Trong những ngày gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp mở cửa nhà riêng trên phố Hoàng Diệu (Hà Nội) để đón đồng bào vào viếng, hàng chục ngàn lượt người xếp thành hàng dài từ sáng sớm với mong muốn hoàn thành tâm nguyện được vĩnh biệt vị tướng huyền thoại lần cuối cùng.
Không ít người có mặt từ 3-4h sáng, cũng có người nhịn đói để kịp chuyến xe ô tô đêm và cả những người chờ đợi hàng tiếng đồng hồ dưới trời nắng hanh hao cuối thu… để được vào viếng Đại tướng. Cảm động sâu sắc trước tấm lòng của đồng bào cũng như muốn tỏ lòng tri ân với công lao của Đại tướng, gia đình cô Nguyễn Thị Thu (Phố Điện Biên Phủ - Hà Nội) đã cung cấp dịch vụ nước uống, bánh mì, quạt hoàn toàn miễn phí.
“Việc làm của tôi rất nhỏ bé”
Tấm biển "Miễn phí nước uống, bánh mì” được đặt ngay bên vỉa hè khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Ban đầu cũng có người tỏ ra ngần ngại, thậm chí không tin nhưng dần dần nhiều người biết được tấm lòng thơm thảo của cô Thu.
Trò chuyện với chúng tôi sau khi vừa bổ sung thêm bánh mì, bê thêm nước uống, trong ánh mắt của cô không giấu được sự khâm phục và cảm động trước tình cảm của đồng bào đối với Đại tướng.
Khi nói về việc làm của mình, người phụ nữ này tỏ ra khiêm tốn, cô nhắc đi nhắc lại đầy cảm động: “Việc làm của tôi so với tấm lòng của đồng bào dành cho Đại tướng là quá nhỏ bé, bình thường. Tôi không cầu lợi gì cho bản thân qua việc làm này, tất cả chỉ xuất phát từ tấm lòng mà thôi”.
Với quan niệm sống vì tất cả mọi người xung quanh, đặt chữ đạo lý lên trên hết, cô Thu đã tham gia rất nhiều hoạt động từ thiện khác như ủng hộ giúp đỡ người nghèo, ủng hộ quỹ mổ tim cho trẻ em… Thậm chí, có những bữa cơm, cô sẵn sàng nấu thêm để cho những ai lang thang, cơ nhỡ đi qua.
“Tôi luôn dạy con tôi, san sẻ một miếng thịt, miếng cá của mình là nhiều người ngoài kia đã có thêm bát cơm để ăn rồi”, cô Thu chia sẻ.
Bánh mỳ, nước uống, quạt điện miễn phí
Sinh trưởng và lớn lên ở Hà Nội, từ bé cô Nguyễn Thị Thu không chỉ được nghe nhiều câu chuyện cảm động về Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua sách báo, mà may mắn hơn khi được sống cùng tổ dân phố, cùng phường với gia đình Đại tướng. Ngôi nhà hiện tại của cô và chồng sinh sống cách không xa ngôi nhà của Đại tướng.
Đọng lại trong ký ức của cô Thu là hình ảnh gia đình Đại tướng luôn gần gũi với mọi người xung quanh. Cô kể: "Tôi còn nhớ cách đây mấy chục năm, hồi những năm 1990-1992, Đại tướng vẫn đi dạo qua nhà tôi. Đại tướng là người anh hùng, có công lao với đất nước nhưng sống rất hòa mình với quần chúng”.
Việc làm ý nghĩa của cô Thu được bắt đầu từ chiều 6/10, khi gia đình Đại tướng bắt đầu mở cửa đón khách vào viếng, ban đầu chỉ có nước uống nhưng sau đó có thêm bánh mì và 3 quạt điện miễn phí. Theo lời cô Thu, khi thấy đồng bào đến viếng quá đông, trong lòng thầm nghĩ “mọi người có tấm lòng như vậy thì mình cũng nên làm việc tốt”.
Vượt quãng đường hơn 300km, bác Nguyễn Sỹ Phước (Thanh Chương – Nghệ An) bày tỏ: “Tình cảm của cô Thu cũng là của người dân Thủ đô với mọi người từ khắp nơi về viếng Đại tướng. Tôi từng tham gia quân ngũ nên thấy vinh dự khi được về viếng Đại tướng. Đi xe đêm để kịp có mặt tại Hà Nội lúc tảng sáng nên chưa kịp ăn gì, khi biết nhà chị Thu chuẩn bị bánh mỳ thế này, tôi thấy quá chu đáo”.
