TIN TỨC » Dòng sự kiện

Dương Chí Dũng có trách nhiệm chứng minh lời khai của mình

Thứ tư, 05/02/2014 14:26

Sau khi vụ án "Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước" được khởi tố, một mặt hoan nghênh tinh thần ăn năn, hối cải của Dương Chí Dũng, nhưng luật sư cũng cho rằng, Dương Chí Dũng phải có trách nhiệm chứng minh lời khai của mình.

Có thể lời khai của Dương Chí Dũng không chính xác?

Trong phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng ngày 7-8/1 vừa qua, Dương Chí Dũng đã xuất hiện tại tòa với tư cách người làm chứng. Cũng tại phiên tòa này, Dương Chí Dũng đã tiết lộ thông tin về danh tính “ông anh” là cán bộ cấp cao trong Bộ Công an, người đã “mật báo” tin để Dũng thực hiện cuộc “đào tẩu” vào chiều ngày 17/5/2012. Không chỉ vậy, Dương Chí Dũng cũng đã khai nhận việc đưa “quà lót tay” trị giá 500USD cho cán bộ công an này để nhờ lo lót vụ bê bối xảy ra tại Vinalines.

Theo Luật sư Nguyễn Đắc Thực (Đoàn luật sư TP.Hà Nội, Công ty Luật TNHH Minh Thư), những thông tin mà Dương Chí Dũng đã khai tại tòa có thể được xem xét là tình tiết giảm nhẹ nếu qua quá trình điều tra, xác minh lời khai của Dương Chí Dũng là có thật, xác định được bị can đã mật báo cho Dương Chí Dũng.

Trong phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng, Dương Chí Dũng đã tiết lộ thông tin về "ông anh" mật báo

Tuy nhiên, nếu trong quá trình điều tra, nếu xác minh lời khai của Dương Chí Dũng là không chính xác hoặc không thể xác minh được bị can đã tiết lộ bí mật thì không thể coi lời khai của Dương Chí Dũng là tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự.

Xung quanh thông tin cho rằng nếu vụ án đưa - nhận hối lộ bị khởi tố, thì vợ Dương Chí Dũng là bà Phạm Thị Mai Phương có khả năng sẽ bị coi là đồng phạm, luật sư Thực nhận định, nếu có căn cứ xác định Dương Chí Dũng cùng vợ đã đến nhà riêng của cán bộ công an đã mật báo tin cho bị cáo Dũng bỏ trốn để đưa “quà” và Cơ quan tố tụng khởi tố vụ án “Đưa hối lộ - Điều 289” thì chắc chắn Dương Chí Dũng cùng vợ sẽ bị khởi tố với tội danh “đưa hối lộ - Điều 289”. Và việc Dương Chí Dũng khai đưa hối lộ được coi là lời tự thú của bị can, đồng thời sẽ được coi là tình tiết giảm nhẹ của tội này.

Tuy nhiên,  việc xác định lời khai của Dương Chí Dũng có thật hay không còn phụ thuộc nhiều vào kết quả xác minh của cơ quan tiến hành tố tụng, cũng không được loại trừ khả năng là lời khai của Dương Chí Dũng không chính xác.

Cần xác minh tính xác thực trong lời khai Dương Chí Dũng

Trước đó, có thông tin cho rằng căn cứ theo quy định tại Nghị quyết 01/2001/NQ-HĐTP  ngày  15 tháng  3 năm 2001 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì Dương Chí Dũng có cơ hội thoát án tử. Luật sư Nguyễn Đắc Thực cũng khẳng định, căn cứ theo quy định của Nghị quyết này thì nếu bị cáo hoặc gia đình bị cáo “Đã bồi thường được ít nhất một phần hai giá trị tài sản bị chiếm đoạt; Đã bồi thường được từ một phần ba đến dưới một phần hai giá trị tài sản bị chiếm đoạt, nếu có căn cứ chứng minh rằng người phạm tội (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội) đã thực hiện mọi biện pháp để bồi thường giá trị tài sản bị chiếm đoạt (đã bán hết nhà ở, tài sản có giá trị; cố gắng vay, mượn... đến mức tối đa)” thì HĐXX có thể không xử phạt tử hình.

Việc Dương Chí Dũng có thoát án tử hình hay không thì còn phụ thuộc vào nhận định của HĐXX, bởi Nghị Quyết 01/2001/NQ-HĐTP  ngày  15 tháng  3 năm 2001 chỉ quy định là “ có thể không xử phạt tử hình”.

Bị cáo có trách nhiêm chứng minh lời khai của mình

Trước những lời khai gây chấn động của Dương Chí Dũng trong phiên tòa xét xử cựu PGĐ Công an Hải Phòng Dương Tự Trọng, Tiến sĩ Phùng Trung Tập (Trưởng khoa Luật Dân sự, Đại học Luật Hà Nội) khẳng định: “Căn cứ vào tình tiết của vụ án thì khi bị cáo đã khai "ông anh" ở Bộ Công an thì có thể là có rồi”.

TS. Phùng Trung Tập cho rằng việc Dương Chí Dũng đã khai tại tòa về danh tính "ông anh" là rất đáng hoan nghênh

Tiến sĩ Tập cũng cho rằng, việc Dương Chí Dũng đã tự nguyện khai trước tòa thông tin về một “ông anh” đã mật báo để mình bỏ trốn như vậy là rất đáng hoan nghênh, cần ghi nhận và đặc biệt lưu ý, bởi điều này đã thể hiện được tinh thần ăn năn, hối cải của bị cáo. Tuy nhiên, việc lời khai ấy có đúng hay không thì trách nhiệm xác minh thuộc về cơ quan điều tra.

Ông Tập cũng khẳng định :“Khi bị cáo Dũng đã khai ra con người cụ thể là “một ông anh trong Bộ Công an” thì bên cạnh trách nhiệm của cơ quan điều tra, bị cáo cũng phải có trách nhiệm chứng minh, đối chất về lời khai của mình.”

Ông Phùng Trung Tập khẳng định, Dương Chí Dũng có trách nhiệm chứng minh lời khai của mình

Cũng theo ý kiến của ông Trưởng khoa luật Dân sự (Trường ĐH Luật HN), khi bị cáo Dương Chí Dũng đã khai ra người mật báo là “một ông anh ở Bộ Công an” thì cơ quan điều tra của Bộ Công an phải vào cuộc để điều tra, đối chiếu lời khai của bị cáo đối với người cụ thể có thật không.

Theo Đời sống Pháp Luật