Như đã thông tin, vào chiều 22/10, Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án và bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Mạnh Tường (Giám đốc Trung tâm Thẩm mỹ viện Cát tường, là bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai) để điều tra về hành vi Giết người.
Theo Đại tá Dương Văn Giáp - Trưởng Phòng Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Trật tự Xã hội (PC45), Công an Hà Nội, lúc 23h, ngày 19/10, một người dân ở quận Thạch Bàn tên Tuấn phát hiện xe máy Lead màu đen vẫn cắm chìa khoá để bên vệ đường. Chiếc xe này sau đó được xác định của chị Lê Thị Thanh Huyền (SN 1974, ở 36 Hàng Thiếc, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội).
Do có nhu cầu nâng ngực nên chị Huyền đã đến thẩm mỹ viện Cát Tường số 45 Giải Phóng đặt cọc 50 triệu đồng, hẹn 11h ngày 19/10 đến để làm phẫu thuật.
Đến khoảng 12h ngày 19/10, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm Thẩm mỹ viện Cát Tường cùng 3 nhân viên là y tá đã tiến hành gây mê và sau đó là hút mỡ chị Huyền rồi nâng ngực. Đến 16h cùng ngày thì phẫu thuật xong. Khoảng 30 phút sau, chị Huyền có những biểu hiện như co giật.
Đến 17h40 cùng ngày, chị Huyền bị tím tái, sùi bọt mép và đã được báo cho BS Tường. BS Tường tiếp tục tiến hành các biện pháp cấp cứu nhưng chị Huyền đã tử vong. Sau đó, để phi tang xác chị Huyền, ông Tường dùng xe ô tô cá nhân mang BKS: 29A - 4881 cùng nhân viên bảo vệ Đào Quang Khánh (SN 1996, quận Hoàn Kiếm, HN) chở đến cầu Thanh Trì thì dừng xe lại, rồi khênh xác chị Huyền vứt xuống sông Hồng.
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến - Trưởng Văn phòng luật Đức Thịnh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, theo thông tin vụ thẩm mỹ viện làm chết người, vứt xác mà báo chí đưa tin ban đầu thì có thể quy vào 2 hành vi: gây chết người và xâm phạm thi thể.
Theo Luật sư Tiến, để xác định trách nhiệm hình sự cụ thể của Thẩm mỹ viện Cát Tường thì cần điều tra, làm rõ nguyên nhân cái chết của nạn nhân.
Trong trường hợp, nạn nhân chết không phải do thẩm mỹ viện mà do một nguyên nhân nào khác như trước đó ăn uống phải một chất gì đó gây đột tử, ảnh hưởng đến sức khỏe… thì các nhân viên này không có lỗi và không bị truy cứu về cái chết của nạn nhân.
Còn nếu nạn nhân chết là do lỗi của Trung tâm thẩm mỹ viện thì cần xem nhân viên Trung tâm này có cố ý giết người không, hay do thiếu hiểu biết, thiếu tay nghề, trách nhiệm gây ra chết người.
"Ở đây khả năng cố ý giết người có thể bị loại bỏ bởi hai bên không có thù hằn gì, hơn nữa không ai dại gì cố ý giết người trong hoàn cảnh như thế này vì sẽ bị bại lộ, không giấu diếm được. Vậy nếu nạn nhân chết là do lỗi của thẩm mỹ viện, thì thẩm mỹ này đã phạm tội "vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp" theo quy định tại Điều 99, Bộ luật hình sự.
Mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 6 năm tù đối với trường hợp làm chết 1 người, nếu 2 người chết thì phạt tù 12 năm… Ngoài ra, họ còn phải chịu thêm các hình phạt phụ khác như cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm…" - luật sư Tiến cho hay.
Về hành vi phi tang xác, Trung tâm thẩm mỹ viện và nhân viên mang xác đi phi tang đã phạm tội xâm phạm thi thể theo quy định tại Điều 246, Bộ luật Hình sự. Với tội danh này, mức phạt tù cao nhất là 5 năm. Ngoài ra, nhân viên bảo vệ (có hành vi cùng đi phi tang xác nạn nhân cùng ông Tường) sẽ bị kết tội là đồng phạm với người phạm tội. Đây được coi là hình thức tăng nặng sau khi có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng.