Cây cau kiểng…oan nghiệt
Chúng tôi đến thăm gia đình bé Trần Lương Quốc Bảo (9 tuổi), đứa bé tắm mưa bị một xe du lịch cán chết vào chiều 12/7 trên đường Phạm Văn Đồng (P.11 Q. Bình Thạnh TP.HCM).
Anh Trần Lân (43 tuổi), cha bé Bảo tiếp chúng tôi trong nỗi đau cùng cực. Rời quê Đại Lộc (Quảng Nam) vào năm 2000, gia đình anh gồm 2 vợ chồng và cháu gái đầu lòng xuôi vào Nam tìm kế sinh nhai. Anh làm thợ sơn nước cho một nhà thầu với tiền công rẻ mạt. Chị đi mua và nhặt ve chai trong các con hẻm. Thu nhập chỉ vừa đủ ở mức tối thiểu của một gia đình lao động nghèo. 6 năm sau, chị sinh bé Bảo.
Có con nhỏ chị không thể tiếp tục lam lũ với nghề ve chai. Chị được nhận vào làm tạp vụ cho một xí nghiệp gần nhà. Bé Bảo lớn lên thành đứa trẻ ngoan ngoãn nhưng không kém phần hiếu động. Hàng ngày, sáng thức dậy cha mẹ đã rời khỏi nhà để lại cho 2 chị em 50.000đ. Chị Bảo lo cho em ăn sáng, ăn trưa rồi cả 2 cùng đến trường…
Buổi chiều 12/7, trời mưa to. Bảo vào xin chị cho ra ngoài tắm mưa cùng các bạn. Đây không phải lần đầu. Những lần trước, Bảo thường đứng dưới máng xối hoặc cùng lắm chạy ra con hẻm gần nhà. Lần này – cũng ngỡ như bao lần trước – chị Bảo đồng ý mà không nghĩ rằng em mình sẽ chơi xa.
Anh Lân dừng câu chuyện. Chị Hiệp, vợ anh vừa ngất. Anh cùng mọi người xúm lại. Xoa dầu, giựt tóc. Chị mở to đôi mắt ngơ ngác:“Thằng Bảo đâu rồi…” và chợt hiểu ra, nước mắt chị lại tuôn trào.
Nhiều người đến viếng. Chị gái Bảo đứng trước áo quan em cúi đầu đáp lễ. Anh Lân nhìn quang cảnh đau lòng ấy thốt lên: “cũng tại cái nghèo hết, anh ạ”.
Nếu không nghèo, anh không làm việc xa nhà. Chị không tối mắt tối mũi với công việc tạp vụ trong cơ quan. Khi con bị nạn, anh còn đừng trên giàn dáo với công việc nặng nhọc ở Bình Dương. Chị vùi đầu vào những công việc không tên thường nhật.
Anh Lân cho biết, khi về đến hiện trường thi thể Bảo vẫn còn ở đó. Nhiều người chứng kiến thuật lại:“Bảo cùng nhóm bạn ra đến giữa lộ ngay làn đường dành cho xe 4 bánh. Đùa nghịch cười giỡn và rồi, Bảo leo lên túm lấy ngọn cau đong đưa. Bất ngờ, cây cau gãy ngọn làm Bảo rơi xuống cũng vừa lúc chiếc xe 7 chỗ lao tới. Bảo bị húc mạnh văng ra nhưng cũng cố đứng dậy đi vào bồn hoa rồi gục xuống” . . .
Đám tang nghèo đông khách viếng
Quan tài cháu Bảo được đặt ngay giữa sân của khu nhà trọ. Rất đông người đến viếng. Một người dân ở đây cho biết, vợ chồng anh Lân và 2 cháu thuê nhà ở trọ tại đây đã 14 năm nên tình cảm đối với chòm xóm hết sức thân thiết. Mỗi người một tay, họ vào giúp anh trong lúc cả gia đình rơi vào trạng thái hụt hẫng.
Nghĩa tình của hàng xóm đã giúp vợ chồng anh qua được cú sốc nặng nề này. Thế nhưng trước mắt anh, cả một gánh nặng trên vai. Mong ước của thân tộc đưa cháu về quê nằm cạnh ông bà mà đường về Quảng Nam thật xa. . .
Thôi thì tới đâu hay tới đó. Vài học sinh trường tiểu học Phan Văn Trị rón rén bước vào đốt nhang cho Bảo. Nhìn bạn của con, anh Lân buồn rười rượi: “nó học giỏi lắm anh ạ. Cuối năm nó đạt học sinh giỏi và được lên lớp. Đang tính kiếm việc gì làm thêm để có chút tiền dư sắm sửa cho cháu vài thứ cần dùng kịp ngày nhập học. Vậy mà, giờ đây nó nằm trong áo quan lạnh lẽo…
14 năm rời quê vào thành phố, gia đình anh Lân nghèo vẫn hoàn nghèo. Vẫn ở nhà thuê. Hàng ngày vẫn đổ mồ hôi đổi lấy bát cơm. Cái mong ước của vợ chồng anh, bất cứ giá nào cũng nuôi 2 con thành đạt. Theo anh đó là cách đầu tư hiệu quả nhất. Anh cũng đã hết sức vui mừng và hãnh diện khi cả 2 con anh đều có kết quả học tập thất xuất sắc. Ngờ đâu…
Khách vào viếng đám tang mỗi lúc một đông. Điều này thật khó xảy ra với một người lao động nhập cư như anh. Phải chăng cách sống và tấm lòng của anh đã khiến cho nhiều người cảm mến.
Rời đám tang, một người cùng ra về với chúng tôi thổ lộ: “tội vợ chồng nó quá. Sống ở thời buổi này hiền lành và chân chất như vợ chồng nó làm sao giàu được. Mà thôi nghèo trong cái lương thiện thì cũng khó có người nào có được. Cũng mong sau sự cố này, vợ chồng nó sẽ gượng lại để cùng lo cho đứa con gái đến lúc trưởng thành.