Sở dĩ ông Dũng bị ghét đến vậy (dù đại đa số họ chưa hề biết ông Dũng là người như thế nào) là bởi ông này trong tháng 6 vừa qua đã có một phát ngôn gây sốc: Đồ Sơn, Quất Lâm không có nạn mại dâm (tất nhiên là oan cho ông này, vì phát ngôn của ông là dựa vào “báo cáo láo” của các địa phương).
Đồ Sơn bị “soi”
Phản ứng trước thông tin ông Phạm Ngọc Dũng đưa ra, một loạt các cơ quan báo chí đã vào cuộc, tìm hiểu và phản ánh. Hàng chục bài viết dưới nhiều góc độ đều khẳng định: Mại dâm ở Đồ Sơn là phổ biến và nó đã thành một “công nghệ”, thành một “ngành du lịch”.
Té ra, chỉ vì phát ngôn trên mà Đồ Sơn đã bị soi, từ đó khá nhiều người “ăn theo” dịch vụ mại dâm ở đây đã mất hoặc giảm thu nhập. Ở Đồ Sơn có hơn trăm người làm nghề lái taxi, xe ôm và đại đa số họ đều kiêm nghề dắt mối đưa khách tới “vui vẻ” tại các nhà nghỉ, khách sạn. Một tỉ lệ rất lớn những người đang mưu sinh ở Đồ Sơn đều nhiều hoặc ít nhiều liên quan đến “gái”. Hơn trăm chủ khách sạn, nhà nghỉ rõ ràng là có mối liên hệ mật thiết với mại dâm. Rất ít khách đến Đồ Sơn để nghỉ ngơi thư dãn đơn thuần.
Nguồn thu của chủ khách sạn, nhà nghỉ và kèm theo đó là đội ngũ những người phục vụ dọn dẹp buồng phòng chủ yếu nhờ vào kinh doanh thân xác của chị em. Thêm vài chục “ma cô” dắt gái, chừng ấy người chuyên chạy xe máy đi theo các đoàn khách tiếp thị phòng nghỉ và khoảng hơn trăm bảo vệ, trông xe… tất cả đều hưởng lợi từ dịch vụ mại dâm. Vậy mà nay, chỉ vì một câu nói, để rồi báo chí ào ào vào cuộc, mọi thứ liên quan đến “công nghệ gái” ở Đồ Sơn bị siết chặt, ảnh hưởng tới “nồi cơm” của hàng trăm người...
Người dân là vậy, còn chính quyền thì sao? Ngày 8.7, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm 6 tháng đầu năm 2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và ma túy, mại dâm đã yêu cầu kiểm điểm nghiêm túc đối với lãnh đạo và trưởng công an 3 địa phương thuộc TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Nam Định vì buông lỏng quản lý để tệ nạn mại dâm gây bức xúc trong dư luận. Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương trên phải kiểm điểm nghiêm túc đối với lãnh đạo và Trưởng công an thị xã Đồ Sơn (TP.Hải Phòng), quận Bình Thạnh (TP.Hồ Chí Minh), và huyện Giao Thủy (Nam Định) vì có tình trạng buông lỏng quản lý, để tệ nạn mại dâm hoạt động trắng trợn.
Mại dâm “rón rén”
Những ngày sau “cơn bão”, người ta ghi nhận Đồ Sơn đã thực hiện đúng như báo cáo, tức là “không có mại dâm”. Các nhà nghỉ chỉ phục vụ khách đến… nghỉ. Chẳng một bóng dáng ''cò mồi'', không còn cảnh chị em ăn mặc mát mẻ dập dìu mồi chài khách. Từ ông chủ nhà nghỉ, anh xe ôm, chị dọn phòng mà chúng tôi gặp mặt đều buồn rười rượi. Rất đông chị em tranh thủ “có động” đã khăn gói về quê “nghỉ giải lao”, khiến Đồ Sơn thiếu hẳn đi sự nhộn nhịp.
