hàng tạp hóa nhỏ của bà ngoại. Anh Thương thời gian này bữa chạy xe, bữa không, không đủ tiền đổ xăng, sau đành bỏ nghề về phụ mẹ vợ bán quán. “Biết con mang bệnh lạ tôi buồn lắm, cố gắng động viên để nó có nghị lực sống. Trong nhà ai cũng lo và mong một ngày nào đó nó được chữa bệnh, có sức khỏe để sống tiếp mà nuôi con, chứ hai vợ chồng tôi già rồi, nhỡ đến một ngày nào đó nằm xuống thì không ai lo được cho hai đứa nhỏ. Có lần thằng cu bị ốm nặng, Mai vay mượn được 200.000 đồng đưa đi khám ở bệnh viện. Khi khám xong tiền thuốc hết 500.000 đồng, gia đình không biết làm thế nào chỉ biết khóc thôi”, bà Nguyễn Thị Mứt, mẹ chị Mai kể. Thế nhưng, tội nhất là khi Tết đến xuân về. Hàng xóm, bạn bè bồng bế con cái đi chơi xuân tấp nập, nhưng vợ chồng chị Mai chỉ quanh quẩn trong nhà, không dám đi đâu. Chị Mai sợ với gương mặt “bà già” của mình, đi đến nhà nào họ cũng ngại, cũng né. Đã lâu lắm rồi không biết mùa xuân là như thế nào. Tết năm nào mấy mẹ con cũng ôm ấp nhau trong căn nhà nhỏ bé của ông bà ngoại. Hôm chị ra Đà Nẵng để các bác sỹ điều trị bệnh, cả nhà cùng đi theo. Tội nhất là bé Oanh, cháu cứ quanh quẩn bên giường bệnh với mẹ. Dù bé nhưng dường như bé cũng cảm nhận được nỗi đau mà mẹ đang phải chịu đựng. Bà Mứt cho biết, khi ở nhà, những lúc Mai bị ốm, đi lại khó khăn là Oanh lại lon ton chạy đến để... dìu mẹ đi lại. Có khi cả hai mẹ con ngã lăn ra nhà, lúc đó Mai chỉ biết ôm con và khóc. “Cháu Oanh đang học mẫu giáo nhỡ. Cháu ngoan và rất người lớn, mỗi khi đi học về là chạy vào ôm mẹ hỏi han sức khỏe. Có hôm cháu nói làm tôi giật mình. Nó bảo nếu lỡ sau này mẹ bị chết thì xin bà ngoại cho cháu ở với bà. Nghe lời nó nói mà ruột tôi như cắt từng miếng”, bà Mứt sụt sùi nói. Bây giờ, sức khỏe của chị Mai đã khá hơn. Các bác sỹ đã cơ bản tìm ra căn bệnh của chị và cho thuốc uống, điều trị. Mùa xuân này, hy vọng chị Mai sẽ có một cái Tết thật vui.
Nhìn anh Thương đang chăm sóc cho vợ, chúng tôi hỏi: “Nếu lỡ vợ anh không trẻ lại thì sao?”. Anh cười bảo, ngay từ khi cưới Mai đã như vậy rồi, nếu không trẻ lại thì vẫn vậy thôi. Anh chỉ mong sao vợ mình và bản thân mình khỏe mạnh, đừng đau ốm là mãn nguyện lắm rồi. “Đau ốm làm khổ vợ, khổ con, tội lắm”, anh nói.