TIN TỨC » Dòng sự kiện

Đây là toàn cảnh thành phố giàu top đầu Việt Nam khi có 550km metro trị giá 40 tỷ USD chạy khắp các tuyến phố

Thứ hai, 03/06/2024 13:46

Theo quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố sẽ xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị có tổng chiều dài 550km, mức đầu tư khoảng 40 tỷ USD.

Lộ trình UBND TP Hà Nội đặt ra là đến năm 2030 xây dựng xong 96,8 km đường sắt đô thị và hoàn thành mạng lưới 550 km đến năm 2045.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội hiện chưa có bản thiết kế chi tiết. Dưới đây là viễn cảnh phát triển hệ thống đường sắt đô thị tương lai của Thủ đô Hà Nội đến năm 2050 được ứng dụng AI ChatGPT sáng tạo ra.

Tại Kết luận số 49-KL/TW, ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã định hướng hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội. Theo tính toán, để phát triển đường sắt đô thị, Hà Nội cần 40 tỷ USD. Ảnh: UBND TP Hà Nội.

Với hệ thống đường sắt hiện đại được coi là “xương sống” của giao thông đô thị này trong tương lai, Hà Nội kỳ vọng sẽ giúp người dân dễ dàng di chuyển đến mọi vị trí trong thành phố, đủ năng lực thay thế phương tiện giao thông cá nhân chủ yếu là xe máy.

Xuất hiện trên báo nước ngoài, Hà Nội được mệnh danh là "thành phố của những chiếc xe máy". Hà Nội hiện có trên 8 triệu phương tiện đăng ký, bao gồm: 1,1 triệu ô tô, hơn 6,7 triệu xe máy, 200 nghìn xe đạp điện và chưa kể 1,2 triệu phương tiện của tỉnh thành khác lưu thông trên địa bàn.

Vì vậy, chính quyền thành phố kỳ vọng xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị sẽ thay đổi diện mạo đô thị và thói quen đi xe máy của người dân, từ đó góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, giảm tắc đường và góp phần thúc đẩy giao thông công cộng, giao thông xanh phát triển, giúp cho cuộc sống người dân trở nên tốt hơn, an toàn hơn, văn minh hiện đại.

Hệ thống đường sắt đô thị sẽ thay đổi hoàn toàn bộ mặt Thủ đô Hà Nội, đưa thành phố giàu top đầu Việt Nam vào top những thành phố tiêu biểu của châu Á.

Cụ thể, mạng lưới 14 tuyến đường sắt đô thị sẽ phủ khắp Hà Nội bao gồm: Tuyến số 1: Ngọc Hồi - Yên Viên - Lạc Đạo; Tuyến số 2: Sóc Sơn - Nội Bài - Thượng Đình - Bưởi; Tuyến số 2A: Cát Linh - Hà Đông - Xuân Mai; Tuyến số 3: Sơn Tây - Trôi - Nhổn - Yên Sở - Cầu Diễn.

Tuyến số 4: Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà; Tuyến số 5: Văn Cao - Hòa Lạc; Tuyến số 6: Nội Bài - Mai Dịch; Tuyến số 7: Mê Linh - Hà Đông - Ngọc Hồi; Tuyến số 8: Sơn Động - Mai Dịch - Dương Xá.

Tuyến số 9: Ngọc Hồi - Thường Tín - Cảng hàng không số 2; Tuyến số 10: Mê Linh - Cổ Loa - Yên Viên - Dương Xá; Tuyến số 11: Cát Linh - Lê Văn Lương - Vành đai 4; Tuyến số 12: Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai; Tuyến số 14: Vĩnh Tuy - Minh Khai - Trường Chinh - Láng - Nhật Tân.

Đặc biệt, tuyến số 5 Văn Cao - Hòa Lạc mới đây đã Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Ngân hàng Thế giới (WB) ưu tiên hỗ trợ vốn. Đây là tuyến đường sắt xuyên tâm, kết nối trung tâm thủ đô với đô thị Hòa Lạc - đô thị vệ tinh lớn nhất trong số 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội, có vai trò đặc biệt trong chiến lược phát triển của Thủ đô Hà Nội. Dự án đường sắt đô thị từ trung tâm Hà Nội tới Hòa Lạc có chiều dài lên tới 38,43 km và tổng mức đầu tư lên tới 65.404 tỷ đồng.

Dự kiến, khi mạng lưới đường sắt đô thị thành phố Hà Nội dần hoàn thiện sau năm 2030, sẽ tăng tỷ lệ người dân sử dụng phương công cộng tới 35-45%, giảm phương tiện cá nhân tham gia giao thông xuống 30%. Số lượng dân cư tập trung tại các đô thị nén cũng sẽ góp phần giảm tải dân số cho vùng nội đô.

Không chỉ đi trên cao, Hà Nội còn đầu tư các ga ngầm cho đường sắt đô thị để phù hợp với địa hình thực tế tại các khu vực khó giải phóng mặt bằng.

Một trong các dự án đường sắt đô thị Hà Nội đang thi công là Nhổn - Ga Hà Nội có chiều dài 12,5 km. Toàn tuyến có 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, trong đó đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5 km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - Ga Hà Nội) dài 4 km. 4 ga ngầm này gồm ga ngầm S9 (Cầu Giấy), ga ngầm S10 (Cát Linh), ga ngầm S11 (Văn Miếu), ga ngầm S12 (Trần Hưng Đạo - ga Hà Nội).

Trên cơ sở mục tiêu đầu tư, UBND TP Hà Nội đề xuất "một kế hoạch, ba phân kỳ" để hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị. Theo đó, giai đoạn đầu đến năm 2030, UBND TP Hà Nội cần khoảng 14,6 tỷ USD để xây dựng 96,8 km đường sắt. Nếu hoàn thành, đường sắt đô thị sẽ đảm nhận 7-8% lượng hành khách công cộng và có thể vận chuyển 2,2-2,6 triệu chuyến đi mỗi ngày đêm.

Đến năm 2035, Hà Nội cần khoảng 22,5 tỷ USD để đầu tư 301 km đường sắt. Nếu đạt mục tiêu này, đường sắt đô thị sẽ đảm nhận 35-40% lượng khách và có thể vận chuyển được 9,7-11,8 triệu chuyến đi mỗi ngày đêm. Đến năm 2045, Hà Nội phấn đấu hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị được điều chỉnh, bổ sung theo Quy hoạch Thủ đô đã được phê duyệt.

Trong số các ga đường sắt đô thị ở Hà Nội, ga Ngọc Hồi (Thanh Trì) được xác định là ga trọng điểm, là tổ hợp đường sắt lớn nhất cả nước. Tổ hợp ga Ngọc Hồi có diện tích 1,7 km2 với tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 19.000 tỷ, tương lai sẽ là nơi dừng chân của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam và các tuyến đường sắt quốc gia thông thường (đường sắt Bắc - Nam hiện có và đường sắt Vành đai phía Đông, phía Tây trong tương lai) và các tuyến đường sắt đô thị.

Hoàng Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới