Ai cũng nghĩ, người đẹp như cô có lẽ sẽ có nhiều đàn ông sẵn lòng giang rộng cánh tay để chào đón, bao bọc, che chở. Nhưng sự chia lìa của bố mẹ đã sớm đẩy nữ sinh này vào con đường đen tối.
Mới học lớp 11, Liên đã trầm cảm vì những cú sốc liên tiếp xảy đến với gia đình. Từ khi bố mẹ chia tay, Liên như biến thành con người khác. Cuộc sống với bà ngoại không đủ để vun đắp cho cô gái đang tuổi lớn một nhân cách, nền tảng tốt. Cô bỏ học, tụ tập với bạn bè, ham chơi, lêu lổng rồi nghiện ma túy.
Trong một lần say xỉn, cô đã vô tình gây án mạng rồi phải ngồi tù. Đường hoàn lương của cô về sau đầy gập ghềnh, chông gai bởi sự ghẻ lạnh, xa lánh của người thân, bè bạn. Quá trình tìm lại niềm tin và gây dựng lại giá trị cho bản thân mình của Liên có không ít khó khăn. Ở tuổi 30, nữ hoa khôi xinh đẹp ngày nào vẫn tay trắng và cô độc.
Cú sốc làm thay đổi cuộc đời của một hoa khôi
Dù chưa tham gia bất kì một cuộc thi sắc đẹp nào nhưng Liên (tên nhân vật đã được thay đổi - PV) lúc nào cũng được bạn bè ưu ái gọi là "hoa khôi". Mà quả thực có gọi như vậy cũng không có gì là quá đáng. Vì giờ đây, dù đã ở tuổi 30 và trải qua nhiều sóng gió trong cuộc đời nhưng Liên vẫn còn giữ được nét đẹp tròn đầy, rạng rỡ khiến bất cứ người đàn ông nào cũng cảm thấy xao xuyến, rung động.
Nhìn Liên bây giờ, ít ai biết được cô tình nguyện viên của Tổ chức Cứu trợ trẻ em Hà Nội này đã có một quá khứ đầy sóng gió. Nhiều người tò mò, không hiểu tại sao người phụ nữ có nhan sắc, có đầu óc như Liên lại chấp nhận công việc bình dị tại tổ chức này. Đa số họ cho rằng, nếu cô "thỏa sức tung hoành", có lẽ sẽ có không ít cơ hội tốt đẹp chờ đợi phía trước.
Trong số những người "tò mò" ấy, không có nhiều người hiểu được những gì cô đang làm là một cách để chuộc tội với quá khứ, và là cách để cô trở lại hòa nhập với cộng đồng, gây dựng lại giá trị của bản thân để làm lại cuộc đời còn rất dài ở phía trước.
Quá khứ của Liên đầy sóng gió. Năm 17 tuổi, cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, Liên đã hứng chịu cú sốc đầu tiên trong đời khi bố mẹ chia tay nhau vì lý do "không hợp, không còn yêu nhau nữa". Mái ấm của cô đang yên ổn bỗng dưng chia lìa, tan tác. Liên về ở với bà ngoại, còn em trai theo bố. Sau khi chia tay nhau không lâu, cả bố lẫn mẹ của Liên đều tìm được hạnh phúc và bến đỗ mới cho riêng mình.
Mỗi tháng, sợi dây liên kết giữa cô với bố mẹ là những lần gặp gỡ ít ỏi, những đồng tiền trách nhiệm được cả hai gửi cho bà ngoại để nuôi nấng cô ăn học. Liên như rơi vào một khoảng không khổng lồ, không có gì bấu víu. Cú sốc lớn xảy ra vào thời điểm nhạy cảm - khi đang ở tuổi dậy thì - đã khiến Liên dễ dàng rơi vào trạng thái trầm cảm khá nặng. Cô bỏ ăn, lầm lì, ít nói, khác hẳn với con người hoạt bát nhanh nhẹn trước đây.
Cũng chính từ cái mốc quan trọng này mà cuộc sống của Liên đã rẽ sang một ngã hoàn toàn khác. Trước đây, khi gia đình còn êm ấm, sum vầy, những gì Liên có khiến không ít bạn bè ghen tị. Liên xinh đẹp, nhanh nhẹn, khéo léo, gia đình lại khá giả, bạn bè cùng trang lứa và cả những người quen đều nghĩ rằng có lẽ đợi chờ Liên phía trước là một tương lai sáng lạn. Nhưng mọi thứ đã thay đổi khi bố mẹ Liên mỗi người mỗi ngả.
Bà ngoại ở tuồi gần 70 tuy còn minh mẫn, nhanh nhẹn, nhưng không đủ sức để nâng đỡ đứa cháu tội nghiệp, đưa cháu ra khỏi vũng lầy tâm lý. Liên nhanh chóng rời xa vòng tay bà rồi sa đà vào đám bạn xấu, lêu lổng, ưa tìm cảm giác mạnh. Chứng bệnh trầm cảm của Liên ngày càng trầm trọng. Sự cám dỗ ẩn sau những trò chơi và sau những người bạn xấu đã đưa Liên đến với ma túy ở tuổi 17. Cái tin cô bị nghiện đã gây sốc cho cả gia đình. Bà ngoại cô phát bệnh, ốm liệt giường, còn cha mẹ cô cố cứu vãn nhưng đã quá muộn.
Và trong một lần say xỉn, cô đã vung dao giết người. Nhận mức án 12 năm tù (do thời điểm gây án Liên chưa đủ 18 tuổi), Liên đã vào trại giam, cùng lúc phải trải qua 2 thử thách lớn: cai nghiện ma túy và sống cuộc đời "áo số" trong trại.
