Không khó để tìm nhà của Phạm Thành Hiếu (32 tuổi, ngụ Thạnh Đức, Bến Lức) trong những ngày này.
Từ anh xe ôm, chủ quán ăn, người đi đường, tất cả đều tận tình hướng dẫn chúng tôi đến tận nhà của người tài xế đã điều khiển đầu kéo container tông vào 25 xe máy đang dừng đèn đỏ ngay ngã tư Bình Nhựt (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức), làm chết 4 người và 18 nạn nhân bị thương trong chiều 2/1.
Trên hành trình tới nhà Hiếu, chúng tôi đã trò chuyện với hàng xóm, người thân của anh ta, viếng tang lễ của nạn nhân đã tử nạn dưới bánh xe container và trải qua một đêm trong khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy cùng người thân của những người bị thương.
Thằng nhỏ Hiếu qua lời kể của người hàng xóm, và anh Hiếu tài xế vừa bị khởi tố, bắt tạm giam vì gây ra vụ tai nạn kinh hoàng khi năm mới 2019 vừa bắt đầu được vài ngày, dường như là hai con người hoàn toàn khác nhau.
Thằng nhỏ Hiếu
"Hiếu sinh ra trong gia đình không đầy đủ. Ba má nó không lấy nhau. Công việc của bà An là bán bia 'vui vẻ' cho đám đàn ông. Từ nhỏ thằng bé đã bị bạn bè trêu chọc. Lớn lên, khi đi lái xe, cánh tài xế cũng biết, cứ xì xào sau lưng nó miết", dì Út bán hủ tíu bắt đầu câu chuyện về tài xế xe container vừa tông chết 4 mạng người.
Trong ánh mắt đượm buồn khi nhắc về cậu bé hàng xóm ngày nào, dì Út kể tiếp: "Hai má con nó từ mặt nhau lâu lắm rồi. Bà An đâu có nuôi được thằng nhỏ ngày nào, cũng không biết nó ở đâu, làm gì. Ấy vậy mà thằng nhỏ học hành được lắm. Hết cấp 2, Hiếu mới nhận cha đẻ, rồi được nuôi ăn học hết lớp 12. Nó ngoan, rất hiền và chịu khó".
"Hiếu bằng tuổi con út tôi, nhưng thằng nhà tôi chẳng nghề ngỗng gì, còn Hiếu lấy được vợ, dựng được cái nhà. Nó mấy lần về đây bảo má nó bỏ cái nghề bán bia đó đi, nó lái xe chở hàng đường dài, có tiền, nó nuôi, nhưng bà An không chịu, bảo làm quen rồi. Thế nên dù làm cho chủ ngay cửa nhà má, Hiếu không bao giờ tới gặp bà An. Bà con ở đây ai cũng biết nó, thằng nhỏ đáng thương", vẫn ánh mắt buồn, dì Út nhìn xa xăm, vô định.
Tài xế Hiếu tại cơ quan công an. Ảnh:
Trong tâm khảm của dì Út, Hiếu vẫn là "thằng nhỏ", "ngoan, rất hiền và chịu khó", khác với người tài xế 32 tuổi đêm kia vừa ra trình diện công an sau tai nạn kinh hoàng trên quốc lộ.
Sau khi được đưa đi xét nghiệm, Hiếu được phát hiện dương tính với heroin, nồng độ cồn trong máu cao.
Theo tường trình, trưa 2/1, Hiếu đến nhà người quen để dự tiệc và uống rượu bia. Sau đó, anh ta tới nhà máy xay xát ở TP Tân An (Long An) để điều khiển xe đầu kéo container chở gạo đi TP.HCM.
Khoảng 15h30, khi Hiếu lái xe đầu kéo cách ngã tư Bình Nhật 500 m thì đèn tín hiệu giao thông từ xanh chuyển sang đỏ, phía trước rất nhiều xe máy và xe tải dừng chờ; dù đã giảm dần tốc độ để đi vào làn ôtô, nhưng xe đầu kéo container vẫn lao thẳng vào dòng xe máy đang dừng.
Hiện trường la liệt người chết, nạn nhân bị thương, những chiếc xe máy nát bét. 4 người đã chết. Số còn lại được đưa thẳng vào bệnh viện cấp cứu.
"Sáng hôm đó (sáng 2/1 - PV), Hiếu dắt đứa con 4 tuổi tới nhà dì ăn hủ tíu. Thằng nhỏ kể vài tháng rồi chưa được nhận lương. Bữa trước mới được bà chủ đưa 2 triệu, kèm lời cằn nhằn.
Mà cũng không trách được, nhà chủ đó mấy năm nay cũng gặp xui. Mẹ mới mất, xe gặp tai nạn liên miên, tài cũng chỉ còn vài người, trong đó có Hiếu.
