TIN TỨC » Dòng sự kiện

Hé lộ tình tiết quan trọng vụ chùa Bồ Đề buôn bán trẻ em

Thứ tư, 06/08/2014 09:06

Việc Nguyệt nhận nuôi nhiều cháu bé khiến dư luận đặt ra câu hỏi, liệu rằng đây có phải là đối tượng nằm trong đường dây mua bán trẻ em có tổ chức cao, bởi ngoài trường hợp của cháu Công, người phụ nữ này có thể đã gây ra nhiều vụ mua bán khác nữa.

Chiều 5/8, tại cuộc họp báo thường kỳ của Thành ủy Hà Nội, đại diện Công an Hà Nội đã thông báo một số nội dung liên quan đến các vụ việc "nóng" khiến dư luận quan tâm trên địa bàn thành phố. Trong đó nổi bật là vụ việc liên quan tới đường dây buôn bán trẻ em tại chùa Bồ Đề.

Thượng tá Vũ Thái Hưng thông tin tại buổi họp báo.

Tại buổi họp báo, đại diện Công an Hà Nội, Thượng tá Vũ Thái Hưng – Phó Phòng Cảnh sát hình sự Công An Thành phố Hà Nội đã tiết lộ một tình tiết quan trọng trong vụ buôn bán trẻ em tại chùa Bồ Đề.

Theo đó, Phó phòng cảnh sát hình sự Vũ Thái Hưng cho biết: Trong vụ buôn bán trẻ em tại chùa Bồ Đề, đối tượng Nguyễn Thị Thanh Trang (là người quản lý “nhà mở” - nơi trông trẻ của chùa Bồ Đề, địa chỉ tại tổ 2, phường Bồ Đề, quận Long Biên) đã có móc ngoặc với một đối tượng khác tên Phạm Thị Nguyệt (SN 1979, ở phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) để mua bán trẻ em trong chùa.

Cụ thể, qua điều tra, cơ quan công an nắm được từ 1 năm trước đó, Nguyệt có nhờ Trang tìm cho một đứa trẻ khỏe mạnh để nhận làm con nuôi và hứa sẽ bồi dưỡng tiền.

Nhận lời đề nghị của Nguyệt, Trang lựa chọn cháu Cù Nguyên Công (một cháu bé mới nhận nuôi tại chùa Bồ Đề) là món hàng để bán. Đôi tượng này đã tiếp cận với mẹ ruột của cháu Công và đặt vấn đề “muốn xin cháu để cho chị dâu làm con nuôi”.

Để thực hiện mưu đồ của mình, Trang thuê một người giả làm chị dâu nhằm khiến mẹ cháu Công hoàn toàn tin tưởng. Sau đó, tháng 1/2014, Trang thông báo cho Nguyệt và nói nếu đồng ý nhận nhận nuôi bé Công thì phải trả 40 triệu đồng để cô ta đưa cho mẹ bé.

Vụ việc êm xuôi được vài tháng thì hai đối tượng mua bán trẻ em trên bị cơ quan công an bắt giữ và điều tra.

Đối tượng Trang và Nguyệt tại cơ quan công an.

Cơ quan công an còn tiết lộ, bé Công không phải trường hợp duy nhất mà Nguyệt mua bán với hình thức nhận nuôi. Trước đó, đối tượng này còn nhận nuôi hai đứa trẻ khác nữa.

Thông tin này đã đem đến nghi vấn cho dư luận. Bởi trong trường hợp Nguyệt là người hiếm muộn đường con cái, chắc chắn cô cũng chỉ cần hỏi mua một cháu bé là đủ đáp ứng nhu cầu của mình. Hơn nữa, việc phải nuôi những cháu bé mới sơ sinh thường gặp rất nhiều khó khăn, chỉ cần một cháu đã đủ vất vả chứ chưa nói gì tới nhiều cháu.

Việc Nguyệt nhận nuôi nhiều cháu bé khiến dư luận đặt ra câu hỏi, liệu rằng đây có phải là đối tượng nằm trong đường dây mua bán trẻ em có tổ chức cao, bởi ngoài trường hợp của cháu Công, người phụ nữ này còn có thể đã gây ra nhiều vụ mua bán khác nữa.

Trao đổi về vân đề này, chị Quyên (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: Tôi loại trừ khả năng Nguyệt mua cháu Công vì lý do hiếm muộn đường con cái, nó có thể là vi lý do sâu xa khác. Bởi ngoài bé công Nguyệt đã nhận nuôi thêm 2 cháu nữa. Số lượng nhiều như vậy khiến tôi nghi ngờ”.

Xung quanh nghi vấn này, Phó phòng cảnh sát hình sự Vũ Thái Hưng đã cung cấp thêm một thông tin quan trọng khác nữa. Đó là: “qua điều tra, cơ quan công an phát hiện tại nơi ở của Nguyệt có nhiều giấy tờ và giấy khai sinh của các bé không phải con đẻ cô này nên nghi chúng đã được làm giả để hợp thức hóa việc mua bán trẻ em”.

Vụ việc còn đang được cơ quan công an điều tra mở rộng. Tuy nhiên không ngoại trừ khả năng, đằng sau vụ mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề, sẽ hé lộ đường dây buôn bán trẻ em với quy mô lớn.

Theo Nguoiduatin.vn