“Khánh bị bắt tôi nhớ con đến phát điên lên, đi thăm Khánh thì công an chỉ cho gửi đồ vào mà không được gặp. Hôm qua có người đến đây giới thiệu là người thân trong gia đình nhà chị Huyền. Họ thấy hoàn cảnh nhà tôi, thấy tôi ốm đau nên động viên tôi không phải suy nghĩ nhiều nữa. Họ bảo Khánh chỉ là một đứa trẻ non dại và là nạn nhân thôi, họ không trách gì gia đình tôi, nếu ra tòa thì họ cũng sẽ nói giúp để giảm tội cho Khánh”.
Bà Yến tỏ ra băn khoăn vì chưa thể thắp cho nạn nhân lấy một nén hương rồi bật khóc: “Từ hôm đó (chị Huyền mất), tôi chưa dám đến nhà người ta để thắp hương cho chị ấy. Chỗ con người với con người, mặc dù tôi rất muốn, nhưng vì sợ thái độ giận dữ nhà người ta tôi chưa cậy nhờ được ai nói giúp để tôi đến, vì tôi là người hiểu biết kém. Hôm qua gia đình nhà người ta đến đây với một tình cảm và tinh thần rất gần gũi. Tôi mong đỡ ốm là xin đến để thắp hương cho chị Huyền liền”. Theo bà Yến, cũng vì thương con bà không ngủ được, đêm nằm cứ trằn trọc, ám ảnh và luôn nghĩ về hình ảnh của một người phụ nữ vô tội đã bị cướp đi sinh mạng một cách oan uổng: “Đặt hoàn cảnh tôi là phụ nữ như người ta và như người thân gia đình họ thì thấy được nỗi khổ như thế nào trong lúc này.”
Trao đổi với chúng tôi ông Phạm Đức Quang. (cậu ruột anh Nguyễn Hữu Huy, chồng nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền) cho biết: “Nhà người ta (gia đình Khánh-PV) cũng là nạn nhân mà thôi, chúng tôi đến thấy họ tốt và hoàn cảnh nên động viên và rất thông cảm cho họ.” Trước đó, bà Nguyễn Thị Yến, mẹ của bảo vệ Khánh cũng đau lòng chia sẻ với chúng tôi về hoàn cảnh gia đình, vì Khánh học văn hóa tiếp thu chậm và kinh tế gia đình nghèo khó, xin nghỉ học ở nhà phụ giúp bố mẹ đưa quần áo ra công viên bán cho những người đi tập thể dục. Qua mối quan hệ, Khánh được nhận vào làm bảo vệ tại trung tâm thẩm mĩ Cát Tường. Tại đây, Khánh được ông chủ trung tâm thẩm mĩ là bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường tín nhiệm, quý mến. Sau đó, bác sĩ Tường đã nhờ Khánh “giúp sức” phi tang xác chị Lê Thị Thanh Huyền xuống sông Hồng.