Thằng bé đi làm vất vả lắm con ơi. Lúc hai vợ chồng nó mới có 1 đứa con, nhỏ vợ còn đi làm, từ ngày có thêm đứa nữa nữa thì ở nhà ẵm con luôn. Kinh tế gia đình dồn lên vai thằng chồng. Ngủ ngày lái đêm.
Lắm hôm nó tới ăn hủ tíu mà mắt đỏ quạch. Dì còn khuyên mầy giữ gìn chớ phá sức khỏe vầy liệu chịu được mấy năm. Nói vậy chứ ở đây làm gì có nhiều sự lựa chọn. Nhưng nó chăm chỉ làm ăn vậy cũng để nuôi gia đình", dì Út kể tiếp.
Chia sẻ với PV, ông Hồ Thanh Nhàn, Giám đốc Công ty TNHH Thạnh Đức, nơi Hiếu làm thuê, cho biết Hiếu vốn sống xa cha mẹ từ nhỏ, hoàn cảnh khó khăn. Ông nhận Hiếu vào công ty nuôi dưỡng, cho học nghề rồi theo làm tài xế xe container.
Trong mắt người giám đốc, Hiếu giản dị, giỏi tay nghề, chịu khó làm ăn, anh em trong công ty ai cũng quý mến. Khi vụ tai nạn đau lòng xảy ra, ông rất bất ngờ trước kết quả xét nghiệm Hiếu dương tính với ma túy, vì ít ai thấy Hiếu chơi bời gì.
Trong trí nhớ của ông Nhàn và dì Út, không ai nghĩ người lái xe chăm chỉ, chịu khó, giỏi nghề lại sử dụng chất kích thích rồi gây ra thảm họa ngay trên quê hương của mình.
Hiện trường nơi xảy ra vụ tai nạn. Ảnh: Lê Trai
"Không thể tha thứ"
"Tại sao gia đình tôi lại lâm cảnh oan ức như vậy. Ba má tôi chịu khó cả đời dành dụm được ít tiền còn chẳng dám tiêu xài. Má tôi khỏe mạnh, vậy mà bây giờ áo quan của bà cũng không toàn vẹn".
Tiếng nức nở đầy uất ức của con gái bà Trần Thủy Phượng (67 tuổi), một trong bốn nạn nhân của vụ tai nạn, vang lên cùng tiếng nhạc đám ma.
Tầm giờ này hôm trước, mãi không thấy mẹ về, lại thấy trên mạng có vụ tai nạn ở ngã tư Bến Lức, cả nhà kéo nhau ra tìm. Tới nơi, thấy tấm áo quen thuộc nhuốm máu dưới gầm xe container, mọi người thay nhau ngất.
Người chồng suy sụp, hoang mang trước sự ra đi của vợ, những đứa con đã trưởng thành vẫn để mẹ bán rau, bắt cá, phụ tiền đi chợ mà chưa kịp báo hiếu, mấy người họ hàng vừa chuẩn bị cơm cúng dưới bếp vừa quệt nước mắt, vài người đàn ông liên tục hút thuốc trong im lặng khi khách khứa tới thắp hương chia buồn.
Ngôi nhà cấp 4 sâu trong ngõ hẻm, đường vào mọc đầy cỏ dại, từ ngày mai sẽ có thêm 1 ngôi mộ phía sau vườn.
Cách nhà bà Phượng khoảng 150 cây số, trong căn nhà tình thương ở vùng biên giới Tân Hưng, thi thể của Trần Quốc Cường cũng đã được khâm liệm xong trong sự vật vã, đau đớn tột cùng của gia đình và người thân.
Chàng trai sinh năm 1997 là con lớn trong gia đình có 2 anh em trai. Cường vào Sài Gòn làm thuê từ năm 18 tuổi. Thời gian rảnh, cậu chạy Grab Bike để kiếm thêm thu nhập. Chiều hôm ấy, chàng trai có chuyến đi về Long An, và đó cũng là lần về quê cuối cùng trong đời em.
Khi sự việc xảy ra, gia đình Cường không hề biết. Qua mạng xã hội và danh sách nạn nhân tử nạn được cập nhật trên báo, mọi người mới bàng hoàng chạy đi tìm thi thể con.
Cha mẹ, bạn gái, em trai Cường, gia đình bà Phượng, đều nghe về người tài xế đã bị bắt. Tất cả đều chưa có thời gian nghĩ tới điều gì sẽ xảy tới cho Hiếu, nhưng đều đồng ý phải có hình phạt thích đáng.
"Không thể tha thứ", con gái bà Phượng vừa nói vừa lắc đầu, nước mắt lăn dài, và ra hiệu cho phóng viên đừng hỏi thêm nữa.
