Câu chuyện chung cư ở Hà Đông mất nước trong thời gian dài gần đây gây nhiều bức xúc. Theo phản ánh của người dân, kể từ tháng 10/2013, sau khi chuyển về khu đô thị sinh sống, vấn đề nước sinh hoạt đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, tình trạng mất nước sinh hoạt diễn ra ngày càng trầm trọng. Việc thiếu nước sinh hoạt xảy ra thường xuyên hơn, ngay cả khi đường ống nước sạch sông Đà không bị sự cố.
Ngoài thiếu nước, cư dân tại đây còn phải đối mặt với sự bất tiện khi gửi xe cộ. Mỗi đơn nguyên chỉ có 1 tầng hầm, trong khi số lượng căn hộ và số dân quá lớn, gây ra cảnh chật chội khó tưởng tượng.
Được biết, dự án là một trong những chung cư có giá rẻ và diện tích căn hộ nhất trên thị trường, với diện tích dao động từ 36,16-76m2. Giá gốc từ 10-13,3 triệu/m2, tính ra mỗi căn hộ chỉ từ 360 triệu đến gần 1 tỷ đồng một căn.
Để có mức giá rẻ như vậy, chủ đầu tư phải xây tầng cao, chia nhỏ căn hộ, tăng hệ số kinh doanh bằng cách thu hẹp diện tích công cộng trên mỗi sàn, giảm thiểu các chi phí, tăng hiệu quả dự án... Điều này đồng nghĩa với việc khách hàng sẽ phải chịu những bất cập nhất định khi về sống trong khu chung cư này.
Theo khảo sát, hiện tượng nhếch nhác, xuống cấp, chật chội... là thực trạng phổ biến ở nhiều chung cư hiện nay ở Hà Nội. Không phải tới bây giờ người mua nhà mới nhận ra điều này, bởi vì mong muốn sở hữu một nơi “chui ra chui vào” với giá thấp, họ đã tặc lưỡi mà bỏ qua nhiều yếu tố.
Cảnh báo những khu ổ chuột trên cao
Ông Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng, những dự án dành cho người có thu nhập thấp đang sốt nhưng người mua nhà nên cẩn trọng bởi chất lượng luôn đi liền với giá thành. Người có tiền thường không muốn mua những chung cư giá rẻ, người không có tiền lại cố vay mua được căn chung cư này. Đó là mâu thuẫn nên khi quyết định mua nhà, người mua cần cân nhắc kỹ bởi bài học “tiền nào của ấy” luôn đúng trong các dự án xây dựng.
Một chuyên gia phân tích: “Ví dụ một dự án có quy mô 300 căn hộ với 1.200 người ở, nay muốn chia thành 600 căn hộ thì không phải đương nhiên dân số sẽ là 2.400 người”. Bên cạnh đó, khi duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000, cơ quan chức năng đã xác định rõ các chỉ tiêu về cây xanh, mật độ giao thông, diện tích công cộng.
Nay các chỉ tiêu này không đổi mà dân số lại tăng cao, thậm chí gấp đôi, sẽ dẫn tới tình trạng quá tải. Điều đó, theo kiến trúc sư này, vô tình khiến chúng ta quay trở lại nhà ở của hàng chục năm trước, thay vì phải gắn với vấn đề kiến trúc, phải tạo được một môi trường sống lý tưởng.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, GĐ sàn Info, nhận định: “Thực tế đã cho chúng ta thấy tác hại của những khu nhà có chất lượng thấp sẽ ảnh hưởng đến điều kiện sống của cư dân trong đó cũng như mỹ quan chung của đô thị lớn đến như thế nào. Vào thập niên 70-80, Hà Nội phát triển hàng loạt các khu tập thể và bây giờ có thể thấy tình trạng căn hộ xuống cấp, thậm chí còn nghiêng lún, gây nguy hiểm cho người dân.
Thời gian gần đây, nhiều khu đô thị mới đi vào hoạt động. Mừng rỡ chưa được bao lâu thì vài năm sau chúng ta có thể thấy các công trình đã xuống cấp nghiêm trọng và gây ra một sự nhếch nhác. Để tránh đi vào những vết xe đổi trên, người mua nhà phải hết sức cân nhắc trước khi mua những căn hộ giá rẻ và nên suy xét giá rẻ do đâu”.
Theo ông Nam, vai trò các cơ quan quản lý nhà nước là rất quan trọng bởi các động thái kiểm soát kỹ về chất lượng là không thể bỏ qua nếu không sẽ chỉ dịch chuyển người dân từ những khu ổ chuột dưới đất lên các khu ổ chuột trên cao và tác hại của quá trình này sẽ lớn vô cùng.
Theo ý kiến của các nhà kiến trúc sư thì khi xây dựng các khu chung cư có căn hộ nhỏ, cần xây dựng một hạ tầng xã hội đô thị hiện đại phục vụ tốt cho người dân không chỉ trong thời gian ngắn mà cần tính đến tầm nhìn cho tương lai để bộ mặt đô thị không bị phá vỡ. Phải tính rằng 20 năm hay 30 năm nữa hạ tầng này vẫn phục vụ tốt cho các cư dân sinh sống tại các khu chung cư.