Đến chiều 23.4, anh Trần Văn Chung (ở thôn Đích Sơn, xã Hiệp Hòa, huyện Kinh Môn, Hải Dương) đã tỉnh lại sau khi được cấp cứu vì đa chấn thương do nổ mìn tại nhà mình lúc 17 giờ 30 ngày 20.4. Những thông tin mà anh Chung cung cấp sẽ giúp cơ quan điều tra làm rõ hơn về vụ việc.
Theo đại diện của Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội – Công an tỉnh Hải Dương, trong vụ nổ mìn này, nghi can được xác định là Vũ Thị Thúy (SN 1987) ở Mỹ Đức, Hà Nội) đã chết nên không khởi tố vụ án.
Tuy nhiên, theo luật sư Trịnh Anh Dũng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), trong vụ việc này dù nghi can đã tử vong nhưng cơ quan điều tra vẫn cần khởi tố vụ án điều tra tránh bỏ lọt tội phạm. Luật sư Dũng phân tích, nếu coi chị Thúy là nghi can đem thuốc nổ gài trong cốp xe máy rồi cho phát nổ tại nhà anh Chung thì chắc chắn chị này phải được một ai đó giúp sức.
Thuốc nổ không phải là loại hàng hóa thông thường mà thuộc sự quản lý độc quyền của Nhà nước, việc chị Thúy có được thuốc nổ là từ ai? Dù kích hoạt nổ bằng phương thức gì thì một người bình thường, nhất là một cô gái không thể nào tự biết được, mà trước đó phải có người am hiểu hướng dẫn kỹ càng.
Nếu người hướng dẫn biết chị Thúy đem đi để phạm tội thì đối tượng này được coi là đồng phạm về tội giết người. Trường hợp không biết mục đích mà hướng dẫn thì được coi là đồng phạm về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ được quy định tại Điều 232 – Bộ luật Hình sự.
“Do nghi can đã chết, việc xác định là khó khăn, nhưng cơ quan điều tra phải có trách nhiệm chứng minh” – ông Dũng nói.