Trần Thị Cẩm Tú, một trong những bệnh nhân nặng nhất, được cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Ảnh: Trương Khởi
"Phải cho nó một trận", đó là thông báo của người thân em Trần Thị Cẩm Tú trước cửa phòng cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy. Cô gái sinh năm 1993 bị chấn thương sọ não, gãy 2 xương cẳng chân phải.
Ngay khi gặp nạn ở ngã tư Bến Lức, Tú và 6 người khác được đưa thẳng vào bệnh viện tuyến cuối cùng của Bộ Y tế tại phía Nam, nơi dành cho những trường hợp nặng.
Cùng với cô gái quê Bến Tre là Đinh Quốc Duy (sinh năm 1990), được chẩn đoán chấn thương cột sống cổ, Lê Trọng Nguyễn (sinh năm 1999), chấn thương đầu mặt, Hà Mỹ Xuân (sinh năm 1996), gãy xương cẳng chân, Trần Ngọc Thúy (sinh năm 1994), đa chấn thương và gãy xương đùi, Nguyễn Văn Út (sinh năm 1982), bị thương ở đầu, Nguyễn Thị Út (sinh năm 1992), chấn thương đầu và đa xây xát.
Trong không gian tiếng còi xe cấp cứu liên tục hú vang dội, những băng ca đầy máu liên tục được di chuyển, tiếng khóc thổn thức nức nở của người nhà bệnh nhân vang khắp nơi, người thân của những nạn nhân của chiếc container túm tụm lại đọc thông tin về vụ tai nạn.
Nỗi lo lắng về tình hình người nhà dần dịu đi khi có thông tin Hiếu đã ra đầu thú.
"Phải bắt nó trả giá", cha em Hà Mỹ Xuân kết luận. Cô con gái sinh năm 1996 của ông vốn có thói quen dừng đèn đỏ, đội mũ bảo hiểm rất cẩn thận khi ra đường. Vậy mà hôm nay, chính thói quen tốt đẹp đó lại khiến em đang nằm ở đây, với chiếc cẳng chân bị gãy.
Cuối chiều 3/1, được một người xe ôm giúp đỡ, chúng tôi đến tiệm bán đồ ăn chay của ba ruột Hiếu, gặp 3 người phụ nữ, một là vợ của ba Hiếu, và hai người con gái của họ đánh ánh mắt lo lắng khi có người lạ bước vào, và chỉ thở phào khi chúng tôi tự nhận là khách dọc đường.
Liên tục trong khoảng 60 phút, người thân, hàng xóm liên tục tới để hỏi tình hình. Họ mang tới những tin tức đang được báo chí, mạng xã hội đưa lên về vụ tai nạn.
"Đâu có liên quan gì. Nó là con của ổng".
Câu trả lời tương tự được lặp lại ở nhà của má ruột của Hiếu, nhà bà An.
"Bả không biết gì đâu. Đừng hỏi gì"
Chúng tôi bảo nhau đi về mà không ở lại chờ được trò chuyện với vợ Hiếu. Người phụ nữ này đã dành cả ngày hôm nay đi tới từng đám ma và vào thăm bệnh từng nạn nhân để tạ lỗi thay chồng.
Gia đình của Hiếu không phải trả lời những câu hỏi về vụ tai nạn, bởi họ sẽ mãi mãi không hiểu chồng, con mình đã nghĩ gì trong giây phút đánh lái đâm thẳng vào hàng người đang dừng xe chờ đèn đỏ.
Sự trả giả hãy để pháp luật dành riêng cho người tài xế đã dùng bia rượu và nghiện ngập khi lái xe, chứ không phải dành cho người thân của anh ta.
Chúng ta rồi cũng sẽ quên câu chuyện này, dù nó đáng sợ đến thế nào. Nhưng chỉ mong đừng ai ngồi sau vô lăng, đừng vì một sai lầm mà vô tình gây ra nạn kiếp bất dung, cho chính ta và những người xung quanh, hoặc để ai đó phải đặt câu hỏi: Vì sao nó hiền lành, tử tế, mà vẫn dùng ma túy, uống rượu say lái xe và tông chết người rồi bỏ trốn?
Chiều 2/1, tại ngã tư Bình Nhật, gần cầu Bến Lức (huyện Bến Lức, tỉnh Long An), một xe đầu kéo container lưu thông hướng Tiền Giang đi TP.HCM đã tông vào 25 xe đang dừng đèn đỏ. Chiếc xe tiếp tục chạy đến dốc cầu Bến Lức thì dừng lại. Tại hiện trường, 4 nạn nhân tử vong tại chỗ, 18 người bị thương nặng được đưa đi cấp cứu. |