TIN TỨC » Dòng sự kiện

Dich bệnh Ebola: 60% bệnh nhân, 50% bác sĩ tử vong, WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp

Thứ tư, 13/08/2014 11:18

Sự bùng nổ của bệnh Ebola ở Tây Phi tiếp tục phát triển theo những cách thức đáng báo động, và không thể được dập tắt nhanh chóng. Có nhiều rào cản dẫn tới tình trạng mất kiểm soát nghiêm trọng này của đại dịch Ebola.

Thiếu hụt khả năng kiểm soát dịch bệnh

Các nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bênh Ebola là Guinea, Liberia và Sierra Leone đều chỉ mới trở lại tình trạng ổn định chính trị trong thời gian gần đây, sau rất nhiều năm nội chiến và xung đột khiến cho hệ thống y tế bị phá hủy hoặc tê liệt.

Năng lực kiểm soát nhiễm khuẩn cũng rất hạn chế. Các biện pháp cơ bản để ngăn chặn dịch bệnh như phát hiện sớm, cách ly các trường hợp bị bệnh, thông tin và giám sát, kiểm soát nhiễm trùng đều thiếu và được thực hiện một cách khó khăn. Mặc dù, cho tới hiện tại, khi thế giới chưa có chủng ngừa cũng như phác đồ tiêu diệt bệnh Ebola, nhưng thực tế đã chứng minh nếu áp dụng tốt các biện pháp kiểm soát nói trên thì Ebola vẫn có thể bị đẩy lùi như đã từng thành công trong quá khứ.

Sự gia tăng các trường hợp nhiễm bệnh với thời gian dịch bệnh kéo dài hơn đã phá vỡ năng lực ngăn chặn dịch. Các thiết bị bảo hộ cá nhân, chất khử trùng, thuốc men đều bị thiếu. Sự bùng nổ của Ebola ở tây châu Phi đã vượt xa năng lực chẩn đoán và điều trị của ngành y tế các quốc gia này. Trong khi, chẩn đoán chính xác các triệu chứng sớm của Ebola gần như là điều kiện tiên quyết để điều trị và ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch, giống như một số các bệnh truyền nhiễm khác là sốt rét, thương hàn...

Các bệnh viện đều quá tải, giường bệnh kín bệnh nhân, cơ sở vật chất tồi tàn, thiếu điện và nước sinh hoạt làm cho mọi người đều kiệt sức, bao gồm cả nhân viên cứu trợ, bác sĩ không biên giới được điều tới để chữa bệnh.

Dịch Ebola đã khiến gần 1.000 người tử vong ở 4 nước Tây Phi

Khuôn khổ của các nhà quản lý

Trước tình hình rất nghiêm trọng này, tuần trước, Tổng giám đốc WHO, tiến sĩ Margaret Chan đã tuyên bố WHO sẽ làm mọi cách để có đủ lực lượng nhân viên đa quốc gia, dựa trên tất cả các văn phòng khu vực của WHO trên thế giới, để phản ứng nhanh trước dịch bệnh Ebola.

Vi-rút Ebola là một trong những tác nhân gây bệnh nguy hiểm nhất trên thế giới. Thiết bị bảo hộ cá nhân là cần thiết nhưng lại thiếu rất nhiều. Đồ bảo hộ cũng rất nóng và rườm rà khiến cho nhân viên y tế khó khăn hơn khi làm việc trong các khu cách ly và thời gian làm việc của họ sẽ phải rút ngắn lại. Ước tính, để chăm sóc khoảng 70 bệnh nhân tập trung đồng thời thì một cơ sở điều trị cần phải có tới 250 nhân viên y tế.

Rào cản lớn nhất chính là nỗi sợ hãi

Sáu tháng sau khi dịch bệnh Ebola bùng phát, nỗi sợ hãi chính là rào cản khó vượt qua nhất. Lo sợ sẽ bị giám sát, các gia đình đã cố tình che giấu người thân có các triệu chứng của Ebola hoặc tìm đến các thầy lang thay vì đến cơ sở y tế điều trị. Chính điều này đe dọa sự an toàn của cả cộng đồng và thách thức trước lực lượng phòng chữa bệnh của quốc gia và cả quốc tế. Đội ngũ nhân viên y tế cũng lo sợ cho cuộc sống của chính họ. Cho tới nay, có hơn 170 nhân viên y tế đã bị nhiếm bệnh và ít nhất 81 người trong số đó đã chết vì phơi nhiễm Ebola.

Rào cản kiểm soát dịch bệnh tiếp tục bị tổn hại khi các hãng hàng không từ chối vận chuyển thiết bị bảo hộ cá nhân và các dịch vụ chuyển phát nhanh từ chối vận chuyển mẫu bệnh phẩm (dù đã được đóng gói đúng cách và an toàn) tới các phòng thí nghiệm của WHO.

Xác nạn nhân Ebola bị vứt ngoài đường

Sự sợ hãi còn vượt xa ngoài Tây Phi, lan truyền tới cả các nước phát triển có hệ thống y tế tốt dù kịch bản lây truyền của Ebola không dễ dàng để mọi người lo lắng tới vậy. Vi-rút Ebola rất dễ lây nhưng chắc chắn không dễ như ta hít thở không khí. Sự lây truyền đòi hỏi phải có tiếp xúc gần với các chất dịch từ cơ thể của người bệnh qua tiếp xúc gần gũi như chăm sóc sức khỏe, giao tiếp gần trong gia đình hoặc tại cơ quan hoặc tục lệ mai táng truyền thống. Ở Guinea, khoảng 60% các trường hợp có liên quan đến những tục lệ mai táng và phụ nữ là người bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Sự lan truyền

Thời gian ủ bệnh của vi-rút Ebola là 2-21 ngày nhưng người mắc Ebola chỉ là tác nhân truyền bệnh khi khởi phát các triệu chứng. Các triệu chứng càng xấu đi thì khả năng truyền vi-rút lại càng tăng lên.

Một cách tích cực, sự sợ hãi dẫn đến một mức độ cảnh giác cao trên toàn thế giới. Với sự cảnh giác của các quốc gia, bất kỳ trường hợp nhiễm bệnh hoặc di chuyển nào sẽ được nhanh chóng phát hiện và giúp hạn chế sự lan truyền dịch bệnh. Mô hình này đã được minh chứng rõ ràng trong dịch SARS năm 2003.

Tuần trước, một ủy ban khẩn cấp đã được triệu tập theo quy định của Điều lệ Y tế quốc tế để xem xét tất cả các bằng chứng và nhất trí rằng bệnh dịch Ebola hiện tại đáp ứng các tiêu chí để được tuyên bố nó là một trường hợp y tế khẩn cấp đối với cộng đồng quốc tế. Ủy ban này cũng khuyến cáo rằng, các ổ dịch ở phía tây châu Phi tạo nên một "sự kiện bất thường" và là nguy cơ y tế công cộng cho các quốc gia khác. Những hậu quả có thể của sự lây lan quốc tế là đặc biệt nghiêm trọng dựa trên độc lực của vi-rút. Các quốc gia có hệ thống y tế yếu kém sẽ nằm trong nhóm nguy cơ cao nhất và bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Một phản ứng phối hợp quốc tế là cần thiết để ngăn chặn và đẩy lùi sự lây lan của Ebola.

Theo Megafun.vn