Từ sáng 7/10, cô Thu đã chuẩn bị sẵn bánh mì miễn phí để phục vụ đồng bào. Từng chiếc bánh nóng hổi được đưa đến tận tay đồng bào trong buổi sáng sớm, khiến nhiều người xúc động, sự xích lại gần nhau giữa những người dân đất Việt thật đáng quý.
“Sáng 8/10, tôi phát khoảng 2.000 chiếc bánh mì từ lúc 7h sáng, trong nháy mắt đã hết nhẵn. Sau đó, tôi phải nhờ đến cánh xe ôm đi gom toàn bộ bánh mì trên khắp Hà Nội, kể cả mua của gánh hàng rong để kịp phát vào buổi trưa. Dưới thời tiết nắng nóng, mọi người đều nhích từng bước trong dòng người nối dài, lòng tôi thấy cảm động vô cùng”, cô Thu rưng rưng kể.
Trong mấy ngày phục vụ bánh mì miễn phí, cô Thu không thể quên được hình ảnh của một đoàn gồm khoảng 8 người từ Thanh Hóa đến viếng Đại tướng.
“Lúc đó khoảng 10h30 sáng, tôi thấy 8 người khoảng 60-70 tuổi đang rất đói, gần như sắp lả đi. Khi đi qua cửa nhà thì tôi chỉ còn có mấy cái bánh mì. Tôi nói họ cầm tạm rồi sẽ đi mua thêm. Rất may lúc đó có một người bán bánh mì đi ngang qua, tôi gọi vào mua hết tất cả số bánh mì người bán có. Tôi cảm động về tấm lòng của những người già hôm đó và có lẽ không bao giờ quên được”, cô Thu kể lại.
Không chỉ có người Việt Nam mà cả những người nước ngoài đến viếng Đại tướng cũng vào uống nước và ăn bánh mì miễn phí. Biết được việc làm ý nghĩa này, rất nhiều người vào cảm ơn và trân trọng tình cảm của cô đã dành cho đồng bào từ khắp mọi nơi về Hà Nội.
Chị Nguyễn Thị Hà (Từ Liêm – Hà Nội) cầm trên tay chiếc bánh mì mà nghẹn ngào: “Xếp hàng gần 3 tiếng nhưng được tới viếng Đại tướng là điều may mắn với tôi. Lòng tôi cảm thấy rất thanh thản và khi ăn chiếc bánh mì mà gia đình chị Thu cung cấp miễn phí lại càng thấy xúc động hơn. Đúng là làm việc ơn nghĩa vì mọi người, thật không biết nói sao cho hết tình cảm đáng quý này”.
Tự bỏ tiền để làm việc thiện
Ngoài đặt bánh mì với số lượng hàng ngàn chiếc mỗi ngày, gia đình cô Thu còn đặt mua hàng hàng chục bình nước khoáng. Số tiền bỏ ra không phải là ít nhưng cô Thu vẫn sẵn sàng và đến nay vẫn chưa có thống kê cụ thể.
Cô Thu chia sẻ: “Tất cả là ở tấm lòng, tôi chưa tính toán cụ thể. Tôi thấy ấm áp khi được tiếp sức cùng đồng bào đến viếng Đại tướng”.
Không ít người khi nghe được việc làm đáng trân trọng của cô Thu đã tới xin đóng góp một phần nhỏ bé để mua bánh mì, nước uống miễn phí cho những người đến viếng Đại tướng. Tuy nhiên, cô Thu đã nhẹ nhàng từ chối. “Tôi rất cảm ơn sự chung tay của nhiều người nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn đang tự mình cố gắng được”, cô Thu bày tỏ.
Trong khi chúng tôi đang trò chuyện với cô Thu, anh Nguyễn Khắc Sơn (Thị trấn Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội) đề nghị được đóng góp 500.000 đồng, coi như chút tấm lòng để dành mua nước cho những người thăm viếng. Anh Sơn nói: “Tôi chỉ nghĩ là góp một phần động viên đồng bào trong khi viếng Đại tướng”.
Trước tấm lòng của anh Sơn, cô Thu bày tỏ sự cảm ơn và cho biết: “Tôi cảm ơn tấm lòng của anh Sơn. Tuy nhiên, tôi và gia đình vẫn đang cố gắng được tới ngày kết thúc viếng Đại tướng. Tôi mong anh Sơn sẽ dành số tiền đó để ủng hộ những trường hợp khó khăn khác trong xã hội”.