TIN TỨC » Dòng sự kiện

Giả điên như thật, thoát án tử hình?

Thứ tư, 19/03/2014 11:18

Người ta vẫn thường ví những người được giảm án tử hình là được “xuống khỏi chuyến xe tử thần”. Với tử tội Nguyễn Văn Trận (SN 1974, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) căn bệnh thần kinh phát lộ đúng thời điểm, đã giúp y “xuống xe tử thần” hy hữu.

Kẻ cuồng ghen

Trước tòa, bị cáo Trận thõng người đứng dựa vào vành móng ngựa, mắt vô hồn thả về một góc phòng xử, chẳng quan tâm ai đang nói gì. Trong khi đó, Hội đồng xét xử vẫn gặng đặt câu hỏi: “Bị cáo có nhớ gì về việc sát hại nạn nhân không?”. 

Mặc kệ Hội đồng xét xử nín thở chờ câu trả lời, không hề biết gia đình nạn nhân đang ra sức xỉa xói, mạt sát mình,  bị cáo mải miết vân vê chiếc còng số tám trong tay như đang chơi một món đồ chơi lạ mắt.

Dù trông bề ngoài, bị cáo có trạng thái đúng như một người bệnh tâm thần, nhưng gia đình bị hại vẫn không thể nguôi giận dữ. Bởi cách đây đúng hai năm, bị cáo đã cướp đi sinh mạng của người đàn ông trụ cột gia đình, để lại mẹ già, vợ dại, con thơ. 

Theo cáo trạng, sáng 2/3/2012, Trận ra quán đầu làng ăn bún, uống rượu. Thấy một số trai làng ngồi “chén chú chén anh”, Trận buông tiếng chửi đổng: “Mấy con chó cứ quanh quẩn với vợ tao”. Trong đám trai làng có anh hàng xóm Nguyễn Văn Sơn (SN 1971, ngụ cùng thôn), người lâu nay Trận nghi vấn có quan hệ ngoài luồng với vợ mình. 

Hung thủ Nguyễn Văn Trận

Sơn nghe vậy, cũng cất tiếng trêu chọc: “Tốt nhất uống đi sau đó về nhà mà phục”. 

Về nhà, Trận bực bội đứng ở cổng, đúng lúc anh Sơn đi ăn về. Trận liền chạy vào bếp lấy hai con dao nhọn ra đường, đứng đối diện Sơn tuyên bố: “Mày lằng nhằng với vợ tao, hôm nay tao giết mày”. Không để hàng xóm phản ứng, Trận vung dao liên tiếp. 

Nạn nhân hoảng hốt bỏ chạy vào nhà một người hàng xóm. Trận không buông tha, vẫn đuổi theo chém tới tấp. Bị dính hơn chục nhát dao vào đầu, mặt, lưng, tay, anh Sơn gắng gượng dùng gạch ném lại để chống đỡ. Đuối sức, viên gạch không trúng đối phương. Hung thủ được đà xông tới, vung một nhát chí mạng vào gáy khiến nạn nhân gục xuống đất.

Sau khi ra tay tàn bạo, hung thủ vẫn thản nhiên cầm dao đi về nhà, thấy người dân vây quanh, hắn dọa: “Thằng nào vào tao chém chết”, rồi bắt xe ôm đến cố thủ ở nhà người quen tại Duy Tiên (tỉnh Hà Nam). Nạn nhân sau đó khẩn trương được đưa đi cấp cứu, do mất máu quá nhiều, đã tử vong trước khi kịp đến bệnh viện.

Vợ bị cáo cũng ngỡ ngàng khi biết chồng bị tâm thần

Vì tính chất côn đồ, giết người đến cùng, trong phiên xử ngày 20/11/2012, Trận bị TAND TP Hà Nội tuyên án tử. Người nhà bị cáo cho biết, sau khi nghe tuyên án, vì quá sợ chết, bị cáo đã có những biểu hiện của người tâm thần. 

Trước tình hình đó, TAND Tối cao đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại và cho bị cáo đi giám định tâm thần. Theo kết luận giám định của cơ quan chức năng, bị cáo Trận bị hạn chế nhận thức và điều khiển hành vi, lúc phát bệnh, lúc không, nếu phát bệnh thì không còn biết gì, lúc tỉnh lại như người bình thường. 

Tiếp đó, tại phiên tòa sơ thẩm xử lại vào ngày 28/2 vừa qua, TAND TP Hà Nội đã căn cứ tình tiết bị cáo bị hạn chế nhận thức, tuyên giảm nhẹ hình phạt từ tử hình xuống còn chung thân. 

Thoát án tử, nhưng bị cáo cũng chẳng vui mừng. Dường như, bị cáo không hề biết mình vừa thoát chết. 

Người vợ có nét mặn mà thôn quê ngồi ở phòng xử từ lúc đầu nhưng Trận tỏ vẻ chẳng nhận ra. Chị cũng không gọi chồng một câu. Nghe chồng được giảm án, chị bình thản nói: “Thôi cho anh ấy ở trong trại cho yên chứ về mà thần kinh không ổn định cũng khổ vợ con, hàng xóm lắm”. 

Người vợ bị cáo cho biết, sống hơn chục năm với nhau, dù rất ức chế chuyện ghen tuông của chồng nhưng chị không hề biết chồng có bệnh tâm thần. Chỉ khi cơ quan chức năng kết luận bị cáo bị hạn chế nhận thức, chị mới ngã ngửa, lờ mờ xâu chuỗi những hành vi, lời nói bất thường hàng ngày của chồng.

“Màn kịch” giả điên?

Tại phiên tòa, người nhà nạn nhân phản đối kịch liệt bản án. Theo họ, đây là màn “giả điên” mà phía gia đình bị cáo dựng lên để chạy tội cho kẻ giết người. Mẹ nạn nhân dù đau đớn trước sự ra đi oan khuất của đứa con trai hiền như đất, vẫn dõng dạc đề nghị HĐXX:

“Con tôi chết thì bị cáo cũng phải tử hình, gia đình tôi không chấp nhận việc giảm án tù chung thân cho bị cáo. Bị cáo sợ hãi quá với bản án tử hình, suy nghĩ nhiều nên phát bệnh thần kinh chứ lúc gây án, bị cáo hoàn toàn như người bình thường. Hỏi cả xóm ai cũng biết bị cáo là người côn đồ, đánh nhiều người, hay rượu chè. Gây án xong còn biết bỏ trốn đến một nơi xa, phải là người bình thường mới làm được điều ấy’.

Vợ nạn nhân cũng khẳng định: “Không có chuyện ngoại tình giữa chồng tôi và vợ bị cáo. Màn kịch dựng chuyện ghen tuông là do vợ bị cáo dựng nên, nhằm giảm nhẹ tội cho bị cáo. Thực tế, bị cáo tức lời “khích bác” của chồng tôi lúc ngồi trong quán, sau đó nổi máu côn đồ đuổi giết chồng tôi đến cùng. Đề nghị giữ nguyên bản án tuyên tử hình lần trước”.

Đau xót trước cái chết oan nghiệt của người thân, ấm ức trước tình huống phát điên oái oăm khiến bị cáo thoát án tử, người nhà nạn nhân cho biết sẽ kháng cáo bản án. 

Trên xe phạm nhân chờ trở về trại, bị cáo vẫn ngước lên “ngắm trời xanh” qua ô cửa sắt. Trận không hề quan tâm người nhà nạn nhân đang dứ dứ tay xỉa xói về phía mình, kèm những tiếng la ó cho trút nỗi bức xúc, đớn đau./.

Theo Pháp Luật Việt Nam