Sự tương tác này là vô cùng cần thiết, bởi các câu hỏi sẽ được đặt ra để doanh nghiệp biết về bạn, và đồng thời bạn cũng có thể tìm hiểu xem liệu đây có phải là một công việc phù hợp với mình. Nhưng muốn đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng một cách thiết thực và thông minh lại không dễ.
Dưới đây là 5 điều tối kị khi đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng, hy vọng bạn có buổi phỏng vấn “hoàn hảo” khi tìm việc làm tại Biên Hòa Đồng Nai hoặc các thành phố lớn khác.
Thể hiện sự thiếu chuẩn bị
Trước buổi phỏng vấn, bạn cần bắt tay tìm hiểu rõ ràng những thông tin về doanh nghiệp và vị trí công việc. Đây gần như là điều bắt buộc nếu bạn muốn có khoảng thời gian trao đổi hiệu quả với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, không ít ứng viên lại bỏ qua bước tìm hiểu trước đó và đặt cho nhà tuyển dụng những câu hỏi rất cơ bản, thậm chí đã có trong phần mô tả công việc. Điều này khiến nhà tuyển dụng nhận ra rằng bạn chưa chuẩn bị những nội dung cần thiết cho buổi phỏng vấn và kết quả sẽ không mấy khả quan. Vì thế bạn nên tránh đặt các câu hỏi đơn giản như: “Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nào?” hoặc “Công việc mà tôi sẽ làm ở vị trí này là gì?”…
Cho thấy bạn yếu về kỹ năng
Khi tuyển dụng, doanh nghiệp sẽ đưa ra những yêu cầu cụ thể đòi hỏi ứng viên cần phải đáp ứng. Trong đó, có những kỹ năng quan trọng được xem như quyết định trực tiếp cơ hội cạnh tranh của bạn, vì vậy cần chú ý để tránh mắc sai lầm khi đặt câu hỏi.
Ví dụ ở vị trí công việc sáng tạo nội dung website, bạn không thể hỏi nhà tuyển dụng những nguyên tắc SEO cơ bản. Khi đặt những câu hỏi như thế, bạn sẽ cho thấy mình là một ứng viên thiếu kỹ năng và non nớt kinh nghiệm. Thay vào đó, bạn có thể tiếp cận theo một hướng khác thông minh hơn để nắm bắt về công việc, ví dụ: “Một số công cụ SEO mà doanh nghiệp thường khuyến khích áp dụng ở vị trí này là gì?”
Quá nhiều câu hỏi
Mục đích ứng viên đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn là để có một cái nhìn chi tiết về cách vận hành công việc và làm rõ các vấn đề còn băn khoăn. Việc đặt câu hỏi luôn được khuyến khích, tuy nhiên cần lưu ý rằng cách đặt câu hỏi cũng sẽ nói lên một số đặc điểm tính cách của bạn. Cần tránh đặt quá nhiều câu hỏi vụn vặt hoặc hỏi lan man dễ khiến bạn mất điểm trước nhà tuyển dụng.
Lời khuyên là nên sắp xếp các ý muốn hỏi thành một câu rõ ràng, sau đó đặt vào những chủ đề tương ứng khi trao đổi. Lưu ý lược bỏ những câu hỏi dài dòng hoặc quá tối nghĩa, điều này sẽ khiến buổi phỏng vấn bị loãng và nhà tuyển dụng có thể nhận xét bạn là người hạn chế kỹ năng tổ chức, sắp xếp.
Chưa đến thời điểm phù hợp để hỏi về mức lương
Mức lương là tiêu chí quan trọng trong ứng tuyển, theo đó ứng viên có lý do để quan tâm và đặt câu hỏi. Tuy nhiên bạn cần lưu ý rằng ở một số doanh nghiệp, phỏng vấn sẽ được chia ra thành nhiều vòng khác nhau để đánh giá ứng viên. Trong trường hợp này, thường thì bạn sẽ được thương lượng và trao đổi về mức đãi ngộ, lợi ích với bộ phận nhân sự ở vòng phỏng vấn cuối cùng.
Hiểu được điều này sẽ giúp bạn tránh các câu hỏi về mức lương trong buổi phỏng vấn đầu tiên, khi mà các thông tin khác vẫn chưa được thảo luận. Hoặc nếu nhắc đến, bạn nên sử dụng cách nói “đãi ngộ và lợi ích tương ứng với công việc” thay cho “mức lương” để trở nên chuyên nghiệp hơn.
Bạn không đặt câu hỏi
Điều tối kị cuối cùng cần tránh đó là tránh trả lời “Tôi không có câu hỏi nào” hoặc “Tôi không có gì để hỏi”. Nhà tuyển dụng thường sẽ dành thời gian để ứng viên đặt câu hỏi vào gần cuối buổi phỏng vấn. Đây là thời gian để bạn tổng hợp những nội dung đã thảo luận và chia sẻ thắc mắc của mình. Vì vậy các câu hỏi sẽ minh chứng cho việc bạn theo dõi chủ động và mong muốn hiểu sâu hơn.
Ngoài ra các khảo sát đã cho thấy rằng ứng viên sẽ bị đánh giá thấp nếu không đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng. Đây là lí do mà bạn nên chuẩn bị câu hỏi vào cuốn sổ tay hoặc có thể cùng thảo luận thêm một chủ đề có liên quan ở giai đoạn cuối buổi phỏng vấn.