"Đường về nhà" còn xa
Những khó khăn trong ngày tháng đầu vào trại tưởng chừng đã quật ngã cô gái trẻ. Liên vật vã vượt qua từng thử thách. Cuộc sống trong trại giam đã khiến cô tỉnh táo, có thời gian để suy nghĩ về những gì mình đã làm, những gì đang đợi mình phía trược. Tại trại giam, Liên còn được nhận nhiều sự động viên tinh thần của những người phụ nữ trung tuổi. Họ bằng tuổi mẹ cô, chẳng có quan hệ họ hàng thân thích gì, nhưng họ mang đến cho Liên sự ấm áp.
Từ khi xa cha mẹ, Liên đã quen sống trong cảnh cô độc. Chứng trầm cảm hành hạ đã khiến Liên cảm thấy cả thế giới quanh mình như bất động. Giờ đây, cuộc sống trong trại giam tuy gò bó, khó khăn, nhưng với một cô gái có hoàn cảnh như Liên thì nó vẫn mang đến một luồng sinh khí mới. Cô nhận ra rằng cha mẹ dù quan trọng nhưng không có nghĩa là cô phải tự hủy hoại cuộc sống của mình khi họ ra đi. Bởi xung quanh cô vẫn còn nhiều người tốt, vẫn còn những tình cảm tốt đẹp mà cô chưa từng được cảm nhận.
Những ngày tháng trong trại, Liên đã khóc rất nhiều. Cô ân hận vì tội ác mình gây ra và cảm thấy nó như một lực đẩy mình cách xa hơn nữa với gia đình, họ hàng, bè bạn.
Nhớ lại những ngày tháng đó, Liên chỉ cười: "Em cũng không thực sự nhớ mình đã làm thế nào để vượt qua. Chỉ biết rằng trải nghiệm và bài học đó mang lại cho em những cảm xúc, cách nhìn nhận mới về cuộc đời mình. Sau 3 năm trong trại, em đã gần như trở về tâm trạng bình thường. Em quyết tâm phải cải tạo tốt để được ân xá. Ngày đêm em mơ về điều đó. Và điều em nghĩ đến đầu tiên sẽ là đi thắp hương trên mộ bà, rồi em sẽ làm lại từ đầu".
Cuối cùng, dù phải chờ đợi, dù phải đau khổ nhưng ngày đó cũng đến. "Ăn cơm tù" được 9 năm, Liên được xét đặc xá. Niềm vui vỡ òa đến với Liên khi ở tuổi 27, cô lại có cơ hội trở về với cuộc đời thực sự của mình. Đã có quá nhiều thứ trôi đi và cô gái trẻ chỉ còn biết tiếc nuối. Cô không còn dám nghĩ đến chuyện tìm về ma túy hay chơi bời.
Chưa lúc nào cô cảm thấy cuộc đời đáng yêu đến thế. Sự quyết tâm làm lại vì thế được đẩy lên cao độ. Liên hồ hởi về nhà trong niềm vui khôn tả. Nhưng cơn hưng phấn ấy nhanh chóng bị dập tắt khi Liên phải đối mặt với một thực tế phũ phàng: bị gia đình, họ hàng khinh bỉ, coi thường, không mở rộng vòng tay để đón đứa con lầm lỗi trở về. Trong tâm tưởng của họ, cô là đứa hư hỏng, lại mang trọng tội gây vấy bẩn danh dự của cả gia đình. Điều đó đã bịt kín những lối về của cô.
Con đường chuộc lỗi không bằng phẳng
Đã rơi vào thảm kịch một lần, Liên tự đặt quyết tâm - dù có thế nào cũng không thể trở về đường cũ. Khốn khổ, cô độc vì bị cự tuyệt hoàn toàn, Liên không còn nơi nào bấu víu. Lúc này, cô cảm thấy trại giam nơi cô gắn bó suốt 9 năm qua có lẽ là nơi ấm áp hơn, tốt hơn cả nơi được gọi là gia đình mình. Cô chưa biết phải làm gì, phải bắt đầu từ đầu. Mọi thứ đều rối tung.
Sau một thời gian chới với, cô trở lại trại thăm những người mẹ, người bạn, người chị và tâm sự với họ về hoàn cảnh của mình. Thương Liên, một trong số những phụ nữ ấy đã gợi ý Liên tìm đến Tổ chức Cứu trợ trẻ em Hà Nội để làm công việc thiện nguyện khiến cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn. Đây là địa chỉ mà một người bạn của người phụ nữ này đang làm việc sau khi ra tù. Và cô đã tìm đến với tổ chức này.
Mục đích lớn nhất mà Liên nghĩ tới đó là cứu giúp những đứa trẻ có nguy cơ nghiện ma túy như mình trước đây, hoặc có nguy cơ trở thành gái bán dâm chuyên nghiệp do bị lừa, bắt cóc, lạm dụng... Thông qua việc làm này, Liên mong đợi dần thiết lập lại những sợi dây nối mình với cuộc sống bình thường, như một cách để chuộc lỗi với quá khứ và xua tan những ác cảm.
Tâm sự về cuộc sống và công việc hiện tại, Liên cho biết cô đã làm ở tổ chức này được hơn 2 năm và cảm thấy hoàn toàn hạnh phúc, thoải mái với những gì đang có. Dù ở tuổi 30, chưa có con, chưa lập gia đình và còn "nặng gánh" vì quá khứ quá tai tiếng, nhưng cô tin rằng những nỗ lực, cố gắng tận tâm, sẽ có ngày cô được đền đáp.