Chết đứng trong ống phễu vì xỉ muội
Sức nóng của vụ tai nạn thương tâm khiến 2 nữ lao động thiệt mạng oan uổng tại nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng đã khiến dư luận thêm dậy sóng. Điều mà người dân Hải Phòng quan tâm đặc biệt là ngay sau khi vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra, phía nhà máy Nhiệt điện lại tỏ thái độ thờ ơ với gia đình nạn nhân và bất hợp tác với các cơ quan chức năng? Vụ việc hết sức thương tâm xảy ra vào lúc 8h30 ngày 9/7 tại nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng (nhà máy đóng trên địa bàn xã Tam Hưng, huyện Thuỷ Nguyên, TP. Hải Phòng - PV). Trước đó, 2 nữ công nhân được xác định là chị Cao Thị Th. (SN 1986) và chị Ngô Thị L. (SN 1976) cùng trú tại thôn 6, xã Tam Hưng, huyện Thuỷ Nguyên đã cùng chui vào đáy phễu lò hơi của nhà máy để xúc và gạt xỉ muội ra ngoài. Do không được hướng dẫn cụ thể quy trình dọn vệ sinh lò hơi nên chỉ trong ít thời gian làm việc, cả 2 lao động này bị cả khối xỉ muội sót lại ụp xuống đầu gây tử vong tại chỗ.
Theo tìm hiểu được biết, 2 nữ công nhân này có hoàn cảnh gia đình cực kỳ khó khăn, các chị đều có con nhỏ trong độ tuổi đi học nên khi vụ việc thương tâm xảy ra, lãnh đạo huyện Thuỷ Nguyên và các nhà hảo tâm đã quan tâm động viên, giúp đỡ các gia đình sớm ổn định cuộc sống. Được biết, cả hai nữ lao động này đều là công nhân lao động phổ thông thuộc công ty Cổ phần H.V (trú tại thôn 9, xã Tam Hưng). Với chức năng hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh công nghiệp nên thời gian qua công ty H.V đã ký hợp đồng dọn vệ sinh phễu lò hơi cho nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng. Bất ngờ hơn nữa là thông tin từ phía gia đình nạn nhân tiết lộ, 2 nữ công nhân Th. và L. đều là lao động phổ thông dạng chui, tức là không được doanh nghiệp ký kết hợp đồng lao động.
Trở lại diễn biến vụ việc, chồng nữ công nhân L. là anh Lại Văn M. cho biết, cùng với vợ của anh còn một số lao động nữ nữa cũng không được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động. Theo đó, sáng 9/7, cả 5 người trong đó có chị L. và chị Th. được phân công dùng thang trèo từ mặt đất qua lỗ nhỏ chỉ một người chui lọt dưới đáy phễu lò hơi vào trong để lấy xỉ muội của tổ máy số 2 nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng. Được biết, những lao động này lần đầu tiên được giao nhiệm vụ dọn xỉ muội tại nhà máy Nhiệt điện. Chị L. và chị Th. làm vệ sinh tại một phễu, anh M. phụ trách dọn vệ sinh tại một phễu khác. Làm việc được một khoảng thời gian nhất định, mọi người phát hiện phễu của chị Th. và chị L. không thấy có tiếng động, xỉ muội từ trong phễu không thấy hất ra. Hốt hoảng gọi hai chị nhưng không thấy ai trả lời, mọi người mới xúm lại thì phát hiện cả hai đã bị xỉ muội phủ kín và bị chết đứng dưới đáy phễu. Thông tin vụ việc được cấp báo tới nhà máy Nhiệt điện, một số kỹ thuật đã phải dùng máy cắt một lỗ khác dưới đáy phễu để đưa các nạn nhân ra ngoài.
Chưa hết bàng hoàng sau cái chết thương tâm của vợ và chị Th., anh Lại Văn M. nói trong sự đau đớn đến cùng cực, giá như lớp xỉ muội từ trên cao được dọn sạch trước khi chị Th. và vợ anh chui vào xúc thì sự việc đâu đến nông nỗi này. Theo lời anh M. thì tất cả 5 lao động dọn về sinh tại tổ máy số 2 thuộc nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng trước khi vào dọn vệ sinh lò hơi đều không được trang bị các dụng cụ bảo hộ lao động. Mỗi người được phát một chiếc xẻng, trèo thang từ mặt đất vào ống phễu qua một cửa rộng khoảng 30cm, một người chui lọt được khoét ngang ống phễu để làm nhiệm vụ lấy các xỉ muội hất ra ngoài. Tuy nhiên, một điều khó hiểu nữa trong vụ việc này đó là ngay sau sự việc xảy ra, lãnh đạo doanh nghiệp và nhà máy đều viện các lý do để từ chối khéo các cơ quan chức năng khi họ vào cuộc điều tra sự việc. Theo một cán bộ công an huyện Thuỷ Nguyên, thì có lẽ phải bước sang ngày 11/7, tức là hơn 30 giờ đồng hồ sau khi vụ việc xảy ra, công an mới có thể khám nghiệm hiện trường phục vụ công tác điều tra.
