Bỗng dưng “nổi tiếng”
Sau loạt bài sự thật về cuộc đời gã ăn xin có thu nhập khủng tại khu vực Văn Miếu– Quốc Tử Giám (Hà Nội) được đăng tải, nhiều độc giả bức xúc khi lòng tốt của mình vô tình bị lợi dụng bởi chính người mà họ đã từng cảm thương và muốn chia sẻ.
Sau một thời gian bị người đi đường “tẩy chay”, gã ăn xin lui về “ở ẩn”. Sự mất tích của gã khiến nhiều người thấy an tâm và thoải mái hơn mỗi khi đi qua khu vực này.
Nhưng… tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) vào những ngày đầu tháng 11 (âm lịch), người ta lại bắt gặp hình ảnh gã ăn xin lê lết trước cửa chùa. Gã vẫn dùng “chiêu bài” cũ là để đôi chân lở loét trần trụi trong gió, bụi; gương mặt nhăn nhó, đau đớn mỗi khi ai đi qua và dừng lại có ý cho gã tiền; vẫn cái nạng gỗ, chiếc mũ bảo hộ lao động đã sờn đồng hành cùng bộ quần áo rách rưới, bốc mùi hôi.
Nhiều người lướt qua gã và để lại cái nhìn thương hại. Cũng có vài người dừng lại cho gã tiền. Nhưng chỉ một thao tác qua đường rất chuyên nghiệp đã giúp gã “biến mất” giữa con đường đông nghịt người đi hành hương. Gã không để lại dấu vết nào vào đúng giờ sẽ phải “lột xác” thành anh chàng ăn mặc bảnh bao trong ngôi nhà trên phố Phan Văn Trị.
Chúng tôi trở lại khu vực Văn Miếu – Quốc Tử Giám vào buổi hôm sau, theo lịch làm việc trước kia của gã ăn xin. Không khó để nhận ra hình dáng quen thuộc những ngày qua đã làm “dậy sóng” cư dân mạng. Hỏi ra mới biết, giờ gã ăn xin đã trở thành nhân vật khá nổi tiếng ở khu vực này. Khi gã lui về “ở ẩn”, nhiều người qua đường còn dừng lại nơi quán nước để hỏi thăm tung tích của gã. Những cái nhún vai của những người lao động nơi đây chính là câu trả lời cho hành tung từ lâu luôn là ẩn số của gã ăn xin.
Đứng chờ đèn đỏ cùng những người tham gia giao thông khác, một đôi nam nữ mắt không rời hình ảnh gã ăn xin, tay chỉ trỏ về phía gã đang lết đôi chân lở loét, giơ cái mũ về phía người đi đường để… xin tiền. “Là cái tay ăn xin giả mà báo chí đã viết đấy. Gã không biết xấu hổ là gì hay sao mà vẫn giả vờ lê lết đi xin ăn nhỉ? Giá như gã thay đổi cái hình dạng đi có khi người ta không nhận ra họ còn cho tiền. Đằng này…” – cô gái ngồi sau xe lên tiếng. “Có lẽ gã nhớ “nghề” và cũng không có nguồn thu nhập khác để phục vụ cho nhu cầu hút chích của mình nên lại quay trở lại ấy mà” – người con trai quay lại phía bạn gái mình, lắc đầu.
Ánh mắt van lơn trong hình hài cũ
Sự trở lại của gã ăn xin một lần nữa làm dậy lên “làn sóng” bức xúc của những người đi qua khu vực Văn Miếu. Nhiều người ném cho gã ánh nhìn đầy khinh bỉ.
Bỏ qua tất cả những lời bàn tán cùng sự dè bỉu của mọi người, gã ăn xin vẫn duy trì cho mình lịch làm việc và những hoạt động như trước khi cuộc đời của mình được đưa ra ngoài “ánh sáng”. Nhưng mọi động thái đều được bao bọc bởi đôi mắt của gã. Gã quan sát rất nhanh và không bỏ qua đối tượng nào theo gã là đang theo dõi hành động của mình.
Mỗi lần lấy được lòng thương cảm của những người đi đường, những người chưa biết được sự thật về cuộc đời gã ăn xin có thu nhập siêu khủng này, để họ bỏ vào đó 5 nghìn, 10 nghìn… đợi đèn xanh bật lên, gã lại đi ra sau box điện thoại và tự thưởng cho mình nụ cười đắc thắng.
Ngày làm việc trở lại của gã được chia nhỏ hơn. Sau khi vào con ngõ nhỏ để kiểm tra số tiền kiếm được trong ngày, cũng để “đánh lạc hướng” những ánh mắt đang nhìn mình, gã tiếp tục trở lại “địa bàn” với những chiêu bài đã được “định vị”. Nhưng lần này không còn là sự lựa chọn xe sang hay người có “tiềm năng”, gã mới đi xin tiền. Bất kì ai đứng gần phía gã cũng nhận được những lời tha thiết của gã ăn xin này. Cũng ít hơn những cánh tay đưa ra để cho gã tiền. Người đi đường cũng ít nhiều biết về “bộ mặt thật” của con người với hành tung bí ẩn này.
Đi bộ quanh khu vực Văn Miếu để nghe được nhiều hơn những tâm sự của lữ khách qua đây về hình ảnh gã ăn xin, tôi bắt gặp nhiều ánh mắt thăm dò của gã. Gã cảnh giác với cả những người cho mình tiền. Khi đi lướt qua gã, vết loét như vết dao rạch sâu trên chân của gã ăn xin đang loét dần ra để lộ cả phần xương bên trong, lốm đốm những vết trắng của phần da bị bỏng lâu ngày không được chữa trị, đôi môi thâm tím cùng ánh mắt đầy van lơn đã níu chân tôi dừng lại.
Thấy tôi dừng chân, nét mặt gã chuyển sang trạng thái nhăn nhó đến tội nghiệp. Cùng hai người đi đường khác, tôi cũng dành cho gã chút “lòng hảo tâm”. “Cháu bị ngã, bị bỏng vôi. Đau lắm cô ơi…” – giọng gã đầy van lơn khi có người hỏi thăm đôi chân bỏng đang lết đi giữa cái lạnh của tiết trời mùa đông và cái bụi bẩn của đường phố Hà Nội. Giọng van lơn đấy nhưng gã cũng nhanh chóng tìm cách tránh phải trả lời thêm bất kì câu hỏi nào liên quan tới đôi chân của mình.
“Bị bỏng à?” – hai thanh niên đi xe máy dừng chờ đèn xanh đèn đỏ, sau khi quan sát gã ăn xin cũng không quên dành cho gã sự thương cảm. Đáp lại tình cảm của mọi người dành cho mình, gã cũng tỏ thái độ rất “lễ phép”: “Dạ vâng, cháu bị bỏng vôi. Cháu không sao, cháu không cần chữa đâu. Cháu cảm ơn các cô, các bác…” – vừa nói gã vừa cúi đầu “cảm ơn” người đi đường rồi nhanh chóng lui lại phía sau để tránh mọi sự bàn tán và dò xét của người khác. Nhưng gã không quên giữ cho mình nét mặt nhăn nhó đến khắc khổ…