Nhưng chỉ được non tháng, sau những ngày “động”, cuộc sống ở Đồ Sơn lại trở về như cũ và tất nhiên “ngành công nghiệp không khói” ở đây cũng bắt đầu rục rịch khởi động. Ngày 7.7, chúng tôi trở lại Đồ Sơn, tìm tới những khu phố “đèn đỏ” trung tâm. Dọc khu vực gần nhà khách Bộ Xây dựng, nơi vẫn được mệnh danh là “siêu thị gái” giờ đây không còn cảnh nhộn nhịp, nhưng cũng chẳng vắng vẻ như những ngày bị “động”. Có chăng, hoạt động mại dâm đã “rón rén” hơn. Các dãy nhà nghỉ vẫn mở cửa đón khách nhưng không còn cảnh “cò” phi ra đường, chặn đầu xe của khách. Gã bạn đi cùng tỏ vẻ hiểu biết: “Thời điểm này, không phải cứ có tiền là có gái như trước đây. Bọn ''cò mồi'' cảnh giác trước bất cứ ai cầm máy ảnh, vì họ đều nghi ngờ là trong số đó có nhà báo”.
Dừng xe trước cửa một nhà nghỉ, gã bạn hất hàm hỏi một nhân viên trông xe: “Gọi cho anh mấy em, anh có khách”. Như chưa tin tưởng lắm vào vị khách mới đến, gã trông xe lừng chừng “giở đòn gió”: “Các anh vào uống nước, thuê phòng nghỉ ạ?”. “Ra đây nằm nghỉ à? Tao có điên đâu. Thôi, anh đến đây suốt ngày, chú mày không phải dè chừng đâu” - gã bạn tôi ra vẻ kẻ cả.
Như đã nhận ra khách quen, ''cò mồi'' dạ, vâng rồi lấy điện thoại “điều hàng”. Vẫn là những động tác dắt các em xếp hàng cho khách chọn, tôi tranh thủ tác nghiệp, chụp được bức ảnh “thời sự” để khẳng định tới ngày 7.7.2013 chúng tôi vẫn thấy mại dâm ở Đồ Sơn.
Triệt tận gốc mại dâm ở Đồ Sơn: Bất khả thi?
Đầu tháng 7/2013, CA Hải Phòng tổ chức họp báo về tình hình an ninh trật tự 6 tháng đầu năm 2013. Tại cuộc họp báo này, Trưởng CA quận Đồ Sơn Đinh Đình Thanh nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến tình trạng mại dâm ở Đồ Sơn. Trên cương vị là lãnh đạo CA quận, ông Thanh tái khẳng định việc phòng, chống tệ nạn mại dâm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Trước thông tin dư luận cho rằng chính quyền địa phương có ý làm ngơ cho tệ nạn mại dâm để phát triển du lịch, ông Thanh khẳng định việc đó là hoàn toàn không có. Việc đấu tranh với các tệ nạn xã hội là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng (trong đó có lực lượng CA). Để chặn đứng và làm giảm tệ nạn mại dâm, lực lượng CA đã thực hiện nhiều biện pháp, đặc biệt chú ý vào nhóm có nguy cơ cao liên quan đến tệ nạn mại dâm. Lực lượng CA tập trung xóa phá các tụ điểm liên quan đến tệ nạn mại dâm…
Không công nhận tình trạng tệ nạn mại dâm ở Đồ Sơn là phổ biến, ông Thanh lý giải: Đồ Sơn là địa bàn du lịch, có hàng triệu lượt khách. Lượng khách biến động liên tục nên một số đối tượng trà trộn làm khách du lịch, lén lút bán dâm. Mặt khác lực lượng chức năng phòng, chống tệ nạn mại dâm còn gặp khó khăn vì chế tài xử lý đối với gái mại dâm thiếu tính răn đe. Ông Thanh đưa ra căn cứ cụ thể là Nghị định 178 ngày 15.10.2004 của Chính phủ quy định người có hành vi bán dâm chỉ bị cảnh cáo, phạt tiền từ 100 đến 300 nghìn đồng
Cho rằng gái mại dâm trà trộn làm khách du lịch để bán dâm xem ra rất thiếu thuyết phục. Không cần tới nghiệp vụ công an, chỉ bằng những quan sát bình thường cũng có thể thấy mại dâm ở Đồ Sơn hoạt động rất rầm rộ, chuyên nghiệp và công khai. Các cơ quan chức năng ở Đồ Sơn và TP.Hải Phòng tới đây có thể sẽ rất “khó xử” khi phải báo cáo Chính phủ về tình trạng mại dâm ở Đồ Sơn. Tái khẳng định Đồ Sơn không có mại dâm sẽ gặp búa rìu dư luận. Thẳng thắn nhìn nhận rằng tệ nạn mại dâm phổ biến ở Đồ Sơn, sẽ bị “truy” là trách nhiệm ở đâu khi để tệ nạn này có những diễn biến phức tạp trong một thời gian dài?