“Phân tích hoạt chất của hạt mùi, người ta chỉ thấy phần lớn các tinh dầu, vitamin A, B, và sắt. Hạt mùi có vị cay, tính ấm, Đông y dùng làm thuốc bổ tì vị, kích thích tiêu hoá, chống đầy hơi, làm mạnh dạ dày, lợi tiểu, hạ sốt, giải cảm, chữa ho, ngạt mũi. Nghiên cứu ghi nhận trong Pubmed (thư viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ), hạt mùi chứa tinh dầu, chủ yếu là linalol (58,22%), dùng ngoài có tác dụng kháng nấm. Dịch chiết nước có tác dụng hạ đường huyết, chống gốc tự do, lợi tiểu và hạ huyết áp. Như vậy rõ ràng các kết quả nghiên cứu tây y cũng như đông y đều cho thấy hạt mùi hoặc cây mùi đều không liên quan đến điều trị bệnh sởi do virút. Do đó tạm thời chưa đủ bằng chứng kết luận hạt mùi có tác dụng phòng sởi, hoặc điều trị sởi.
Dân gian ghi nhận một phương thuốc đơn giản từ lá rau mùi để phòng ngừa bệnh đậu mùa (smallpox) (tránh nhầm với bệnh sởi – measles!), bài thuốc này không áp dụng khi đang bị bệnh hoặc đang trong mùa dịch: Lấy một muỗng dịch lá tươi rau mùi tươi nghiền trộn chung với 1 – 2 hạt chuối, uống một lần trong ngày, dùng liên tục trong một tuần sẽ ngừa được bệnh đậu mùa. Dân gian còn nhỏ dịch ép lá rau mùi vào mắt trong giai đoạn bị bệnh để giúp ngừa các mụt thuỷ đậu lây lan gây tổn thương mắt. Tuy nhiên phương thuốc này cũng chưa được kiểm chứng khoa học.
Nhưng dù sao các bà mẹ cũng cần chú ý là tinh dầu có nhiều trong lá và hạt rau mùi lại có tính gây kích ứng da, vì vậy không nên bôi lên da hoặc tắm cho trẻ đang lên sởi nhiều lần ở dạng nước hoặc cồn đều không tốt, và không dùng rau mùi cho các trẻ bị hen phế quản hoặc viêm phổi mãn tính”.