Né tránh, bất hợp tác, khẩu chiến
Đó là các từ diễn tả đầy đủ nhất những động thái từ phía lãnh đạo công ty cổ phần H.V và nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng sau khi sự việc xảy ra. Trong suốt hơn một ngày ròng rã, PV các báo đều phải ngồi vạ vật trước cổng nhà máy, công ty để tìm hiểu thông tin xác thực nhất về vụ việc. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp cận đều gặp sự ngăn cản, phản ứng của bảo vệ. Bất ngờ hơn nữa là sau khi sự việc xảy ra, phía doanh nghiệp cũng không hề báo cáo với chính quyền địa phương, ngay cả Trạm công an Phà Rừng và công an xã Tam Hưng đến hiện trường để điều tra làm rõ cũng bị bảo vệ nhà máy từ chối, không cho vào với lý do "lãnh đạo đơn vị đang bận họp". Mãi tới 15h30 ngày 9/7 các cơ quan chức năng mới có thể tiếp cận khu vực hiện trường là tổ máy số 2. Trong quá trình tác nghiệp, đến khi được phép vào nhà máy, toàn bộ các phóng viên đều bị bảo vệ thu giữ các phương tiện tác nghiệp, với lý do đó là quy định của nhà máy?
Trong buổi cung cấp thông tin cho báo chí, khi được hỏi một số vấn đề liên quan đến vụ tai nạn, ông Đỗ Văn Hải - Trưởng phòng hành chính luôn né tránh các câu hỏi của PV. Ông Hải chỉ đưa ra bằng văn bản nội dung vụ việc mà báo chí đã phản ánh trước đó. Khi được hỏi tại sao lại cấm báo chí vào tác nghiệp tại hiện trường, thì ông Hải cho rằng đó là lệnh của tổng giám đốc và là nội quy quy định của nhà máy!
Trong một diễn biến khác, sau khi rời nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng, một số PV tiếp tục liên hệ với công ty cổ phần H.V để làm việc. Tuy nhiên, trong suốt đoạn đường về công ty, PV bị một số đối tượng có hành vi cản trở khi tiếp xúc với người dân. Khi tới gần cổng công ty, đối tượng đi xe mang BKS 15-G1: 146 yêu cầu PV không được đứng ở đây và hoạnh họe đòi xem giấy tờ? Lo lắng trước những diễn biến xấu có thể xảy ra, PV đã liên hệ với một đồng chí công an trạm Phà Rừng để được trợ giúp, bảo đảm an toàn trong quá trình tác nghiệp.
Theo thông tin mới nhất mà PV nhận được thì, tới ngày 11/7 cơ quan chức năng mới chính thức khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn. Trao đổi với báo chí, chủ tịch UBND huyện Thuỷ Nguyên, ông Nguyễn Trần Lanh cho biết, vụ việc đã được giao cho công an huyện tích cực điều tra. Huyện cũng trực tiếp cử một phó chủ tịch xuống hiện trường để chỉ đạo làm rõ vụ việc. Thượng tá Võ Xuân Trọng Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT công an huyện Thủy Nguyên cho biết, vụ việc có dấu hiệu một vụ án hình sự, cơ quan CSĐT công an huyện Thủy Nguyên phối hợp với các ngành chức năng thu thập chứng cứ để khởi tố vụ án vi phạm các quy định về an toàn lao động.
Doanh nghiệp sử dụng lao động "chui"! Tổ 5 lao động tham gia dọn vệ sinh lò hơi vào ngày 9/7 bao gồm: Lại Văn M. (SN 1972), Lại Thị H. (SN 1971), Phạm Thị H. (SN 1979), Ngô Thị L. (SN 1976), Cao Thị Th. (SN 1986). Các lao động này đều trú tại thôn 6, xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Cả 5 trường hợp đều là lao động phổ thông tại công ty cổ phần H.V và đều không được doanh nghiệp này ký kết hợp đồng lao động. |